Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tường thuật trực tiếp hội thảo sau một năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về ĐBSCL

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tường thuật trực tiếp hội thảo sau một năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về ĐBSCL

Nhóm PV

(TBKTSG Online) – Sáng nay, ngày14-12 tại trường Đại học Cần Thơ đã diễn ra hội thảo "Sau một năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu" do trường Đại học Cần Thơ phối hợp với nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) tổ chức. Tòa soạn Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, một ấn phẩm của nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn tường thuật trực tiếp hội thảo này.

Xem chi tiết Nghị quyết 120 tại đây

ĐBSCL trước thách thức của biến đổi khí hậu

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ (CTU), cho biết đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, đóng góp hơn 95% lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây, và trên 74,6% sản lượng thủy sản nuôi trồng của quốc gia.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân, đòi hỏi phải có những giải pháp toàn diện, lâu dài, cấp bách để phát triển bền vững ĐBSCL.

Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, ban hành ngày 17-11-2017, liên quan tới gần 30 bộ, ngành và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Trước đó, phát biểu tại hội nghị chuyên đề để có nghị quyết này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, ĐBSCL phát triển theo hướng “thuận thiên” là chính.

Tường thuật trực tiếp hội thảo sau một năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về ĐBSCL
GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ

Trong chuyến công tác thăm và làm việc tại CTU vào ngày 10-8-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có mong muốn rằng CTU là cơ sở nghiên cứu, đề xuất chủ trương, giải pháp thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ đưa ra chính sách, nhưng hơn ai hết, sinh viên, giảng viên trong trường chính là nơi nghiên cứu thực hiện nghị quyết này với những sáng kiến về lý luận, thực tiễn để đề xuất với Thủ tướng và các bộ ngành”.

Nhằm góp phần tìm giải pháp thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, CTU phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) tổ chức hội thảo về đề tài này.

Ban tổ chức kỳ vọng hội thảo sẽ là nơi gặp gỡ của đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các chuyên gia, nhà nghiên cứu giúp phân tích những việc đã làm được, chưa làm được và đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết 120/NQ-CP.

CTU cam kết đồng hành với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và sẵn sàng làm đầu mối trong công cuộc phát triển ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, CTU sẽ tóm tắt báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ để đề xuất trình Thủ tướng thể hiện tính cam kết của Nhà trường trong công tác triển khai và thực hiện hiệu quả Nghị Quyết 120 của Chính phủ, như mong đợi của Thủ tướng.

CTU hôm qua, 14-12 đã làm việc với phía Nhật Bản, bàn về chương trình hợp tác với các chuyên gia của 9 trường đại học của Nhật để thực hiện hàng loạt dự án, đề tài nghiên cứu cho các tỉnh, thành ĐBSCL với vốn đầu tư ban đầu hơn 85 tỉ đồng từ nay tới năm 2022. Các đề tài này phần lớn phù hợp với định hướng, mục tiêu của Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ.

Ông Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL thuộc Trường Đại học Cần Thơ: "Những đơn vị liên quan đã làm gì trong một năm qua?"

Sau một năm thực hiện nghị quyết 120 của Chính phủ, ông Nhân cho biết, từ cấp Chính phủ đến địa phương và các tổ chức quốc tế cũng như trong nước đã triển khai thực hiện nhiều công việc khác nhau.

Theo ông Nhân, đối với hoạt động triển khai từ Chính phủ, ngày 18-12-2017, Văn phòng Chính phủ có công văn 13449/VPCP-NN về việc lập kế hoạch triển khai nghị quyết 120. Trong công văn có hai ý chính, gồm giao Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan lập Chương trình hành động tổng thể, báo cáo Thủ tướng phê duyệt trước tháng 2-2018 và yêu cầu các bộ , ban ngành báo cáo tiến độ thực hiện hàng năm.

Sau đó, cũng trong tháng 12-2017, Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ đạo các đơn vị đề xuất các nhiệm vụ, đề án, dự án triển khai thực hiện các nhiệm vụ báo cáo trước 31-1-2018.

Đến ngày 26-3-2018, Bộ Kế hoạch Đầu tư ban hành Quyết định số 337 về Kế hoạch triển khai Nghị quyết 120. Nội dung của kế hoạch này là Xây dựng “Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Quy hoạch này lồng ghép hợp phần 6 của dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL” dưới sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới.

Ông Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL

Ông Nhân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tổ chức Hội thảo tham vấn về chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120 tại Cần Thơ  vào ngày 27-4-2018. Trong chương trình này có hai giai đoạn, gồm giai đoạn 2018-2020 tập trung vào các giải pháp phi công trình và giai đoạn 2021-2030 tập trung vào các giải pháp công trình…

Trong khi đó, theo ông Nhân ở các địa phương vùng ĐBSCL đã lập lập danh mục các dự án đầu tư phát triển bền vững  và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng trình Bộ Tài nguyên Môi trường và  Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Các tỉnh cũng liên kết phát triển bền vững ở tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau  và Đuyên Hải Phía Đông; triển khai dự án phát triển du lịch ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu và triển khai các hoạt động sử dụng kinh phí địa phương và gắn kết dự án tài trợ.

Song song đó, theo ông Nhân, các tổ chức quốc tế và trong nước cũng đã tổ chức nhiều hoạt động, mà cụ thể là Đại sứ quán Hà Lan, Tổ chức IUCN phối hợp Bộ Tài nguyên Môi trường, Hội Nông dân Việt Nam và Đại học Cần Thở tổ chức hội thảo tập huấn, truyền thông điệp cốt lõi của Kế hoạch ĐBSCL nhằm hỗ trợ triển khai Nghị quyết 120 cho 13 tỉnh/thành ĐBSCL.

Theo ông Nhân, tháng 11 vừa qua, Đại sứ quán Hà Lan cũng đã làm việc về cơ chế tài chính thực hiện nghị quyết này.

Tuy nhiên, ông nhận định các dự án mang tính tổng thể, cấp thiết như nội hàm của nghị quyết chưa phát triển.

"Qua họp Quốc hội, Thủ tướng có nói sẽ dành 12.000 tỉ đồng cho ĐBSCL thực hiện nghị quyết này, nhưng chưa rõ giai đoạn nào", ông cho biết.

PGS.TS Lê Việt Dũng, Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ: "Cần có kế hoạch đồng bộ".

PGS.TS Lê Việt Dũng, Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ

Để thực hiện thành công và hiệu quả NQ 120 bên cạnh các giải pháp kỹ thuật cụ thể thì vấn đề thay đổi tư duy và quán triệt đồng bộ của nhà quản lý, nhà khoa học và rộng rãi trong cộng đồng thiết nghĩ cần phải có kế hoạch đồng bộ.

Vì vậy các bên liên quan cần có sự thống nhất cơ bản trước khi thực hiện những vấn đề lớn; sự thay đổi quan điểm liên quan đến nhận thức về mặn – hạn – lũ; về quản lý khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên và những chủ trương, chương trình hành động cụ thể.

Ngày 10-8-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác đến thăm Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã đề xuất : “Riêng với vấn đề tác động của biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, Thủ tướng mong rằng ĐHCT là cơ sở nghiên cứu, đề xuất chủ trương, giải pháp thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu", "Chính phủ đưa ra chính sách, nhưng hơn ai hết, sinh viên, giảng viên trong trường chính là một cơ quan nghiên cứu thực hiện nghị quyết này với những sáng kiến về lý luận, thực tiễn để đề xuất với Thủ tướng và các bộ ngành”

Nhà trường xin đề ra một số đề xuất sau:

– Cần có chính sách cho các đơn vị ở ĐBSCL để thực hiện nghị quyết.

– Cần có đề án liên kết tiểu vùng. Có bốn tiểu vùng tại ĐBSCL, làm sao phối hợp đồng bộ 4 tiểu vùng và cần có cái nhìn rộng hơn ở 4 tiểu vùng này.

– Cập nhật và hệ thống hóa số liệu, dữ liệu; thực hiện công tác điều tra cơ bản; hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách; rà soát, hoàn thiện và xây dựng các phương án quy hoạch. Cụ thể sẽ tham gia việc hệ thống hóa số liệu về tài nguyên và môi trường, biến đổi khí hậu; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về ĐBSCL phục vụ các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, chi tiết hóa cho vùng đồng bằng sông Cửu Long và xây dựng hướng dẫn sử dụng kịch bản biến đổi khí hậu trong xây dựng các đề án, nhiệm vụ phát triển ngành, phát triển kinh tế – xã hội của vùng, của địa phương.

– Điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường vùng ĐBSCL, quy hoạch tổng thế khai thác, sử dụng bền vững và quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; điều tra tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng biển Tây Nam Bộ phục vụ phát triển kinh tế biến và đảm bảo an ninh quốc phòng.

– Xây dựng các điểm quan trắc, giám sát, cảnh báo và dự báo môi trường; hệ thống giám sát nguồn nước dự báo, cảnh báo, hạn hán và xâm nhập mặn.

– Tham gia cập nhật, hoàn thiện và công bố định kỳ kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho đồng bằng.

Đối với Bộ Khoa học và Công nghệ, nhà trường kính đề xuất bộ tiếp tục ủng hộ và tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển bền vững Tây Nam bộ hiện do Đại học Quốc gia TPHCM và Viện hàn lâm Khoa học xã hội và Nhân văn đồng chủ trì và nếu được thì phân giao cho ĐHCT phụ trách trực tiếp một số hợp phần cũng như đặt bộ phận điều phối tại trường; điều này trước đây chương trình có dự kiến nhưng chưa thực hiện đúng mục tiêu đã đề ra, nhất là sau khi Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã ngừng hoạt động theo chỉ đạo của Trung ương. Có như vậy thì các đề tài khoa học công nghệ sẽ kế thừa và gắn chặt hơn nữa với thực tiễn đồng bằng.

Đối với các tỉnh thành tại Tây Nam bộ, bên cạnh việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ của địa phương mình như trước giờ đã làm thì cũng nên có biện pháp thống nhất khi thược hiện các đề tài có tính chất liên vùng và tiểu vùng; đồng thời định kỳ có sơ/tổng kết để có thể đánh giá và ứng dụng kịp thời cũng như ghi nhận những phát sinh mới từ thực tế.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp: Tại sao các tỉnh không phối hợp đẩy mạnh thương hiệu vùng Mekong Delta?

Bí thư Đồng Tháp: Muốn giàu phải chuyển tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế

Tham luận tại hội thảo, ông Hoan cho rằng, trong những lần chia sẻ, ông ít đề cập cũng như "than thở" về "vùng

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp

trũng hệ thống hạ tầng" của ĐBSCL. “Tôi luôn có suy nghĩ rằng, thay vì mất quá nhiều công sức để đưa ra kiến nghị nhằm tháo gỡ các nút thắt đó, thì chúng ta có thể cùng nhau "tự cứu mình trước khi trời cứu”, ông cho biết.

Từng lặn lội cùng nông dân, đồng hành cùng doanh nghiệp, tư duy cùng với các chuyên gia và nhà khoa học, ông Hoan phát hiện ra rằng, nông nghiệp nói chung, nông nghiệp Đồng Tháp nói riêng còn nhiều "nút thắt". “Muốn tháo gỡ, vai trò của doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học là rất quan trọng", ông nhấn mạnh.

Theo ông, hai "điểm liệt" được Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra đối với nông nghiệp Việt Nam đang gặp phải là "chi phí cao, chất lượng thấp" dẫn đến tình trạng "giải cứu nông sản" xảy ra ở nhiều nơi, trên nhiều loại nông sản khác nhau.  "Đúng như vậy, nếu chỉ "loay hoay" với sản xuất theo kiểu tăng diện tích, tăng sản lượng, mà không chú trọng đến chi phí sản xuất, chất lượng nông sản, phát huy công nghệ bảo quản, chế biến, phát triển thị trường, thì nông nghiệp sẽ rơi vào bế tắc và người nông dân không thể thoát ra khỏi rủi ro", ông cho biết.

Nếu không có một Ban điều hành hoặc Ban điều phối cho cả vùng ĐBSCL, thì đừng nói đến thực hiện nghị quyết 120, theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp.

Vì vậy, theo ông, một trong những ưu tiên hàng đầu là chúng ta cần thống nhất sớm hiện thực hoá quan điểm của Thủ tướng tại Hội nghị phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu thành kế hoạch hành động cụ thể phù hợp với điều kiện của vùng. "Đó là, chuyển từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp"", ông nhấn mạnh và cho rằng một trong những thành phần vô cùng quan trọng để hiện thực hoá quan điểm đó chính là đội ngũ các chuyên gia và các nhà khoa học từ các viện, trường cùng nối kết với cộng đồng doanh nghiệp để dẫn dắt người nông dân thay đổi.

Theo ông, tư duy sản xuất đã định hình trong một thời gian dài với tôn chỉ "lấy sản lượng làm mục tiêu phấn đấu" của chính quyền, ngành chuyên môn và người nông dân, mà câu chuyện lúa ba vụ là một điển hình. "Bây giờ là lúc chúng ta bớt đi những tác hại của cách làm như vậy", ông cho biết và nói rằng hãy cùng nhau hành động để biến tư duy kinh tế thành hiện thực cho nền nông nghiệp của Đồng bằng.

Thế nhưng, theo ông phải làm sao tư duy đó đến được xã hội, đến được người nông dân mới là điều quan trọng. "Có thể một vài doanh nghiệp lớn, có tiềm lực đã làm được điều này, nhưng còn hàng chục triệu nông dân thì sao?", ông nêu câu hỏi và tiếp tục đặt vấn đề: "Ai và làm thế nào đưa tư duy đó đến họ, đừng để họ bơ vơ trên con đường thay đổi?".

Theo ông Hoan, thời gian qua, Đồng Tháp đang miệt mài, bền bỉ chuyển tải những kiến thức kinh tế thành những ngôn ngữ "thật" đời thường, bằng các mô hình hay ở các địa phương trong và ngoài tỉnh để dẫn giải cho bà con hướng đến sự thay đổi. "Các "Hội quán nông dân" ở Đồng Tháp lần lượt ra đời là để hướng đến điều đó", ông nhấn mạnh và cho rằng địa phương rất cần rất cần các nhà khoa học, chuyên gia cùng tham gia vận hành các Hội quán, để cùng "về làng", kích hoạt sự thay đổi của bà con.

Ông cũng cho rằng thương hiệu vùng hiện còn rời rạc, manh mún. Doanh nghiệp nước ngoài mà ông gặp họ không biết Đồng Tháp hay An Giang nhưng người tiêu dùng Úc có thể biết Mekong Delta, vốn trong địa lý họ được học là vùng đồng bằng phì nhiêu, trù phú.

Vậy tại sao các tỉnh không phối hợp đẩy mạnh thương hiệu vùng Mekong Delta?

Bà Lê Thị Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang: "Cần thành lập ban chỉ đạo thực hiện nghị quyết"

Bà Lê Thị Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang

Năm 2005, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đặt bài viết cho quyển sách “Tây Nam Bộ tiến vào thế kỷ 21”, cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt lúc đó đã có bài viết “Đạo lý cho sự phát triển của ĐBSCL” để nhìn lại chặng đường 30 năm thực hiện định hướng phát triển cho vùng đất này. Ông nhấn mạnh: “Phải tập trung đầu tư, bù lại cho cả giai đoạn đầu tư nhỏ giọt trước đây, đầu tư kịp thời cho ba mũi đột phá về hạ tầng giao thông, về thủy lợi và về dân trí. Ráo riết, quyết liệt lắm để tối thiểu là sau năm 2015 ĐBSCL có đủ điều kiện cất cánh tới phồn vinh, thịnh vượng” – với ông, đây còn là nhiệm vụ nhưng cũng đồng thời là định hướng để ĐBSCL chúng ta phát triển bền vững.

Thực tế trong hơn 1 thập kỷ qua, sự phát triển của vùng nói chung và các địa phương nói riêng luôn gắn kết chặt chẽ với “3 mũi đột phá” đó. Và trong khoảng 5 năm trở lại đây, trước những tác động bất thường của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hệ quả tiêu cực đối với tác động của con người vào thiên nhiên trong quá trình phát triển, đã và đang là mối đe dọa trực tiếp đến mục tiêu “phồn vinh, thịnh vượng” của vùng đất “chín rồng”.

Với Kiên Giang, những mối đe dọa nêu trên đã không còn là kịch bản, là dự báo nữa mà đã hiện thực bởi sự xâm nhập mặn, sự khan hiếm nước ngọt trong mùa khô, và thời tiết khắc nghiệt, bất thường vào mùa mưa; gây thiệt hại trong sản xuất và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, đời sống của người dân.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Kiên Giang cụ thể hóa với tinh thần “chủ động – thích ứng”, nhằm mục tiêu cuối cùng là “phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn; lấy người dân làm trọng tâm, góp phần nâng cao sinh kế và nâng mức sống của người dân nông thôn, từng bước tiếp cận mức sống của người dân đô thị”.

Tinh thần “chủ động” của Kiên Giang được thực hiện thông qua giải pháp đầu tư hệ thống thủy lợi, đê và cống ven biển nhằm kiểm soát mặn – ngọt, điều tiết nước phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh – đây còn là giải pháp hữu hiệu trong việc phối kết hợp với các công trình thuộc Dự án thoát lũ ra biển Tây mà trước đây, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dành gần trọn tâm huyết cho phát triển vùng đất còn hoang hóa của ĐBSCL xưa

Về tinh thần “thích ứng” thì các giải pháp phi công trình như gây bồi tạo bãi, tái tạo rừng phòng hộ làm “đê mềm”, điều chỉnh cơ cấu cây trồng hợp lý đã và đang được Kiên Giang tập trung thực hiện. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về biến đổi khí hậu tới cộng đồng dân cư nhằm giúp người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững.

Trên cơ sở “chủ động – thích ứng” cùng với các điều kiện đang có, Kiên Giang đã thực hiện phân vùng sản xuất theo từng tiểu vùng sinh thái ngọt, lợ, mặn; chủ động dần trong từng khâu sản xuất giống, thâm canh, chế biến, bảo quản và phân phối sản phẩm nông, lâm, thủy sản tạo chuỗi khép kín; từng bước thay đổi tư duy sản xuất, từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn; xoay trục vào nhóm sản phẩm nông nghiệp thủy sản – cây ăn trái – lúa gạo.

Tôi đề nghị chúng ta cần thống nhất kiến nghị Chính phủ:

– Sớm ban hành chính sách khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội trong nước và nước ngoài cho đầu tư, phát triển vùng ĐBSCL, tập trung vào “hạ tầng giao thông, thủy lợi”. Đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu chung cho toàn vùng.

– Thành lập ban chỉ đạo (hoặc ban điều phối) thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ để việc triển khai các quyết sách từ nghị quyết này được tập trung hơn.

Ý kiến các địa phương rất quan trọng và cần quan tâm. Đề nghị mong Đại học Cần Thơ quan tâm nghiên cứu đề tài song song bởi tất cả các tỉnh người dân sống bằng nghề nông, ảnh hưởng người dân là rất lớn. Cần chú trọng kinh tế tư nhân hướng đến phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre: "Tận dụng nguồn lực "nội sinh" và "ngoại sinh" ứng phó biến đổi khí hậu"

Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre

Trình bày tại hội thảo, ông Lập cho biết, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thời gian qua, địa phương này chịu ảnh hưởng ngày càng rõ nét, mà cụ thể là hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lỡ, triều cường…, xảy ra với mức độ và cường độ ngày càng cao. Điều này, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, đời sống của người dân. "Đây là tác nhân chủ yếu dẫn đến sự sụt giảm các chỉ tiêu phát triển kinh tế của địa phương", ông nhấn mạnh.

Từ đó, ông rút ra nhận định, đó là con người không thể chống lại biến đổi khí hậu, mà chỉ có thể đề ra các giải pháp thích ứng và chủ động ứng phó, nhất là phát huy nguồn lực "nội sinh” dựa trên nền tảng những tiềm năng, thế mạnh của địa phương và tranh thủ các nguồn lực "ngoại sinh” hỗ trợ để tạo động lực thúc đẩy phát triển toàn diện trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp.

Từ nhận thức đó, địa phương xác định ứng phó biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo cho phát triển bền vững, "nhưng phải nằm trong một chỉnh thể thống nhất, hài hòa với sự phát triển chung của cả vùng ĐBSCL", ông nhấn mạnh.

Ông Lập cho biết, trong năm qua, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân chủ động ứng phó biến đổi khí hậu bằng việc kêu gọi người dân tham gia trồng và bảo vệ rừng, nhất là hệ thống rừng phòng hộ, rừng ngập mặn của tỉnh. "Đồng thời, tỉnh đang triển khai thực hiện các công việc chuẩn bị xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, với sự tích hợp cao cho sự phát triển bền vững của vùng.

Ông Lập cho biết, địa phương đã nghiên cứu, ứng dụng các bài học kinh nghiệm trong thực tiễn để thay đổi tư duy trong sản xuất, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang kết hợp hài hòa giữa chiều rộng với chiều sâu, từng bước hình thành và phát triển c&aac

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới