Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tường thuật trực tuyến hội thảo ‘Đi tìm diện mạo du lịch an toàn’

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tường thuật trực tuyến hội thảo ‘Đi tìm diện mạo du lịch an toàn’

Nhóm PV

(TBKTSG Online) – Chuỗi hội thảo “Đi tìm diện mạo du lịch an toàn” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn khởi xướng đã mở màn hôm nay, 22-10, tại TPHCM, nhằm tìm ra các giải pháp, sáng kiến có thể ứng dụng vào thực tế để phát triển các điểm du lịch an toàn trên khắp cả nước.Tường thuật trực tuyến hội thảo 'Đi tìm diện mạo du lịch an toàn'

Việc tìm kiếm các sáng kiến, giải pháp cho điểm đến du lịch an toàn sẽ giúp cho ngành du lịch dần phục hồi trong thời gian tới. Ảnh: Nhân Tâm

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu không có chiến lược “Du lịch an toàn” thời Covid-19 một cách bài bản thì sớm nhất phải đến giữa năm sau các hoạt động đón khách quốc tế vào Việt Nam và đưa khách đi ra quốc tế mới có thể bắt đầu trở lại.

Du lịch mà không phục hồi thì kéo theo đó là hàng loạt lĩnh vực có liên quan như hàng không, vận tải đường bộ, đường sắt, dịch vụ lưu trú – nghỉ dưỡng, ngành hàng ăn uống, dịch vụ giải trí…  cũng khó lòng mà có những thay đổi được.

“Để thu hút khách du lịch quốc tế một cách bền vững, trước hết cần phải đưa ra được tiêu chí thế nào là các địa điểm du lịch an toàn, và sau đó là việc tự nguyện tuân thủ của các tổ chức, doanh nghiệp để hình thành một mục tiêu chung về cung cấp dịch vụ du lịch an toàn, ông Trần Minh Hùng, Tổng biên tập nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn chia sẻ trong bài phát biểu khai mạc chuỗi hội thảo.

Ông cho biết thêm mục tiêu là làm sao vừa đảm bảo tính an toàn, kiểm soát được dịch bệnh nhưng cũng cần thông tin đơn giản, dễ hiễu và minh bạch đến du khách, tạo cho họ sự thoải mái, tin tưởng.

Chính vì vậy, nhằm đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc đưa ra ý tưởng, giải pháp cho một quy trình vận hành du lịch an toàn trong bối cảnh hiện nay, Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chuỗi hội thảo “Đi tìm diện mạo du lịch an toàn”.

Với sự đồng hành của công ty Images Travel, buổi hội thảo đầu tiên diễn ra tại TPHCM thu hút sự quan tâm của ngành du lịch thành phố cũng như nhiều chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực này, bao gồm ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng lữ hành, Sở Du lịch TPHCM, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty Outbox Consulting, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Công ty Du lịch Viet Excursions, ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings…

Ban tổ chức kỳ vọng hội thảo sẽ là một diễn đàn mang tính cởi mở dành cho đại diện của các sở du lịch, hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp du lịch địa phương, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch. Thông qua những quan điểm, ý kiến đóng góp của những cá nhân và đơn vị tham dự, chuỗi hội thảo mong muốn đem lại các ý tưởng, giải pháp cho một quy trình vận hành du lịch an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn là nỗi ám ảnh lớn của nhân loại nói chung và ngành du lịch nói riêng.

Dự kiến, chuỗi hội thảo sẽ được tổ chức tại các địa phương tiếp theo sau TPHCM, bao gồm Quảng Nam với sự kết hợp tổ chức cùng Hiệp hội Du lịch Quảng Nam (ngày 29-10-2020), Cần Thơ (ngày 6-11-2020), và Hà Nội (ngày 15-11-2020).

Du khách quan tâm đến sự an toàn hơn là giá cả

Mở màn cho phần trình bày của các diễn giả tại hội thảo, ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng lữ hành, Sở Du lịch TPHCM, cho biết trong bối cảnh hiện nay, tâm lý của du khách đang thay đổi, giá cả không còn quan tâm nữa mà ưu tiên nhất vẫn là tiêu chí an toàn. Ông gửi gắm sự kỳ vọng: "Tôi mong muốn các chuyên gia doanh nghiệp đưa ra được giải pháp tối ưu để vực dậy du lịch TPHCM".

Ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng lữ hành, Sở Du lịch TPHCM, trình bày tại hội thảo “Đi tìm diện mạo du lịch an toàn” ngày 22-10. Ảnh: Thành Hoa

Riêng Sở Du lịch TPHCM trong thời gian gần đây cũng đã đưa ra nhiều phương án trong đó có đưa ra nhiều điểm đến an toàn để du khách lựa chọn. Trước hết, triển khai các bộ tiêu chí an toàn để triển khai đến các cơ sở du lịch để tạo tâm lý an toàn cho du khách khi tham quan. Sau đó, đẩy mạnh truyền thông cho du khách và người tiêu dùng biết, đây là điều quan trọng để hướng đến việc tiếp đoán khách quốc tế trong thời gian tới.

Một yếu tố quan trọng là sản phẩm du lịch phải hấp dẫn; bởi nếu chỉ an toàn không mà không hấp dẫn thì cũng không thể có du khách. không chỉ đưa ra giải pháp thu hút khách đến mà tạo điều kiện cho cư dân thành phố đi du lịch khắp cả nước.

“Vì vậy, cần có sự liên minh với các địa phương khác để thống nhất được bộ tiêu chí an toàn và đẩy mạnh kích cầu du lịch. Điểm đột phá nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, cụ thể như xây dựng ứng dụng du lịch an toàn để có cơ sở chủ động kiểm soát tiêu chí chúng ta đặt ra một cách hiệu quả”, ông Nguyễn Việt Anh chia sẻ.

Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty Outbox Consulting, trình bày tại hội thảo “Đi tìm diện mạo du lịch an toàn” ngày 22-10. Ảnh: Thành Hoa

Ở góc nhìn của một đơn vị tư vấn và nghiên cứu về thị trường du lịch, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty Outbox Consulting cho biết, những lo lắng cốt lõi hiện nay của du khách khi đi du lịch vẫn là nhiễm bênh và bị cách ly, vậy làm sao để giảm thiểu sự lo lắng của du khách là điều quan trọng, nhưng làm cách nào là vẫn là câu hỏi lớn cho các tổ chức, đơn vị trong ngành.

Hiện tại, phần lớn du khách cho rằng lo lắng nhất khi chọn điểm lưu trú là yếu tố vệ sinh – an toàn, chiếm 92% số lượng du khách được Outbox Consulting khảo sát. Kế tiếp, 83% du khách cho biết sẽ không đi du lịch nếu họ bị tiến hành cách ly tại điểm đến; 83% du khách cho rằng cách ly có rủi ro ngang bằng với việc nhiễm virus gây Covid-19; 79% du khách cho rằng việc công khai và làm theo tiêu chuẩn an toàn của Chính phủ là điều quan trọng.

Như vậy, với những cơ sở dữ liệu có được thì sự an toàn thống nhất liền mạch và khôi phục sự tự tin của du khách là những yếu tố quan trọng để phục hồi du lịch Việt Nam. Như vậy, hệ thống quy định kèm các hướng dẫn áp dung cụ thể nhằm kết nối du khách và các đơn vị cung ứng dịch vụ thông qua những tiêu chuẩn phù hợp với “thực tế mới”.

Theo đó, ông Đặng Mạnh Phước đưa ra lời gợi ý về Bộ tiêu chí an toàn với 4 mục tiêu cốt lõi, được triển khai đồng nhất tại tất cả các đơn vị cung ứng dịch vụ và đối với du khách. Trong đó, thứ nhất là hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp và nhân lực trong ngành du lịch triển khai thuận lợi các quy định, quy chế về phòng chống dịch Covid-19 trong quá trình kinh doanh. Thứ hai là bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn cho sức khỏe cộng đồng. Kế tiếp là tạo sự tin tưởng cho du khách về các tiêu chuẩn an toàn. Và cuối cùng là chủ động giúp du khách tiếp cận những trải nghiệm mới khi đi du lịch tại điểm đến mới.

“Bộ tiêu chí này cần có những đặc tính cơ bản bao gồm nâng cao sự tự tin cho du khách, doanh nghiệp và nguồn nhân lực trong ngành du lịch. Tiếp đó là kết quả của sự hợp tác liên ngành, thống nhất ở cấp độ quốc gia, được thể hiện dưới hình thức chứng nhận (nhãn). Ngoài ra, tiêu chuẩn quy trình áp dụng được thiết kế riêng cho từng loại hình dịch vụ, đảm bảo tính thống nhất cho mọi đối tượng khác nhau”, ông Phước cho hay.

Các diễn giả tham gia cuộc tọa đàm "Đi tìm diện mạo du lịch an toàn", từ trái sang phải: Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Outbox Consulting; Ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng lữ hành, Sở Du lịch TPHCM; Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM; Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings; Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Công ty Du lịch Viet Excursions và điều phối viên tọa đàm, ông Võ Hồng Văn, Thư ký tòa soạn Sài Gòn Tiếp thị Online. Ảnh: Nhuận Mẫn

Chuẩn bị sẵn sàng để đón cơ hội quay trở lại

Trong phần trình bày tại cuộc tọa đàm, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Công ty Du lịch Viet Excursions nêu quan điểm "an toàn" phải là từ khóa mang tính chiến lược trong các hoạt động du lịch trong thời điểm hiện nay, từ lữ hành đến cơ sở lưu trú và cả hoạt động dịch vụ tàu biển. Ông chia sẻ thông tin về một số quy tắc mang tính bắt buộc mà nhiều hãng du lịch tàu biển toàn cầu đang áp dụng, trong đó có thực hành về tiếp xúc an toàn và đo nhiệt độ cá nhân trong hoạt động giao tiếp, chuyển hướng các giao dịch lên không gian trực tuyến (online), tận dụng tiện ích của các ứng dụng phần mềm.

Ông Phan Xuân Anh đề xuất quy tắc mọi yêu cầu trong vận hành đều phải thực hiện qua ứng dụng (app), áp dụng cho cả khu vực lưu trú và trên tàu biển, trong đó bao gồm cả các yêu cầu về dọn dẹp vệ sinh, dịch vụ ẩm thực, thanh toán… tất cả đều tiến hành trực tuyến. Tại khu vực lưu trú thì cần sử dụng các thiết bị tự động cho việc lau chùi, khuyến khích khách đi thang bộ thay vì đi thang máy để tránh tập trung đông người. Tại nhà hàng, không tổ chức tiệc buffet tự chọn mà tổ chức tiệc buffet quy mô nhỏ, có nhân viên phục vụ 100%.

Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings, chia sẻ góc nhìn về du lịch an toàn như một cơ hội cho ngành du lịch Việt Nam, từ năm 2021. Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn đang vật lộn với dịch bệnh thì tại Việt Nam, việc khống chế dịch bệnh đang tiến triển tốt. Vì vậy, theo ông, đây là thời điểm tốt để ngành du lịch chuẩn bị sẵn sàng khi quay trở lại, cho dù biết rằng đang rất khó khăn.

Vị doanh nhân này dẫn chứng các kênh tìm kiếm lớn như Goolge đã có sự đánh giá cao Việt Nam là điểm đến an toàn.  Các công ty quản lý khách sạn quốc tế cũng thông báo các chỉ số yêu cầu đi du lịch đến Việt Nam năm 2021 cao một cách ấn tượng.

Vì vậy, theo ông Ngô Minh Đức, để xây dựng được điểm đến du lịch an toàn, Tổng cục Du lịch Việt Nam cần làm một quy trình chuẩn, lựa chọn một vài thị trường quốc tế thí điểm. Và đến giữa năm 2021 Việt Nam sẽ đón nhiều du khách hơn nếu có quy trình rõ ràng và mọi người cùng tuân thủ, thực hiện.

Diễn giả Phan Xuân Anh, Chủ tịch Công ty Du lịch Viet Excursions (đứng), đang trao đổi cùng các khách tham gia hội thảo. Ảnh: Thành Hoa

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM cho biết, Hiệp hội hiện có đưa ra các tiêu chí an toàn, kết nối các địa phương trong cả nước, đặt ra yêu cầu có sự ràng buộc và cam kết trong thực thi. Qua đó, giúp các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến những điểm đến an toàn thuận tiện hơn.

Ngoài các chương trình kích cầu nội địa thì Hiệp hội mong muốn dịch bệnh được kiểm soát sớm để các đơn vị, doanh nghiệp có thể bắt đầu đón khách quốc tế. Hiệp hội cũng phổ biến cho các công ty chuẩn bị các kế hoạch kinh doanh mới, lựa chọn thị trường an toàn nhằm trở lại hơn. Để du lịch trọn vẹn thì vẫn phải có hoạt động du lịch quốc tế, nếu có sự chuẩn bị tốt thì ngành du lịch sẽ là tạo nên một diện mạo an toàn cho cả quốc gia, nếu du lịch an toàn thì chứng tỏ Việt Nam an toàn với Covid-19.

Đi tìm câu trả lời cho giải pháp an toàn du lịch

Trong phần thảo luận giữa diễn giả và khách tham dự, ông Đặng Huy Hải, Phó tổng giám đốc WMC Group (tập đoàn đang quản lý nhiều thương hiệu về nhà hàng, khách sạn, dịch vụ bất động sản như Windsor, Mayfair, The Reverie…) cho rằng an toàn không phải là chỉ nói du lịch an toàn mà mọi thứ xung quanh đều phải an toàn. Các nhà kinh doanh không thể chờ dịch bệnh triệt tiêu hoàn toàn mà họ cần phải hành động để tồn tại. Khủng hoảng dịch bệnh là chưa có trong lịch sử, và tất cả các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cần tự giải quyết dựa trên thực tiễn.

Theo ông Hải, cần dựa vào việc tìm hiểu, tham khảo các khu vực lân cận Việt Nam có điều kiện an toàn tương tự, họ có đầy đủ bộ tiêu chí lẫn quy định về phòng chống dịch bệnh, để mở rộng “bong bóng du lịch”, từ đó thu hút du khách dễ dàng hơn. Trên thực tế, nhu cầu tổ chức hoạt động hội nghị, ẩm thực đã bắt đầu quay trở lại với các nhà hàng khách sạn trong thời gian qua. Điều quan trọng là chúng ta cần đảm bảo các tiêu chí đồng nhất để duy trì sự an toàn ở mức cao nhất để sự phục hồi mang tính bền vững hơn.

Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, hy vọng có quy trình chuẩn về điểm đến du lịch an toàn trong vòng 1-2 tháng tới để đón khách.

"Hiện nay, chúng tôi nhấn mạnh an toàn nội địa trước để vực dậy kinh doanh. Riêng tại Saigontourist, hiện nay 100% nguồn lực là để phục vụ du lịch nội địa. Trong khi đó, với mảng dịch vụ Inbound (khách nước ngoài vào Việt Nam) và Outbound (khách Việt Nam đi nước ngoài) thì chúng tôi vẫn giữ liên lạc để có thể kết nối sau này.
Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện tốt quy trình đón chuyên gia vào Việt Nam để làm việc, công tác. Chúng tôi hy vọng khoảng 1-2 tháng nữa sau khi đã có quy trình chuẩn đón chuyên gia, sẽ mở rộng ra đón du khách", ông Y Yên chia sẻ.

Diễn giả Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, cho biết hiện Hiệp hội đã đưa ra các tiêu chí an toàn du lịch, kết nối các địa phương trong cả nước cùng thực hiện. Ảnh: Nhuận Mẫn

Theo bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch Hội đồng thành viên Pegas Touristik, hầu hết du khách tại Nga đã sẵn sàng lựa chọn Việt Nam làm điềm đến ngay lúc này vì đánh giá mức độ an toàn cao. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn chưa mở cửa trong khi doanh nghiệp đã phải mệt mỏi cầm cự chờ khách cũng gần đi đến giới hạn. Các cơ quan ban ngành gần đây cũng đã nhắc đến nhiều về bộ tiêu chí an toàn, nhưng các doanh nghiệp mong muốn tiến độ phải được thúc đẩy nhanh hơn để thị trường du lịch nhất là các công ty lữ hành quốc tế được cứu.

“Có thể chúng ta chấp nhận Covid-19 vẫn đang tồn tại ở đâu đó nhưng chúng ta cũng không thể đầu hàng mà phải tiến về phía trước, nếu chúng ta tự tin về sự an toàn chủ động. Nếu càng đứng im chúng ta càng tê liệt vì tình hình khó khăn đã kéo dài gần một năm nay từ khi dịch bùng phát. Vì vậy sau khi mở cửa trở lại chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ được hỗ trợ về thuế để có thời gian chữa lành được “vết thương” này”, bà Phong Thu cho hay.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, Tổng giám đốc của Images Travel – Asia Mekong DMC, nêu quan điểm về việc cần có phương án an toàn tâm lý cho khách lỡ bị bệnh hoặc mang theo bệnh tại Việt Nam. Ông Toản nêu một ví dụ nếu khách bị bệnh sẽ bị đối xử như tội phạm, điều này sẽ gây mất an toàn tâm lý cho khách, họ sẽ bị chấn thương tâm lý vì bị hắt hủi.

Bà Dương Tú Anh, Công ty Nam Anh, đại diện cho một số hãng hàng không của Nga tại Việt Nam, cho biết lâu nay doanh nghiệp có một quy trình về bảo vệ rủi ro cho khách Nga từ 11-12 đêm. Vì vậy, doanh nghiệp đề xuất Chính phủ cho phép khách Nga được cách ly ngay tại khách sạn 5-6 ngày và sau đó đi du lịch khắp nước Việt Nam với một quy trình phù hợp với việc phòng chống Covid-19.

Diễn giả Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings, chia sẻ góc nhìn về du lịch an toàn như một cơ hội cho ngành du lịch Việt Nam, từ năm 2021. Ảnh: Thành Hoa

Diễn giả của buổi tọa đàm, ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HĐQT HG Holdings cho biết qua vai trò thành viên tư vấn Hội đồng Du lịch Quốc gia, ông được biết đã có nhiều văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ và có nhiều cuộc khảo sát nhu cầu đi lại du lịch như thế nào để đảm bảo an toàn. Hiện nay, Chính phủ đã giao cho Tổng cục Du lịch Việt Nam xây dựng các quy trình về điểm đến du lịch an toàn một cách rõ ràng, công khai, minh bạch.

Ở góc nhìn của nhà kinh doanh du lịch, ông Đức cho biết khách quốc tế đóng góp cho rất lớn cho nền kinh tế nhưng trong vòng 12 tháng tới các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành cần thúc đẩy mảng nội địa để bù đắp những mất mát. Ông Đức cho rằng Việt Nam sẽ chỉ mở cửa du lịch khi vắc-xin phòng chống Covid-19 ra đời để đảm bảo an toàn với tỷ lệ cao nhất.

Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Trần Minh Hùng, Tổng biên tập nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn, hy vọng các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong ngành du lịch sẽ tìm được tiếng nói chung trong việc tham gia chương trình “Sáng kiến điểm đến an toàn”. Chương trình hướng tới việc các thành viên tự nguyện áp dụng Bộ tiêu chí đánh giá điểm đến an toàn trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch an toàn trong trạng thái bình thường mới.

Theo ông Hùng, đây cũng sẽ là diễn đàn để các thành viên đóng góp ý kiến xây dựng và phát triển thị trường du lịch, những vấn đề liên quan đến ngành nghề, môi trường kinh doanh, quy chuẩn, tiêu chuẩn xanh, an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái, có khả năng đối những rủi ro do dịch bệnh gây ra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới