Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tỷ giá hay lãi suất?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tỷ giá hay lãi suất?

Hải Lý

Ảnh: Minh Khuê.

(TBKTSG) – Tổng phương tiện thanh toán tính đến ngày 10-6-2011 tăng 2,33% so với cuối năm ngoái tuy có thấp, nhưng không có dấu hiệu bất bình thường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu nhận định trong cuộc gặp mặt báo chí phía Nam tuần trước. Ông cho rằng đến hết tháng 5 tổng phương tiện thanh toán tăng 1,7%, sang mười ngày đầu tháng 6 đã tăng thêm 0,6%, tốc độ tăng càng về cuối năm sẽ càng nhanh.

Có thể thấy sau một thời gian kìm nén, NHNN đã bắt đầu tính toán đưa tiền ra khi tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 7,05%, thấp hơn tương đối so với cùng kỳ.

Áp lực giảm lãi suất đang tăng lên từ phía doanh nghiệp. Áp lực ấy càng có tính thúc giục hơn khi lạm phát tháng 6 được dự kiến tăng khoảng 1% so với tháng trước đó. Liệu lãi suất sẽ giảm với tốc độ nào khi chỉ số CPI dịu nhiệt? Trả lời câu hỏi này của TBKTSG, Thống đốc NHNN nói: “Lãi suất phải tính tới xu hướng ổn định của thị trường và độ trễ của chính sách. Chúng tôi sẽ kiên định theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô”.

Trên thực tế, sự kiên định đó đã có phần nới lỏng với việc khởi động kênh tái cấp vốn mới đây. Kênh thị trường mở đã hoạt động mạnh nhằm trung hòa lượng tiền bơm ra qua tái cấp vốn, qua mua ngoại tệ, qua hoán đổi ngoại tệ, cộng thêm thị trường trái phiếu biến chuyển tích cực. Nhưng rõ ràng sự cân đối dòng tiền vào, ra vẫn đang nghiêng về cung với tín hiệu giảm lãi suất đang được thể hiện.

Điều gì níu kéo phần còn lại sự kiên định của cơ quan quản lý ngành ngân hàng? Các quân bài của bàn cờ tiền tệ đang được bày ra: nếu đưa tiền ra nhiều hơn để lãi suất giảm nhanh hơn, nó sẽ tác động thế nào đến thị trường ngoại hối? Tám tuần kể từ cuối tháng 4-2011 để cho dân cư dịch chuyển tiết kiệm từ ngoại tệ sang tiền đồng là chưa đủ dài. Từ đầu năm đến nay tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đã giảm về tỷ lệ phần trăm, nhưng liệu đã giảm về con số tuyệt đối? Đến cuối năm 2010 tín dụng ngoại tệ tăng 48,8%, còn đến 10-6-2011 tăng 22,2%, mức độ như thế là giảm. Song cần phải thấy là tín dụng ngoại tệ năm ngoái tăng từ cái nền thấp, còn nửa đầu năm nay mức tăng của nó bắt đầu từ một mặt bằng đã cao hơn nhiều.

Thử xem những nguồn cung – cầu nào đang ảnh hưởng đến tỷ giá? Thống đốc tính toán cán cân ngoại tệ năm nay chắc chắn thặng dư, tối thiểu cũng trên một tỉ đô la Mỹ. Ông cho biết kiều hối đến bây giờ đã tăng 10% so với cùng kỳ. Những năm gần đây kiều hối luôn ổn định ở mức trên 4,5 tỉ đô la Mỹ và nếu tính cả tiền của người lao động gửi về cho gia đình (hiện Việt Nam có khoảng 500.000 lao động ở nước ngoài theo ước lượng của ông) chừng 2 tỉ đô la Mỹ/năm, thì tổng kiều hối không thể thấp hơn 6,5 tỉ đô la Mỹ. Hơn nữa kiều hối chủ yếu được đổ vào bất động sản, tức ngoại tệ ở lại trong nước, nó không chảy ngược ra.

Một yếu tố thuận lợi khác là xuất khẩu vàng. Tháng 5-2011 ước xuất vàng được 200 triệu đô la Mỹ, từ đầu tháng 6 đến nay khoảng 300 triệu đô la Mỹ. Một khi giá vàng trong nước luôn thấp hơn giá quốc tế như hiện tại, nhập vàng lậu và cả chính thức sẽ không có đất sống. Có lẽ đây là điểm đáng ghi nhận của điều hành chính sách liên quan đến vàng. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm tháng đầu năm chỉ tăng nhẹ 0,4% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn vay ODA đạt 1,26 tỉ đô la Mỹ. Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đã giải ngân chừng 350 triệu đô la Mỹ, chủ yếu nhờ các đợt nước ngoài mua cổ phần phát hành thêm của Masan, Vinamilk, Hoàng Anh Gia Lai (trái phiếu quốc tế).

Tất cả số vốn đó có bù đắp đủ nhập siêu? Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo nhập siêu nửa đầu năm 7,5 tỉ đô la Mỹ. Con số này là bao nhiêu vào cuối năm? Phần chìm của nhập siêu vẫn chưa định hình và bên cạnh đó còn một ẩn số khác: chúng ta đang sử dụng một phần cung ngoại tệ của tương lai.

Các nhà xuất khẩu là những người vay ngoại tệ nhiều nhất. Họ được vay vì có nguồn thu ngoại tệ trong tương lai để trả nợ ngân hàng. Họ vay càng nhiều tức là lượng ngoại tệ có được trong tương lai đã và đang được sử dụng ở thời hiện tại càng lớn. Số ngoại tệ đó lẽ ra được dùng để bù đắp cho số nhập siêu trong tương lai, nay được xài rồi, vậy nguồn nào sẽ lấp chỗ cho nhập siêu tương lai? Tỷ giá đang ổn chủ yếu một phần nhờ vào lượng ngoại tệ tương lai đang được sử dụng cho hiện tại, phần khác nhờ vào tín dụng ngoại tệ nước ngoài. Dư nợ ngoại tệ của các ngân hàng nước ngoài đến hết tháng 4-2011 lên tới 6,6 tỉ đô la Mỹ. Liệu có thể bóc tách bao nhiêu phần trăm trong số này được cung ứng từ nguồn bên ngoài chuyển vào Việt Nam cho vay nhằm hưởng chênh lệch lãi suất nội tệ – ngoại tệ và sự lên giá của tiền đồng? Trong trường hợp một mai số ngoại tệ bóc tách đó được tất toán chuyển ra, nó có ảnh hưởng đến tỷ giá?

Và trên hết, chừng nào lãi suất tiền đồng còn cao, người dân còn giữ tiền đồng thay cho vàng, ngoại tệ. Tuy nhiên lãi suất tiền đồng không thể cứ mãi chót vót vì không nền kinh tế nào chịu được lãi suất 18-20%/năm. Đáp án tỷ giá phải thỏa mãn được tất cả những yếu tố trên, quả thực không dễ.

Từ nay lãi suất hay tỷ giá sẽ được ưu tiên trong điều hành tiền tệ?

Tỷ giá đang ổn chủ yếu một phần nhờ vào lượng ngoại tệ tương lai đang được sử dụng cho hiện tại, phần khác nhờ vào tín dụng ngoại tệ nước ngoài. Dư nợ ngoại tệ của các ngân hàng nước ngoài đến hết tháng 4-2011 lên tới 6,6 tỉ đô la Mỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới