Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tỷ giá đã tăng hết mức cam kết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tỷ giá đã tăng hết mức cam kết

Thu Nguyệt

Tỷ giá đã tăng hết mức cam kết
Phần lớn nguyên liệu ngành thép được nhập khẩu và thanh toán bằng ngoại tệ. Tỷ giá tiền đống/đô la Mỹ tăng sẽ kéo theo giá thành tăng, kéo giảm năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Ảnh: MINH KHUÊ

(TBKTSG) – Trong năm tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hai lần tăng tỷ giá đồng/đô la Mỹ bình quân liên ngân hàng, với mức tăng tổng cộng 2%, tức đã sử dụng hết mức cam kết cho cả năm nay. Trước động thái này, doanh nghiệp có những phản ứng khác nhau tùy đặc thù của từng ngành nghề kinh doanh.

Tin hay không tin vào cam kết của NHNN?

Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt (công ty sở hữu phần lớn cổ phần của Công ty cổ phần Thép Pomina), cho biết hiện hầu hết nguyên liệu (thép phế liệu – PV) được nhập khẩu và thanh toán bằng ngoại tệ. Tỷ giá đồng/đô la Mỹ tăng thì giá thành chắc chắn cũng tăng, kéo giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu cũng như ở thị trường nội địa. Ông Thái giải thích thêm, giá đầu vào tăng nhưng vì phải cạnh tranh với nhiều nước, việc tăng giá tương ứng cho hàng xuất khẩu không phải dễ dàng.

Bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK), cho biết phần lớn doanh thu của STK là đô la Mỹ, nguồn thu bằng đô la Mỹ của công ty đáp ứng đủ nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu và trả nợ. Do đó, việc điều chỉnh tỷ giá chỉ làm tăng lỗ tỷ giá chưa thực hiện (vào cuối kỳ kế toán, STK phải đánh giá lại số dư các khoản vay đô la Mỹ).

Khi được hỏi liệu có lo ngại tiền đồng sẽ tiếp tục bị phá giá vượt mức cam kết trong nửa cuối năm nay, ông Đỗ Duy Thái cho rằng tỷ giá đồng/đô la Mỹ sẽ không tiếp tục tăng, vì Chính phủ có thể cân đối cung – cầu đô la Mỹ và tỷ giá sẽ theo như định hướng của Nhà nước. Ngoài ra, Mỹ có thể sẽ không để đồng tiền của họ lên giá mãi, vì như thế nền kinh tế Mỹ cũng sẽ chịu thiệt hại. Nếu tỷ giá đồng/đô la Mỹ tăng thêm nữa, doanh nghiệp chắc chắn sẽ tăng giá đầu ra và sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, ông Thái nói thêm.

Đại diện STK thì cho biết công ty này lo ngại về sự mất giá tiếp theo của tiền đồng có thể làm cho “lỗ tỷ giá chưa thực hiện” tăng lên và làm giảm lợi nhuận trong kỳ. Tuy nhiên, “lỗ tỷ giá chưa thực hiện” là lỗ ảo nên cũng không đáng lo ngại nhiều. Để hạn chế ảnh hưởng của “lỗ tỷ giá chưa thực hiện” khi tỷ giá điều chỉnh quá nhiều, STK cho biết có thể xem xét trả bớt nợ vay bằng đô la Mỹ và đẩy mạnh xuất khẩu để tăng nguồn cung đô la Mỹ nhằm tăng “lãi tỷ giá thực hiện”. “Lãi tỷ giá thực hiện” có thể bù đắp được “lỗ tỷ giá chưa thực hiện”.

Ngoài ra, điều đáng chú ý là khi làm kế hoạch ngân sách cho năm 2015, STK đã tính vào chi phí tài chính khả năng tiền đồng mất giá 3% so với đô la Mỹ cho cả năm nay. Do đó, diễn biến bất ngờ về tỷ giá không ảnh hưởng nhiều tới công ty.

Ông Trần Thọ Huy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thang máy Thiên Nam, cho biết ông không quan tâm mấy đến việc tăng tỷ giá, vì phần lớn linh kiện doanh nghiệp sử dụng trong sản xuất được mua ở trong nước, nhập khẩu chỉ chiếm phần không đáng kể, theo đó, giá thành không bị tác động quá lớn. Và nếu tiền đồng được phá giá thêm nữa, ông Huy thấy rằng việc này có khi lại đem đến lợi ích cho doanh nghiệp, vì khi ấy thang máy nhập khẩu sẽ có giá đắt hơn, đem lại lợi thế cạnh tranh cho hàng trong nước.

Theo giám đốc phụ trách mảng kinh doanh ngoại hối tại một ngân hàng ở TPHCM, trên thực tế, nhìn chung, do đô la Mỹ tăng giá trên thị trường thế giới, nên tại thị trường Việt Nam, khi giao dịch, cả doanh nghiệp và ngân hàng đều kỳ vọng đô la Mỹ giao dịch ở mức giá cao, do đó tiền đồng gần như liên tiếp giảm giá so với đô la Mỹ.

Giới chuyên môn dự báo gì?

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng ít có khả năng NHNN tiếp tục điều chỉnh tăng tỷ giá thêm nữa.

Liệu đây có phải là lần điều chỉnh tăng tỷ giá cuối cùng trong năm? Đây là câu hỏi mà Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đặt ra trong một báo cáo của mình sau khi NHNN tăng tỷ giá 1% vào ngày 7-5. Theo công ty chứng khoán này, việc điều chỉnh tỷ giá lần này đến sớm hơn so với những gì mà nhiều người trông đợi trước đó.

Theo SSI, về ngắn hạn, việc phá giá tiền đồng 1% này đã được tính đến trong kế hoạch 2015 của nhiều công ty, cũng như trong kế hoạch trả nợ của Chính phủ và có thể giúp làm giảm áp lực hiện tại trên thị trường ngoại hối. Về lâu dài, điều này cho thấy biên độ để điều chỉnh tỷ giá cho năm 2015 đã được sử dụng hết, tức là hiện tiền đồng đã mất giá 2%, do đó sau này nếu đô la Mỹ được giao dịch với giá kịch trần, tức 21.890 đồng/đô la Mỹ (+1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng), thì xem như tiền đồng đã mất giá 3%.

Theo đó, công ty chứng khoán này cho rằng, NHNN sẽ còn ít công cụ để chống chọi với tình trạng đồng đô la Mỹ mạnh lên trong nửa cuối năm nay khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể xem xét tăng lãi suất. Thâm hụt mậu dịch nên được Chính phủ giám sát chặt chẽ. Nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước có thể tăng dần lên khi nhu cầu thị trường trong nước tăng lên. Trong quí 1-2015, trong số những mặt hàng đứng đầu về kim ngạch nhập khẩu, ô tô có kim ngạch nhập khẩu tăng 180% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do các nhà nhập khẩu trong nước.

“Sẽ khá lý thú khi theo dõi kỳ họp Quốc hội tiếp theo vào cuối tháng 5-2015, khi kế hoạch kinh tế – xã hội 2015 được thảo luận. Có thể mọi người sẽ chú ý xem Chính phủ có muốn điều chỉnh lại kế hoạch 2015 trước đó hay không, bao gồm cả kế hoạch phá giá tiền đồng 2%. Trong trường hợp mục tiêu tỷ giá đồng/đô la Mỹ không có gì thay đổi, chúng tôi cho rằng chính sách tiền tệ sắp tới có thể sẽ tập trung vào việc điều hành lãi suất. Đặc biệt, khoảng cách giữa lãi suất tiền gửi và lạm phát gần đây đã mở rộng”, báo cáo cho biết.

Về góc độ doanh nghiệp, việc điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1% trong tuần rồi là tin tốt cho các nhà xuất khẩu khi trong thời gian qua họ rơi vào thế bất lợi khi đồng tiền các nước khác liên tiếp mất giá so với đô la Mỹ, theo SSI.

Tuy việc điều chỉnh tỷ giá được thực hiện sớm hơn một chút so với dự báo của Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhưng công ty này cho rằng từ nay đến cuối năm sẽ không còn điều chỉnh tỷ giá nữa, do xuất khẩu dự kiến sẽ tăng và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn ổn định, giúp cán cân thanh toán cả năm thặng dư. Kể từ sau mức điều chỉnh kỷ lục 10% năm 2011, tỷ giá đồng/đô la Mỹ được điều chỉnh 2% trong năm 2012, 1% trong năm 2013 và 1% trong năm 2014.

Theo khối nghiên cứu kinh tế của ngân hàng HSBC, sau động thái tăng tỷ giá 1% trong ngày 7-5 của NHNN, tiền đồng sẽ không suy yếu mạnh từ nay và tỷ giá đến cuối năm nay sẽ ở mức 21.750 đồng/đô la Mỹ (khoảng 0,35% trên mức trung điểm mới). Do đó, ngân hàng này cho rằng sẽ không có thêm sự thay đổi chính sách nào nữa từ NHNN trong năm nay.

Trong khi đó, Ngân hàng ANZ dự báo khác. Ngân hàng này cho rằng tỷ giá đồng/đô la Mỹ có thể tiến đến mức 22.050 đồng/đô la Mỹ vào cuối năm nay, theo đó tiền đồng mất giá tổng cộng 3,1% cho cả năm nay (từ đầu năm đến nay tiền đồng đã giảm giá 1,5%), trong khi trong năm ngoái là 1,4%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới