Thứ Bảy, 3/06/2023, 01:30
29 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Tường thuật trực tuyến tọa đàm: Quản trị tài chính trong và sau đại dịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tường thuật trực tuyến tọa đàm: Quản trị tài chính trong và sau đại dịch

Nhóm PV

(TBKTSG Online) – Dịch Covid-19 lan rộng cùng những tác động tiêu cực của nó đến nền kinh tế đã đẩy doanh nghiệp đứng trước thử thách mang tính sống-còn. Trong đó, tài chính là một trong những vấn đề nan giải nhất, bởi chỉ cần mất thanh khoản, nhiều doanh nghiệp sẽ đối diện bờ vực phá sản. Do vậy, để sống sót và tăng trưởng trở lại sau dịch thì hoạt động quản trị tài chính, tiếp cận vốn vay ưu đãi là vấn đề tối quan trọng đối với doanh nghiệp.

Lúc 10h30 ngày hôm nay (8-5), số thứ ba trong chuỗi tọa đàm “Cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch” sẽ bàn về chủ đề “Quản trị tài chính trong và sau đại dịch”.

Bạn đọc có thể theo dõi buổi tọa đàm tại các Fanpage của Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Hội doanh nhân trẻ TPHCM, Tôn Colorbond và tại báo điện tử Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online.

Tường thuật trực tuyến tọa đàm: Quản trị tài chính trong và sau đại dịch
Các diễn giả tham gia tọa đàm trực tuyến "Quản trị tài chính trong và sau đại dịch" ngày 8-5 (từ phải sang trái): ông Hoàng Minh Hoàn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) phụ trách khối quản trị tài chính và nguồn vốn; bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó tổng giám đốc  KPMG Việt Nam; ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM. Ảnh: Thành Hoa

Tọa đàm sẽ dành phần lớn thời gian để bàn về các nguồn tài chính doanh nghiệp cần nghĩ đến trong mùa dịch, cách thức nào để kiểm soát dòng tiền hiệu quả, cách nào để được tiếp cận các nguồn hỗ trợ lãi suất của nhà nước.

Các diễn giả tham gia tọa đàm trực tuyến ngày 8-5 gồm ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM. Ông Minh sẽ giải đáp các câu hỏi về các chính sách của NHNN về vốn, lãi suất, tái cơ cấu nợ… cho doanh nghiệp, cách thức tiếp cận vốn sao cho hiệu quả. Và nếu hồ sơ vay vốn hợp lệ mà vẫn không thể vay, doanh nghiệp có thể phản ánh trực tiếp với NHNN thông qua buổi tọa đàm này.

Ở góc độ một ngân hàng thương mại, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) phụ trách khối quản trị tài chính và nguồn vốn sẽ chia sẻ cụ thể hơn về các gói vay hỗ trợ cho doanh nghiệp trong mùa dịch của ngân hàng và chính sách đồng hành với doanh nghiệp trong quản lý tài chính, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn mùa dịch và trở lại hoạt động bình thường sau đại dịch.

Trong khi đó bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó tổng giám đốc  KPMG Việt Nam, với 20 năm kinh nghiệm trong tư vấn quản trị doanh nghiệp, sẽ đưa ra những lời khuyên thiết thực cho doanh nghiệp trong việc quản trị tài chính sao cho tồn tại qua mùa dịch an toàn và phát triển bền vững trở lại sau dịch.

 

Trong quá trình theo dõi, quý độc giả có thể đặt câu hỏi cho diễn giả trực tiếp qua các Fanpage hoặc tại đây.

Trong 4 tháng đầu năm 2020 theo Cục quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có 41.755 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 5,6% so với cùng kỳ 2019), bao gồm: 22.696 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 33,6%), 13.956 doanh nghiệp chờ giải thể (giảm 19,2%), 5.103 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 3,8%).

Những con số này theo các chuyên gia kinh tế là sẽ tiếp tục tăng lên trong giai đoạn tới, khi mà một lượng lớn doanh nghiệp các ngành dịch vụ, sản xuất đang đối mặt với nhiều khó khăn do những tác động của dịch Covid-19 mang lại.

Vậy nên, để doanh nghiệp không “hụt hơi” về tài chính trong và sau mùa dịch là vấn đề chính sẽ được các khách mời của tọa đàm trực tuyến “Quản trị tài chính trong và sau mùa dịch” giải đáp.

10:40:

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, tổng hợp thông tin về các chính sách, chương trình và hoạt động hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với cộng đồng doanh nghiệp:

Có thể nói, ngành ngân hàng hiểu rất rõ hệ lụy của Covid-19, chúng tôi đi đầu trong việc đưa ra cơ chế chính sách dể hỗ trợ doanh nghiệp ở TPHCM và cả nước. Một cơ chế tiên phong mà chúng tôi cho rằng các ngân hàng đã tiến hành có kết quả bước đầu là việc triển khai Thông tư 01. Cụ thể, tại TPHCM, chúng tôi đã triển khai trên toàn thành phố với 3 điểm nhấn quan trọng đối với các thành phần kinh tế. Thứ nhất, các tổ chức tín dụng tiến hành xem xét cơ cấu lại nợ; thứ hai là miễn giảm lãi đối với các khoản vay; thứ 3, tiến hành cung cấp cho doanh nghiệp các khoản vay mới với lãi suất ưu đãi.

NHNN Chi nhánh TPHCM còn tổ chức các đoàn khảo sát để nắm bắt tình hình các tổ chức tín dụng triển khai Thông tu 01 trên thực tế ra sao.

Tính đến ngày 20-4, sau hơn một tháng triển khai Thông tư 01, chỉ tính riêng trong việc cơ cấu nợ trên địa bàn thành phố, kết quả đạt được khá khả quan với tổng số mức vay nợ là 63.000 tỉ đồng. Đối với việc miễn giảm lãi các khoản vay của doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng cũng đã thực hiện giảm lãi trên tổng dư nợ 12.300 tỉ đồng. Về giảm lãi suất cho vay với khoản dư nợ hiện đang còn ở các tổ chức tín dụng cũng mới 940.000 tỉ đồng. Nghĩa là, khi 3 nhiệm vụ được thực hiện thì đã có 168.000 khách hàng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nói trên. Đây là con số khá ấn tượng trong vòng hơn một tháng thực hiện.

Vừa qua, khi thực hiện giãn cách xã hội theo quy định về phòng chống dịch bệnh, đã có một số khó khăn không nhỏ cho các tổ chức tín dụng trong việc tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá rằng kết quả kể trên là rất đáng khích lệ, rất quan trọng. Tuy nhiên, đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn phản hồi rằng chưa được tiếp cận các gói hỗ trợ.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM. Ảnh: Thành Hoa

10:45

Tại sao lại như vậy, thưa ông Nguyễn Hoàng Minh?

Các tổ chức tín dụng phải xem xét kỹ việc chứng minh thiệt hại của doanh nghiệp do Covid-19, và điều này được căn cứ vào dòng tiền, doanh thu và kết quả kinh doanh. Sự đình trệ do dịch bệnh đã tạo ra thiệt hại thế nào cho doanh nghiệp. Cái khó là doanh nghiệp chưa chứng minh được như vậy đối với các tổ chức tín dụng .

Đầu tháng 5 này chúng tôi tiếp tục triển khai và coi Thông tư 01 là trọng tâm đối với các tổ chức tính dụng. Chúng tôi đưa ra ba giải pháp. Thứ nhất, các tổ chức tín dụng (TCTD) phải đưa ra được tiêu chí của mình về cơ cấu nợ, giảm lãi vay. Thứ hai, các TCTD phải xây dựng được quy trình nội bộ, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ. Việc này quan trọng vì nếu kéo dài thì doanh nghiệp sẽ đi tới phá sản. Nhưng phải đảm bảo đầy đủ yếu tố pháp lý để hiệu quả và nợ xấu của ngân hàng không phát sinh. Thứ ba, phải công khai minh bạch các tiêu chí và bộ quy trình của TCTD.

NHNN sẽ kiểm tra kiểm soát các việc nói trên. TCTD nào không thực hiện đúng quy định Thông tư 01 thì sẽ bị xử lý nghiêm. Vừa rồi, các doanh nghiệp phản ánh có tình trạng ngân hàng chuyển nhóm nợ, gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và điều này là sai so với Thông tư 01.

10:47:

Đối với ngân hàng thương mại cổ phần thì tình hình thực hiện Thông tư 01 của ngân hàng như thế nào?

Ông Hoàng Minh Hoàn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB): Trong bốn tháng đầu năm 2020, dư nợ của SCB tăng trưởng 2,2%, trong khi toàn ngành ngân hàng tăng trưởng 1,31%, thấp nhất trong những năm gần đây. Hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, doanh thu giảm sút nên nhu cầu vốn của doanh nghiệp cũng hạn chế.

Thông tư 01 ban hành hướng dẫn cho TCTD thực hiện cơ cấu nợ để triển khai. Chúng tôi cũng ban hành các chính sách nội bộ để thực hiện theo sự hướng dẫn này. Tính đến cuối tháng 4, dư nợ mà SCB đã cơ cấu lại là 9.000 tỉ đồng. Hồ sơ doanh nghiệp thì chúng tôi vẫn đang xem xét. Đối với SCB, chúng tôi không đặt chỉ tiêu lợi nhuận trong năm 2020 để tập trung vào việc hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ngân hàng đã đưa ra gói 500 tỉ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

 

Ông Hoàng Minh Hoàn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Ảnh: Thành Hoa

Thưa ông Hoàng Minh Hoàn, doanh nghiệp không chứng minh được thiệt hại do Covid-19 trong sản xuất – kinh doanh thì ngân hàng sẽ xử lý hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp thế nào?

Mục tiêu mà các NHTM mong muốn đó là hỗ trợ cho doanh nghiệp, bởi khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì nền kinh tế mới phát triển. Không có chuyện ngân hàng trì hoãn, gây khó dễ cho doanh nghiệp. Hoạt động ngân hàng cũng phải đảm bảo các quy trình an toàn theo quy định của pháp luật. Vì vậy, chúng tôi phải có cơ chế tuân thủ quy định để có thể triển khai các chủ trương, chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp một cách hợp lý để không ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của tổ chức mình.

Vừa qua, cả nước thực hiện giãn cách xã hội nên hoạt động của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cần có một khoảng thời gian để xác định các tiêu chí cụ thể và rõ ràng trong thẩm định và phê duyệt khoản vay. Trong thời gian tới, khi đi vào quy trình ổn định, chúng tôi sẽ đẩy nhanh hơn tiến độ.

10:55

Thưa bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó tổng giám đốc  KPMG Việt Nam, với kinh nghiệm nhiều năm trong hoạt động tư vấn cho doanh nghiệp, bà có thể cho biết những sai lầm nào mà họ hay gặp phải để đến nỗi lâm vào khó khăn như hiện nay, cái gốc của vấn đề về quản trị và quản lý tài chính.

Theo quan điểm của tôi, doanh nghiệp (DN) thường không đánh giá đúng tầm quan trọng của việc lập kế hoạch từ sớm, dự báo các tình huống và tiên định trước các tình huống trù bị thì DN sẽ chủ động tránh được việc đi vào khủng hoảng quá sâu.

Mỗi thành viên trong DN sẽ đóng góp phần công việc cá nhân vào kết quả của công ty. Phải có định hướng rõ ràng để từng người trong tổ chức theo được định hướng để trở thành vector cùng hướng đi đến hiệu quả chung.

Muốn thay đổi được kết quả của báo cáo tài chính (BCTC) thì doanh nghiệp phải thay đổi nguyên nhân, đó là kế hoạch hành động, đối với tình hình khó đoán trong thời điểm dịch bệnh như bây giờ thì số lượng kịch bản phải nhiều hơn bình thường, phải tiên lượng tình huống xấu nhất và chia từng lớp chi phí để cắt, giảm, hoặc đẩy nó về sau. Để biết được có thể bị hao hụt bao nhiêu, cần làm gì để tìm nguồn tài chính hỗ trợ từ sớm hơn. Nếu kế hoạch rõ ràng, thông tin minh bạch, để không gặp khó khăn khi giải trình với ngân hàng.

11:00

Thưa ông Nguyễn Hoàng Minh, xin được quay trở lại một chút về quá trình vay vốn của doanh nghiệp, đơn cử câu chuyện doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng rất lớn từ Covid-19 mà lại không có quá nhiều tài sản đảm bảo thì giải pháp hỗ trợ của ngân hàng sẽ như thế nào?

Chúng tôi ý thức được khó khăn của doanh nghiệp du lịch đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành. NHNN Chi nhánh TPHCM vừa rồi có làm việc với Sở Du lịch TPHCM để nắm bắt lại thông tin về các đề nghị, kiến nghị về tình hình của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các công ty lữ hành. Hỗ trợ về tài chính vốn vay từ ngân hàng là không thể thiếu.

Chúng tôi đặt vấn đề với Sở Du lịch TPHCM và ghi nhận thông tin tổng quan là các doanh nghiệp này không có tài sản, chỉ có thương hiệu. Chúng tôi cố gắng đưa các doanh nghiệp lữ hành, cùng với sự đánh giá của Sở Du lịch, vào chương trình kết nối hỗ trợ doanh nghiệp du lịch. Nhưng các doanh nghiệp du lịch lữ hành này phải tạo điều kiện để ngân hàng nắm thông tin, quản lý được dòng tiền của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thể không công khai minh bạch dòng tiền và nền tài chính của mình, chỉ khi nào làm được như vậy thì ngân hàng mới mạnh dạn cho vay không đảm bảo bằng tài sản.

Thực sự hoạt động cho vay không đảm bảo bằng tài sản chỉ thực hiện được với doanh nghiệp được ngân hàng đánh giá cao về tín dụng nội bộ. Điều này rất khó để áp dụng đối với các doanh nghiệp du lịch vì rất khó xếp các DN có hạng tín dụng nội bộ cao. Điều này thì ngân hàng phải nhờ Sở Du lịch đánh giá uy tín thương hiệu, năng lực tài chính, khả năng thực hiện kế hoạch kinh doanh thì từ đó ngân hàng mới có thể dựa vào đó để hỗ trợ

Ông Hoàng Minh Hoàn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB): Tôi xin bổ sung, ở góc độ của ngân hàng thương mại, chúng tôi muốn hỗ trợ DN và giải ngân tín dụng. Trong trách nhiệm của người điều hành NHTM, chúng tôi phải đảm bảo an toàn vốn của ngân hàng và hiệu quả trong kinh doanh. Đối với khó khăn hiện tại của DN du lịch, với câu chuyện về xếp hạng tín dụng, chúng tôi phải dựa trên nhiều yếu tố để chấm điểm tín dụng cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đại dịch như hiện nay, các DN bị thu hẹp kết quả kinh doanh nên đối với các DN đang có quan hệ tín dụng thì một mặt chúng tôi gia hạn nợ, mặt khác chúng tôi hiểu được đặc điểm kinh doanh thì chúng tôi có thể nới lỏng hạn mức cho vay cho họ.

Đối với DN mới, thì điều kiện đầu tiên là BCTC phải đáng tin cậy, được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập.

Chính vì vậy đó cũng là cái khó chung của ngân hàng và doanh nghiệp. Chúng tôi có chính sách về cho vay tín chấp nhưng doanh nghiệp phải hoạt động hiệu quả và minh bạch thông tin.

Bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó tổng giám đốc  KPMG Việt Nam. Ảnh: Thành Hoa

11:04:

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất khó thực hiện minh bạch báo cáo tài chính, bà có chia sẻ gì với các doanh nghiệp này không?

Bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam: Minh bạch tài chính không có gì khó khăn cả, tuy nhiên có vài doanh nghiệp nhỏ không đề cao các nghiệp vụ kế toán. Trên thực tế, Bộ Tài chính đã đưa ra các hệ thống báo cáo mẫu và rất đầy đủ. Điều quan trọng là doanh nghiệp xem vai trò kế toán là quan trọng và ghi chép thông tin đầy đủ, đúng đắn và đóng thuế đầy đủ thì doanh nghiệp sẽ dễ chứng minh được lịch sử tài chính.

Báo cáo tài chính là tiền đề cho tin tưởng, các tổ chức tín dụng, hay bên cung cấp tín dụng không phải ở trong doanh nghiệp thì họ cần biết sự minh bạch để có niềm tin cho vay tiền. Họ không muốn mất vốn nên họ muốn nắm kỹ dòng tiền, kế hoạch kinh doanh thực tế như thế nào để có kế hoạch giải ngân rõ ràng để không mất vốn.

Ngoài các tổ chức tín dụng thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm sao để có tiếp cận vốn từ quỹ đầu tư?

Bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam: Quỹ đầu tư thì có nhiều dạng  quỹ. Với quỹ đầu tư mạo hiểm thì thường họ không yêu cầu chứng minh tài sản đảm bảo, nếu đơn thuần chỉ ch vay nhưng lãi suất cao. Nếu với mức lãi thấp thì họ sẽ thêm quyền chuyển đổi khoản vay thành cổ phiếu, trái phiếu để chia sẻ rủi ro và lợi nhuận trong tương  lai thì lãi suất nhẹ hơn.  Với dạng này cũng cần minh bạch báo cáo và định hướng kinh doanh để nói chuyện để có niềm tin giải ngân.

11:16

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM: Tôi xin khẳng định ngành ngân hàng không có quyết định không cho doanh nghiệp vay tiếp. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng tín dụng của TPHCM là 2,4%, tỷ lệ này cao hơn gấp đôi cả nước, nhưng dư địa tăng trưởng tín dụng trong năm vẫn còn rất lớn. Cụ thể, mức tăng trưởng tín dụng năm nay là 11,5%, tương ứng 300.000 tỉ đồng, chúng tôi khẳng định không thiếu vốn cho nền kinh tế. Do đó, nhân buổi tọa đàm, xin phép khẳng định một lần nữa, ngành ngân hàng không thiếu vốn, không có chuyện ngừng cho vay. Điểm cần lưu ý là doanh nghiệp có đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng hay không.

Về vấn đề bảo lãnh, thứ nhất về bảo lãnh của Chính phủ, cái này thực sự ra là những dự án trọng điểm liên quan đến an ninh quốc phòng và đầu tư công thì Chính phủ mới bảo lãnh, với hoạt động của doanh nghiệp thì Chính phủ không có bảo lãnh. Nếu doanh nghiệp muốn được bảo lãnh thì TPHCM có quỹ bảo lãnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nên các doanh nghiệp trên địa bàn thuộc diện này sẽ liên hệ sự hỗ trợ của quỹ.

Ông Hoàng Minh Hoàn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB): Về phía ngân hàng thương mại, nguyên tắc của SCB là cho vay ra thì có thể thu hồi lại đồng vốn, nếu doanh nghiệp có bảo lãnh từ cơ quan ban ngành như từ quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì việc cấp tín dụng của ngân hàng sẽ dễ dàng hơn.

Doanh nghiệp nên quản trị rủi ro tài chính trong bối cảnh luôn trong tình trạng khát vốn như thế nào?

Bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam: Thông thường quản trị tài chính là bắt đầu từ kế hoạch kinh doanh vì quản trị tài chính là kết quả của kinh doanh. Tài chính chính là chỉ số để biết tình hình sức khỏe của doanh nghiệp đến đâu. Nhưng thấy kết quả là thấy quá khứ, sẽ không còn kịp sửa chữa những sai lầm nữa. Cho nên doanh nghiệp phải hoạch định sẵn lộ trình kinh doanh và dự liệu trước chỗ nào sẽ gặp bão và bão cấp mấy.

Ví dụ, tại KPMG, từ trước Tết Nguyên đán, khi có dấu hiệu dịch bệnh chúng tôi đã phải tính đến tình huống cho tất cả các phòng ban của công ty, làm sao bảo vệ nhân viên, khách hàng, đáp ứng cam kết với khách hàng, sau đó là các hoạt động khác. Các kế hoạch phải chi tiết, trụ sở bị đóng thì sao, thành phố bị đóng thì sao, cả nước bị đóng thì sao… Nếu làm việc từ xa thì phải triển khai như thế nào, việc chuẩn bị băng tần, chuẩn bị tình huống có nhân viên ốm đau như thế nào. Từng việc nhỏ phải tính tới từng thứ một, tất cả các tình huống.

Quản trị tài chính cũng tương tự như vậy, phải đến từ những bước đầu. Chúng ta nhìn thấy doanh thu sẽ sụt giảm, và tham chiếu với những kế hoạch trước đây và dự liệu tình huống xấu nhất khi doanh thu còn 30-50% thôi thì doanh nghiệp sẽ thiếu hụt gì, cắt được những lớp chi phí nào, và tập trung vào chi phí ngắn hạn, thương lượng nhà cung cấp để giảm và giãn nợ, cũng như ngân hàng vậy.

Đối với khách hàng phải tập trung vào việc thu hồi tiền càng nhanh càng tốt, sẵn sàng giảm giá để lấy tiền sớm, khuyến khích nhân viên thu hồi tiền về sớm. Lúc này không tập trung vào lợi nhuận mà tập trung vào thanh khoản và dòng tiền.

Phải đưa các kịch bản kinh doanh để kết nối với kế hoạch tài chính, mình đi từng hàng một, từng con số chi tiết. Với tình hình hiện nay có thể phải tính tới từng ngày. Và chẳng bao giờ là quá trễ để làm việc này vì tình hình dịch còn lâu dài vì Việt Nam là một phần của thế giới, mà kinh tế thế giới vẫn chưa thể quay lại bình thường.

Khi nhìn về tương lai có thể thực tế hiện tại đã thay đổi thì doanh nghiệp phải luôn luôn cập nhật tình hình, có thể nói, tại thời điểm này, các giám đốc tài chính (CFO) là những người rất vất vả.

11:20:

Tại sao trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 2008, doanh nghiệp đươc vay gói kích cầu của Chính phủ nhưng trong giai đoạn khủng hoảng do dịch Covid-19 lần này thì không?

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM: Việc này tùy vào cơ chế của từng giai đoạn lịch sử, chính sách có thể phù hợp thời điểm này nhưng lại không phù hợp tại thời điểm khác. Thời điểm đó (2008) ngân sách bỏ ra và lãi suất trả về cho ngân hàng. Nhưng đợt này có sự khác nhau về hoạt động điều tiết ngân sách, ở góc nhìn kinh tế vĩ mô thì chúng tôi đánh giá là hỗ trợ lãi suất hay kích cầu là không phù hợp. Nhưng các ngân hàng thương mại đã chủ động đưa ra chính sách giảm lãi tiền vay đối với khách hàng.

Ở góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay việc cơ cấu lại nợ quan trọng hơn là hỗ trợ lãi suất. Điều này đảm bảo được tính an toàn của tiền vay hơn so với thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 trước đây.

Ông Hoàng Minh Hoàn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB): Tôi cũng đồng quan điểm với anh Minh, thời điểm trước đây (2008) chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ chưa đồng bộ, nhưng hiện nay chưa cần tới mùa dịch Covid-19 đã có 5 đối tượng được ưu tiên hỗ trợ rồi. Tình hình đại dịch tác động lên toàn bộ nền kinh tế, Chính phủ đã có chính sách về tiền tệ và tài khóa cân đối phù hợp hơn. Nguồn vốn từ đầu vào đầu ra đều đảm bảo sự an toàn.

11:27

Có bạn đọc đặt câu hỏi rằng, với những doanh nghiệp không đủ điều kiện để được vay vốn thì dù có Covid-19 hay không cũng không được vay, vậy vai trò của Covid-19 hay tình huống dịch bệnh lần này là như thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM: Thống đốc NHNN đã khẳng định là không hạ chuẩn tín dụng khi cho vay mới ở NHTM vì nếu hạ chuẩn tín dụng thì có thể phát sinh thêm nợ xấu và ảnh hưởng đến kinh tế vi mô. Cái này rất nguy hiểm. Các DN đề nghị nên có một bộ tiêu chuẩn mới trong tình hình hiện nay. Suy cho cùng cũng là một hình thức hạ chuẩn. Chúng tôi đang xem xét để trình Thống đốc. Tuy nhiên, các DN đủ điều kiện vay vốn mà chưa được cho vay thì có thể liên hệ trực tiếp với NHNN, với tôi, xin thông báo luôn ở đây tôi chỉ dùng một số điện thoại là 0913877167 và đường dây nóng của NHNN chi nhánh TPHCM là 02838211230.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới