Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tỷ giá: đầu cơ và phía sau

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tỷ giá: đầu cơ và phía sau

(TBKTSG) – Trong ba ngày đầu tuần, giá đô la Mỹ giao dịch thực giữa các doanh nghiệp – ngân hàng và trên thị trường tự do tăng mạnh, vượt ngưỡng 17.000 đồng/đô la. Yếu tố đầu cơ xuất hiện. Nhưng đầu cơ chỉ hoạt động mạnh khi dựa trên nền thông tin về chỉ số CPI và thâm hụt thương mại đang tăng cao.

Trái phiếu đảo chiều

Việc nâng lãi suất tiền gửi lên mức 13,5-15%/năm kể từ ngày 19-5-2008 đã tạo ra sự phân hóa trong huy động vốn giữa các ngân hàng. Cùng một mức lãi suất tiết kiệm, nhưng tiền đã chảy vào ngân hàng lớn nhanh và nhiều hơn. Có ngân hàng chỉ trong vòng một tuần sau khi áp dụng cơ chế lãi suất mới, vốn huy động tăng thêm 4.000 tỉ đồng, trong đó tiền gửi qua đêm hơn 800 tỉ đồng.

Đầu vào tăng, nhưng đầu ra gặp trắc trở vì cho vay với lãi suất 18%/năm, tính ra ngân hàng vẫn lỗ. Thay vì để vốn ứ đọng, một số ngân hàng đã đổ tiền mua trái phiếu chính phủ, vốn đang được bán rẻ trên thị trường bởi các tổ chức nước ngoài.

Ngoài giá rẻ, đầu tư trái phiếu không bị tính vào tăng trưởng tín dụng. Có ngày giá trái phiếu giao dịch qua sàn TPHCM đã tụt xuống 80.000 đồng so với mệnh giá 100.000 đồng. Ngày 26-5-2008 lần đầu tiên sau nhiều tuần chịu đựng thanh khoản yếu, 220 tỉ đồng trái phiếu chính phủ đã được giao dịch thỏa thuận. Giá trái phiếu đã được đẩy lên 90.000, có lúc 93.000 đồng tùy loại.

Thu hồi được bao nhiêu tiền đồng từ trái phiếu, ngay lập tức các nhà đầu tư nước ngoài tìm mua ngoại tệ. Một số quỹ đã chấp nhận trả giá tới 17.000 đồng/đô la Mỹ. Cán cân ngoại tệ đang chịu sức ép nhập siêu năm tháng đầu năm, nay nghiêng hẳn về cầu.

NHNN: Tỷ giá tăng do tâm lý và đầu cơ

Tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam đã tăng mạnh trong ngày 26 và 27-5-2008. Chiều 27-5, trên thị trường Hà Nội, tỷ giá xoay quanh mức 17.500 đồng/đô la.

Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN Việt Nam Nguyễn Quang Huy cho rằng tỷ giá tăng là do tâm lý. NHNN khẳng định, trước hết, tỷ giá hối đoái tiếp tục được điều hành theo hướng duy trì ổn định, dao động tỷ giá trong năm 2008 ở mức ±2% đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. NHNN vẫn tiếp tục can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại tệ để đảm bảo duy trì tỷ giá ở mức ổn định hợp lý, theo sát cung – cầu thực tế trên thị trường, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế.

HỒNG PHÚC

Thêm vào đó các nhà xuất khẩu bắt đầu găm giữ ngoại tệ trên tài khoản chờ giá cao mới bán cho ngân hàng. Những công ty xuất hàng hàng tuần và ngoại tệ về hàng tuần đánh tiếng bán đô la cho ngân hàng, nhưng với giá cao. Tuy chưa có thống kê chính thức, nhưng giới ngân hàng phỏng đoán số ngoại tệ các doanh nghiệp găm giữ trên tài khoản là đáng kể.

Giải bài toán tỷ giá

Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có dấu hiệu ngưng chảy vào trái phiếu. Rõ nhất là từ giữa tháng 3-2008 đến nay, chín đợt đấu thầu và bảo lãnh đấu thầu trái phiếu chính phủ đều không thành công. Đã không mua thêm, nhà đầu tư nước ngoài còn tăng bán trái phiếu, chấp nhận cả bán lỗ. Đối với cổ phiếu, từ hai tuần nay họ cũng giảm mua vào.

Các tiệm vàng lợi dụng việc công bố chỉ số giá cả tháng 5-2008 tăng 3,91% so với tháng 4, đã đẩy giá mua bán ngoại tệ và vàng. Điều này tác động đến tâm lý người tiêu dùng và không ít người đã đổ xô đi mua đô la. Biểu hiện của đầu cơ có lẽ càng rõ khi chênh lệch giá mua vào bán ra đô la Mỹ lên tới 300-400 đồng/đô la (bình thường chỉ 30-50 đồng/đô la). Nhiều tiệm vàng chỉ bán ra ngoại tệ mà không mua vào số lượng lớn.

Sự đầu cơ này được củng cố bằng bảng niêm yết tỷ giá tiền đồng và các ngoại tệ mạnh khác của một số ngân hàng. Giá mua đô la mặt của ngân hàng vẫn là 16.200-16.221 đồng, nhưng mua euro lên tới 26.850 đồng. Vào thời điểm đó tỷ giá quốc tế là 1,58 đô la Mỹ/euro, thì giá tiền đồng/đô la Mỹ qua giá euro là 17.000 đồng, ngang bằng giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam trên thị trường tự do.

Giải bài toán đô la bây giờ không phải chỉ phụ thuộc vào việc bán ra ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mà chủ yếu vào chính sách và cơ chế tỷ giá, lãi suất. Để điều hòa tiền đồng không bị đọng ở một số ngân hàng, để doanh nghiệp, nhất là các công ty xuất khẩu, có thể vay được tiền đồng với lãi suất hợp lý nhằm thu mua nguyên liệu, nông sản và tránh găm giữ ngoại tệ, cần một lãi suất cơ bản linh hoạt hơn.

Mức 12%/năm của lãi suất cơ bản dường như không còn phù hợp với điều kiện hiện tại. Mặt khác, đã đến lúc phải thay đổi việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức 30%, cho phép các ngân hàng được điều tiết tổng dư nợ theo một tỷ lệ trên tổng vốn huy động. Về tỷ giá, biên độ ±1% tỷ giá đang trở thành chiếc áo chật. Sự nới lỏng biên độ tỷ giá lên 1,5-2% đang được giới tài chính chờ đợi.

HẢI LÝ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới