Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tương lai của chính sách giải quy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tương lai của chính sách giải quy

Nguyễn Trí Bảo

Chính những hoạt động huy động vốn giống như ngân hàng thương mại không được quản lý đã khiến cho các tổ chức tài chính như Bear Sterns, Goldman Sachs… rơi vào khủng hoảng.

(TBKTSG) – Khi rút ra bài học cho Việt Nam từ cuộc khủng hoảng đang diễn ra, nhiều chuyên gia kinh tế và nhà quản lý ở nước ta cho rằng chính sách gỡ bỏ quy định (deregulation – giải quy) là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới khủng hoảng, từ đó đặt vấn đề xem xét lại chính sách gỡ bỏ quy định ở Việt Nam.

Chúng ta nên có cái nhìn khách quan và công bằng về chính sách này.

Từ những năm 70 của thế kỷ 20, cùng với sự ra đời và phát triển của Kinh tế học tiền tệ và Kinh tế học cổ điển mới với quan điểm phản đối sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế và ủng hộ thị trường tự do, chính sách giải quy (deregulation) đã trở nên ngày càng phổ biến trên thế giới và được coi là chính sách tâm điểm của chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism).

Gỡ bỏ quy định giúp loại bỏ hoặc đơn giản hóa các quy định pháp lý hạn chế gia nhập thị trường, hạn chế cạnh tranh qua đó nâng cao hiệu quả các ngành sản xuất, dịch vụ.

Giải quy là nguyên nhân khủng hoảng?

Khi mổ xẻ để tìm ra nguyên nhân cuộc khủng hoảng, nhiều nhà kinh tế cho rằng chính sách giải quy trong ngành tài chính mà nước Mỹ đã theo đuổi trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến bùng nổ bong bóng nhà đất, rối loạn trên thị trường tài chính và dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.  

Bằng chứng được nêu ra nhiều nhất là đạo luật Gramm-Leach-Bliley năm 1999 bãi bỏ luật Glass-Steagall nhằm “cởi trói” (deregulated) cho các ngân hàng thương mại tham gia vào hoạt động đầu tư đầy rủi ro trên thị trường tài chính vốn trước đây chỉ dành cho ngân hàng đầu tư.

Tuy nhiên, những con cờ đôminô đầu tiên bị sụp đổ do cơn bão tài chính như Bear Stearns, Merrill Lynch, Lehman Brothers, Morgan Stanley và Goldman Sachs không hề dính dáng tới các ngân hàng thương mại nên không thể cho rằng đó là hậu quả của việc bãi bỏ luật Glass-Steagall.

Thậm chí, nếu không có luật Gramm-Leach-Bliley thì Bank of America đã không thể ra tay cứu Merrill Lynch, J.P. Morgan Chase không thể cứu Bear Stearns hoặc Goldman Sachs và Morgan Stanley không thể chuyển đổi sang mô hình ngân hàng tổng hợp để có thể sống sót. Trên thực tế, không phải do các ngân hàng thương mại được “cởi trói” mà chính hoạt động huy động vốn giống như ngân hàng thương mại của nhiều tổ chức tài chính không được quản lý mới là gốc rễ của cuộc khủng hoảng. Ví dụ điển hình là hoạt động đấu giá lãi suất chứng khoán (auction-rate security) do Lehman Brothers sáng lập năm 1984. Đây cũng là nhận định chung của nguyên thủ các nước G-20 trong cuộc họp thượng đỉnh vừa qua tại London.

Lịch sử kinh tế trong những năm qua cho thấy mô hình phát triển với sự can thiệp tuyệt đối của nhà nước hoặc trường phái tự do hóa cực đoan đề cao thái quá vai trò tự điều tiết của thị trường đều gặp phải thất bại. Tuy nhiên, mỗi mô hình vẫn có những hạt nhân tích cực mà chúng ta không nên phủ định sạch trơn.

Hơn thế, việc đưa ra một số quy định thiếu tính toán cũng góp phần không nhỏ gây ra khủng hoảng. Tiêu biểu nhất là việc Ủy ban Tiêu chuẩn kế toán tài chính (FASB) ban hành quy định về hạch toán theo giá thị trường năm 2007 theo đó khi thị trường CDS, MBS (các loại sản phẩm phái sinh) không còn tính thanh khoản thì giá trị hạch toán của chúng bằng 0 mặc dù giá trị thực không hẳn như vậy đã làm cho nhiều ngân hàng điêu đứng và rơi vào đổ vỡ.

Dưới sức ép của dư luận, vào đầu tháng 4 này FASB đã phải nới lỏng quy định trên. Hoặc Luật Tái đầu tư cộng đồng (Community Reinvestment Act) buộc các ngân hàng cho vay nhiều đối tượng khách hàng có độ tin cậy thấp đã góp phần làm cho bong bóng bất động sản phình to hơn. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh không thể kiểm soát của hai “doanh nghiệp nhà nước” Fannie Mae và Freddie Mac trong nhiều năm trước khi xảy ra khủng hoảng không thể coi là lỗi của chính sách giải quy mà đó là hậu quả từ năng lực quản lý có vấn đề của các cơ quan quản lý.

Tất nhiên, có những quy định nới lỏng kiểm soát thị trường tài chính ở mức độ nào đó đã làm cho khủng hoảng thêm trầm trọng. Chẳng hạn, việc Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cho phép năm ngân hàng đầu tư hàng đầu nước Mỹ có vốn trên 5 tỉ đô la bao gồm Lehman Brothers, Bear Stearns, Merrill Lynch, Goldman Sachs, và Morgan Stanley thay đổi phương pháp hạch toán nợ từ năm 2004, nhờ đó có thể tăng đòn bẩy tài chính (financial leverage) lên mức rất cao và nhiều rủi ro.

Theo quy định trước đó, tỷ lệ nợ trên vốn ròng (debt-to-net capital), chỉ số đo lường đòn bẩy tài chính doanh nghiệp, phải được duy trì dưới mức 12-1. Nhưng sau khi được nới lỏng Merrill Lynch có thời điểm đạt tỷ lệ 40-1. Hay việc ban hành Luật Hiện đại hóa giao dịch hàng hóa tương lai (Commodity Futures Modernization Act) năm 2000 hạn chế quyền lực của SEC trong việc giám sát CDS làm cho thị trường tài chính rối loạn sau khi thị trường nhà đất sụp đổ.    

Nói tóm lại, sẽ là không công bằng nếu vội vã quy chụp chính sách giải quy là nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng hiện tại. Nói đúng hơn, nới lỏng quy định trên thị trường tài chính đã góp phần làm cho khủng hoảng trầm trọng hơn.

Tương lai của chính sách giải quy

Để cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư, trong hơn 30 năm qua nhiều nước trên thế giới rất chú trọng đến việc gỡ bỏ các quy định để thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích đổi mới công nghệ cũng như đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Đối với một nước đang chuyển đổi như Việt Nam, Tiến sĩ Scott Jacobs, người đã có mặt ở Việt Nam từ năm 2001 để tư vấn về cải cách thể chế, cho rằng môi trường kinh doanh có thể ví như nước trong bể bơi.

Bên cạnh quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế thị trường (đổ nước cho đầy bể), chính sách giải quy đóng vai trò sàng lọc những quy định “bẩn” để môi trường kinh doanh luôn được “sạch sẽ”. Với tinh thần đó, trong những năm qua bên cạnh việc ban hành những luật cơ bản của nền kinh tế thị trường như Luật Thương mại, Cạnh tranh, Doanh nghiệp, Đầu tư, Đấu thầu, Chứng khoán… chính sách giải quy đã mang lại nhiều kết quả tích cực mà điển hình là trong lĩnh vực viễn thông. Trong cải cách môi trường kinh doanh nói chung, Chính phủ đã bỏ hơn 300 giấy phép kinh doanh từng gây nhiều tốn kém cho doanh nghiệp và tạo dư địa cho tham nhũng.

Điểm lưu ý cuối cùng là cần phân biệt gỡ bỏ quy định trong lĩnh vực tài chính và các ngành sản xuất dịch vụ khác trong nền kinh tế thực (real economy). Gỡ bỏ quy định nói chung trong những năm qua ở nhiều nước trên thế giới và Việt Nam đã chứng tỏ là một chính sách đúng đắn và có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm.

Tuy nhiên, tài chính – ngân hàng là lĩnh vực đặc biệt trong nền kinh tế, đóng vai trò trung gian đảm bảo phân bổ hiệu quả nguồn vốn đến tất cả các ngành sản xuất dịch vụ khác. Các nhà kinh tế đã thống nhất rằng không thể phó mặc hoàn toàn lĩnh vực tài chính cho sự tự điều chỉnh (self-regulate) của thị trường. Một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất như hãng xe hơi GM được coi là “quá lớn để sụp đổ” (too big to fail) nhưng một công ty bảo hiểm như AIG là “quá ràng buộc để sụp đổ” (too interconnected to fail) vì nếu sụp đổ có thể sẽ kéo theo sự đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế.

Do đó, hoạt động tài chính – ngân hàng cần được đảm bảo bằng một hệ thống pháp luật chặt chẽ và hiệu quả, cân bằng giữa vai trò tự điều chỉnh thông qua cạnh tranh trên thị trường và sự giám sát thận trọng của chính phủ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới