Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tường thuật trực tuyến Vietnam Banking Forum 2020: ‘Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Kết quả và khuyến nghị chính sách’

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tường thuật trực tuyến Vietnam Banking Forum 2020: ‘Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Kết quả và khuyến nghị chính sách’

Nhóm PV

(TBKTSG Online) – Hàng loạt vấn đề về tái cơ cấu, xử lý nợ xấu trong 5 năm qua của ngành ngân hàng, các giải pháp cần thực hiện sau Covid-19, sẽ được đề cập một cách cụ thể qua nội dung các bài trình bày của dàn diễn giả uy tín và các phiên thảo luận chuyên sâu tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2020 (Vietnam Banking Forum 2020”).

Tường thuật trực tuyến Vietnam Banking Forum 2020: 'Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Kết quả và khuyến nghị chính sách'
Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại Vietnam Banking Forum 2020 ngày 30-9-2020. Ảnh: H. Thắng

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online sẽ tường thuật trực tuyến Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2020: “Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Kết quả và khuyến nghị chính sách”, bắt đầu từ lúc 8 giờ 30 sáng ngày 30 tháng 9 năm 2020 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ICC, số 35 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội.

Vietnam Banking Forum là sự kiện thường niên do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp cùng nhóm báo Thời báo Kinh tế Sài Gòn (TBKTSG) tổ chức. Năm nay chủ đề chính của diễn đàn là “Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Kết quả và khuyến nghị chính sách”.

Diễn đàn dự kiến sẽ có sự tham dự và trình bày của các nhà lãnh đạo cấp cao Ngân hàng Nhà nước, của các vụ, cục thuộc đơn vị này.

Ngoài ra, diễn đàn cũng có các phần trình bày, thảo luận của chuyên gia kinh tế: Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV; Ông Trương Thanh Đức, Luật sư, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Basico; Ông Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn kinh tế vĩ mô, Trường đại học Kinh tế Quốc dân; Ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng; Ông Đỗ Giang Nam, Phó giám đốc Công ty Quản lý tài sản (VAMC); Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank; Ông Nguyễn Thế Huân, thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank); Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)… và nhiều lãnh đạo các cục, vụ của NHNN và các ngân hàng khác.

Tại diễn đàn, các đại biểu Quốc hội chuyên gia, luật sư… sẽ điểm lại 5 năm tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, đánh giá những yếu tố trong và ngoài nước tác động đến quá trình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu; những kiến nghị, đề xuất, góp ý chính sách cho hoạt động này trong thời gian tới.

Diễn đàn có sự đồng hành của các ngân hàng thương mại: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, SCB, Nam A Bank, ABBANK, MB, Eximbank…

Toàn cảnh sự kiện Vietnam Banking Forum 2020 ngày 30-9-2020. Ảnh: H. Thắng

8 giờ 30:

Phát biểu khai mạc Vietnam Banking Forum 2020, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết trong thời gian qua, tình hình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD) luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội cùng sự quan tâm của đông đảo cử tri, quần chúng nhân dân cả nước. Ngày 21-6-2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42. Đây là Nghị quyết có giá trị pháp lý rất quan trọng khi mà lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo các khoản nợ của TCTD đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một Nghị quyết của Quốc hội, tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất nhằm đảm bảo quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu.

Theo ông Nguyễn Kim Anh, song song với quá trình xây dựng Nghị quyết của Quốc hội xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1058 và Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Quyết định số 1058 tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và những bài học kinh nghiệm thực tế triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu, tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách, trong s9o1 đặc biệt chú trọng đổi mới mô hình quản trị, điều hành; nâng cao năng lực tài chính, chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng đa dạng và hiện đại hóa các sản phẩm dịch vụ…

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, các giải pháp đồng bộ tại Nghị quyết số 42 và Quyết định số 1058 đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Ảnh: Kỳ Anh

Xác định việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành ngân hàng trong suốt giai đoạn 2016-2020, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan rà soát để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc , bất cập, xung đột pháp lý giữa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành ngân hàng với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khác, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn có liên quan, cụ thể hóa các giải pháp nêu tại Nghị quyết 42 của Quốc hội và Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả.

Sau một thời gian triển khai trên thực tế, ông Nguyễn Kim Anh cho biết, các giải pháp đồng bộ tại Nghị quyết số 42 và Quyết định số 1058 đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Quốc hội và Chính phủ, tạo niềm tin với hệ thống các TCTD nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Đến nay, về cơ bản, thứ nhất, các TCTD đã không ngừng nỗ lực triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xừ lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 để phấn đấu đạt được các mục tiêu đề ra; thứ hai, sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững, các TCTD đảm bảo các tỷ lệ, giới hạn an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật; thứ ba, chất lượng tín dụng của các TCTD được cải thiện, tỷ lệ nội bảng được kiểm soát dưới mức 2%; thứ tư, quy mô tài chính, năng lực quản trị, tính minh bạch trong hoạt động của các TCTD được nâng cao, mở rộng, phù hợp với thông lệ quốc tế; thứ năm, tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, cổ đông/nhóm cổ độnglớn, thao túng, chi phối ngân hàng về cơ bản được kiểm soát, xử lý; thứ sáu, công tác thanh tra, giám sát được tăng cường, nâng cao kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tiền tệ và lĩnh vực ngân hàng, góp phần ổn định, đảm bảo an ninh tài chính – tiền tệ.

Đây là năm thứ ba Ngân hàng Nhà nước và nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức sự kiện Vietnam Banking Forum. Ảnh: Kỳ Anh

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, mặc dù công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đặt được kết quả khích lệ, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của TCTD. Đó là, việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ nhằm đáp ứng yêu cầu tủ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II của một số TCTD, nhất là các ngân hàng thương mại Nhà nước còn khó khăn, tiến độ xử lý cơ cấu lại đối với một số TCTD phi nhân hàng có chủ sở hữu/cổ đông lớn là các tập đoàn/ tổng công ty nhà nước còn chậm, phụ thuộc vào nội dung phương án cơ cấu lại tổng thể của tập đoàn/tổng công ty nhà nước.

Ngoài ra, việc xử lý, thu hồi nợ và TSBĐ của một số TCTD còn khó khăn trong trường hợp tài sản bảo đảm (TSBĐ) cho các khoản nợ bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh. Một số TCTD vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết số 42, thực hiện quyền áp dụng thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ về thuế khi xử lý TSBĐ và nộp án phí theo bản án, quyết định của tòa án các cấp…

Bên cạnh đó, sự bùng phát của dịch Covid-19 trong các tháng đầu năm đã ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến an toàn hoạt động ngân hàng cũng như kết quả cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu toàn ngành ngân hàng trong giai đoạn 2016-2020.

Thời gian tới, để đảm bảo công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 và công tác cơ cấu lại theo Quyết định 1058 được triển khai có hiệu quả trên thực tế, đồng thời các TCTD tiếp tục pháp huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo và đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan đề xuất chính phủ các giải pháp để giải quyết dứt điểm những khó khăn vướng mắc về cơ chế cũng như trong thực tế áp dụng Nghị quyết 42; xem xét, nghiên cứu việc luật hóa xử lý nợ xấu nhằm quy định cụ thể về việc xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng, nâng cao vai trò, năng lực của VAMC và tạo động lực cho các TCTD xử lý nợ xấu đạt hiệu quả; xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025 tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực tài chính và quản trị điều hành của các TCTD, hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý hiệu quả nợ xấu của nền kinh tế.

Để triển khai thành công các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu, đạt được các mục tiêu đề ra, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động của các TCTD cũng như hoạt động tiền tệ, ngân hàng, ngoài sự hỗ trợ của NHNN và các TCTD, VAMC, cần có sự phối hợp tích cực của ác bộ, ngành chính quyền địa phương, sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm tăng cường hơn nữa vai trò và sự đóng góp của ngành ngân hàng đối với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Kỳ Anh

Tiếp nối bài phát biểu của Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước, đã báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” theo Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội.

Theo ông Trần Đăng Phi, qua quá trình tổng kết, đánh giá kết quả xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31-5-2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận thấy cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho TCTD, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) xử lý nợ xấu. Chính vì vậy, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42 ngày 21-6-2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã khắc phục các tồn tại, hạn chế, tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất và đồng bộ; tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý hiệu quả, dứt điểm nợ xấu.

Cùng với đó, xuất phát từ thực tiễn, đồng thời tiếp nối và kế thừa Quyết định số 254/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015”, NHNN đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19-7-2017 về việc phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”.

Có thể tóm tắt mục tiêu của Quyết định số 1058 như sau: Thứ nhất, cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém; bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Thứ hai, lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các TCTD;  xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo. TCTD triển khai Basel II… Thứ ba, phấn đấu đến năm 2020 tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động phi tín dụng; hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) trên thị trường chứng khoán; các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đạt mức vốn điều lệ tối thiểu một (01) tỉ đồng.

Mục tiêu, đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%.

Về kết quả đạt được, theo ông Trần Đăng Phi: Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng và xử lý nợ xấu được hoàn thiện phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam. Thứ hai, sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững; Quy mô, năng lực tài chính, năng lực quản trị, điều hành được nâng cao, mở rộng, phù hợp với thông lệ quốc tế; tính minh bạch trong hoạt động tín dụng của TCTD từng bước được cải thiện. Thứ ba, chất lượng tín dụng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu giảm dần qua các năm. Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Thứ tư, việc triển khai Basel II tiếp tục được các TCTD tập trung thực hiện để đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn;

Thứ năm, tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý một bước quan trọng, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng về cơ bản được kiểm soát; Thứ sáu, về cơ bản, hoạt động của hệ thống QTDND tương đối ổn định; Các QTDND phát huy được ưu thế trong công tác huy động vốn, cho vay trên địa bàn hoạt động, hỗ trợ cho các thành viên trên địa bàn phát triển sản xuất – kinh doanh, dịch vụ, góp phần không nhỏ vào việc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế địa phương; Thứ bảy, công tác thanh tra, giám sát được tăng cường và xử lý kiên quyết các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD.

Về kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, có thể nói Nghị quyết số 42 đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) các khoản nợ xấu của TCTD. Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị quyết số 42 còn cho thấy có một số khó khăn, vướng mắc trên thực tế cần sự phối hợp của các bộ, ban, ngành có liên quan xử lý (đặc biệt là việc thực hiện quyền thu giữ TSBĐ, thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ, áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp tại Tòa án, đây là điểm mấu chốt để quá trình triển khai Nghị quyết số 42 có hiệu quả hơn) để các chính sách, giải pháp của Nghị quyết 42 được áp dụng có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Những khó khăn, vướng mặc trong quá trình thực hiện, có thể kể đến trước hết là khó khăn trong nâng cao năng lực tài chính đáp ứng Basel II. Kế tiếp, tiến độ xử lý cơ cấu lại đối với một số TCTD phi ngân hàng có chủ sở hữu/cổ đông lớn là Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước còn chậm. Việc xử lý TSBĐ còn khó khăn trong trường hợp TSBĐ cho các khoản nợ bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, có khó khăn trong thực hiện quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu theo Nghị quyết 42; thực hiện thứ tự ưu tiên khi thanh toán nghĩa vụ về thuế, án phí…

Về định hướng và giải pháp, NHNN tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố để ban hành chỉ đạo, hướng dẫn hỗ trợ TCTD và giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc về cơ chế và thực tế áp dụng chính sách xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42.

Kế tiếp, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của TCTD… Tiếp tục giám sát chặt chẽ và chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo TCTD tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng; tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh, đặc biệt trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Và cuối cùng, nghiên cứu xây dựng trình Chính phủ Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý hiệu quả nợ xấu, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về cơ cấu lại hệ thống các TCTD.

Ông Đỗ Giang Nam, Phó giám đốc VAMC, trình bày những điểm quan trọng về hoạt động mua bán – xử lý nợ xấu. Ảnh: Kỳ Anh

Ông Đỗ Giang Nam, Phó giám đốc VAMC, đã tóm tắt những điểm quan trọng về hoạt động mua bán – xử lý nợ xấu sau khi có Nghị quyết số 42. Theo đó, những khó khăn về xử lý nợ xấu trước khi Nghị quyết số 42 ra đời: Chưa nhận được sự quan tâm và phối hợp của các bộ ngành liên quan; Chưa tạo động lực để phát triển thị trường mua bán nợ nhằm khuyến khích, huy động nguồn lực xã hộI tham gia xử lý nợ xấu; Cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động xử lý nợ xấu còn thiếu và bất cập.

Riêng đối với VAMC, những khó khăn về xử lý nợ xấu trước khi Nghị quyết số 42 ra đời: Thiếu nguồn lực (vốn, nhân lực…); Cơ chế liên quan đến hoạt động mua và xử lý nợ của VAMC; Thiếu sự phối hợp giữa VAMC và các TCTD, đặc biệt là chính quyền địa phương; Pháp luật về tố tụng dân sự chưa cho phép áp dụng thủ tục rút gọn; Kết quả xử lý nợ xấu còn hạn chế.

Tác động của Nghị quyết số 42 đối với hoạt động xử lý nợ: Khẳng định quyền chủ nợ của VAMC/TCTD; Nâng cao ý thức trả nợ của khách hàng; Tạo động lực khuyến khích TCTD bán nợ; Giúp tạo lập và phát triển thị trường mua bán nợ.
Kết quả mua nợ tại VAMC: Lũy kế mua nợ bằng trái phiếu đạc biệt (TPĐB) tháng 8-2020 đạt 329.007 tỉ đồng. Trong đó: Mua nợ bằng TPĐB sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đạt 67.612 tỉ đồng; Mua nợ theo giá trị thị trường (GTTT) từ 2017 đến 2020 đạt 8.341 tỉ đồng.

Kết quả xử lý nợ tại VAMC sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực: Từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến 31-8-2020, thu hồi nợ ước đạt 94.370 tỉ đồng, gấp 1,5 lần tổng thu hồi nợ giai đoạn trước đó, từ 2013 đến 14-8-2017. Thu giữ thành công một số TSBĐ có giá trị lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ.

Kết quả thu hồi nợ phân theo các biện pháp: Sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (từ 15-8-2017 đến tháng 8-2020): Kết quả thu hồi từ biện pháp bán nợ tăng gấp hơn 4 lần so với giai đoạn trước đó, từ 2013 đến ngày 14-8-2017; Kết quả thu hồi nợ từ biện pháp xử lý TSBĐ tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn trước đó, từ 2013 đến ngày 14-8-2017; Ý thức trả nợ của khách hàng tăng cao rõ rệt, việc thu hồi nợ thông qua các biện pháp khác như tố tụng cũng tác động tích cực đến kết quả thu hồi xử lý nợ.

Kết quả hoạt động đấu giá sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực: Giai đoạn 2017 đến 31-8-2020: thực hiện đấu giá thành công nhiều khoản nợ và TSBĐ với tổng số tiền trúng đấu giá 1.371 tỉ đồng.

Kết quả hoạt động khác sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực: Thứ nhất, VAMC được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỉ đồng nhằm tăng cường nguồn lực phục vụ hoạt động mua nợ theo GTTT, nâng cao năng lực tài chính, uy tín trên thị trường mua bán nợ. Thứ hai, VAMC cơ cấu và sắp xếp lại các đơn vị nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó phát triển hoạt động đấu giá, nâng cao năng lực quản trị rủi ro.

Thứ ba, VAMC triển khai mạnh mẽ các giải pháp phát triển thị trường mua bán nợ: Xây dựng Đề án thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC nhằm quản lý, khai thác thông tin về khoản nợ/tài sản bảo đảm; Xúc tiến thành lập Câu lạc bộ AMC nhằm tạo lập diễn đàn trao đổi, chia sẻ thông tin, kết nối nhà đầu tư; Tham gia thành viên IPAF, ký thỏa thuận hợp tác với các đối tác như KAMCO, SAM để chia sẻ kinh nghiệm xử lý nợ và kết nối các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường mua bán nợ tại Việt nam.

Về khó khăn vướng mắc của Nghị quyết số 42, theo ông Đỗ Giang Nam, trước hết, thực tế quy định khác nhau giữa Nghị quyết số 42 và văn bản pháp luật khác về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm thì việc thực hiện gặp nhiều khó khăn. Kế tiếp, Nghị quyết số 42 chỉ mang tính chất thời điểm, có hiệu lực 5 năm. Do đó, cần có VBPL thay thế khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực. Chưa kể, quy định về việc ưu tiên thanh toán nghĩa vụ nợ
trước nghĩa vụ thuế của bên bảo đảm vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn.

Một khó khăn khác là hành lang pháp lý cho phát triển thị trường mua bán nợ còn nhiều bất cập, chưa khuyến khích nhà đầu tư tham gia thị trường. Chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ làm cơ sở cho các tổ chức thẩm định giá thực hiện. Sự phối hợp của các đơn vị liên quan trong việc xử lý nợ xấu đôi khi còn chưa đồng bộ và thống nhất.

Về định hướng và giải pháp, để tạo lập, phát triển thị trường mua bán nợ, cần: Hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển thị trường mua bán nợ; Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ tạo cơ sở pháp lý để thực hiện; Có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư (kể cả nhà đầu tư nước ngoài) tham gia thị trường mua bán nợ (tăng quyền của chủ nợ); Thành lập Hiệp hội các AMC nhằm kết nối, chia sẻ thông tin; Minh bạch thông tin về hàng hóa (nợ xấu và tài sản bảo đảm).

Để luật hóa Nghị quyết 42 và hoàn thiện hành lang pháp lý, cần: Sớm luật hóa Nghị quyết 42 trước khi nghị quyết hết hiệu lực để tạo hành lang pháp lý đồng bộ và thống nhất trên cơ sở kế thừa những quy định tại nghị quyết này có tác động tích cực đến quá trình xử lý nợ; Đồng thời xem xét sửa đổi một số Luật chuyên ngành liên quan: Luật Đất đai, Bộ Luật dân sự… để đồng bộ với các quy định tại Nghị quyết 42.

Để nâng cao năng lực cho VAMC, cần: Tăng cường nguồn lực tài chính; Nâng cao năng lực quản trị
rủi ro; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ông Nguyễn Thế Huân, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), trình bày tại Vietnam Bankinh Forum 2020. Ảnh: Kỳ Anh

Ông Nguyễn Thế Huân, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), trình bày về tình hình triển khai, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và đề xuất, kiến nghị giải pháp, biện pháp xử lý.

Ông Huân cho biết, trong thời gian qua, bám sát định hướng và chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, VietinBank đã thực hiện triển khai tái cơ cấu hoạt động và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Đến thời điểm hiện tại, VietinBank đã kiện toàn nhân sự thực hiện phương án tái cơ cấu tại VietinBa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới