Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tỷ giá tăng: doanh nghiệp xuất khẩu cũng hết vui!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tỷ giá tăng: doanh nghiệp xuất khẩu cũng hết vui!

Thủy Triều

Giá đô la Mỹ tăng so với tiền đồng không làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu hưởng được những lợi ích như kỳ vọng – Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ tăng, cứ tưởng là xuất khẩu sẽ được hưởng lợi. Ngờ đâu, chính điều đó lại khiến các doanh nghiệp xuất khẩu như đang ngồi trên đống lửa. Giá đô la Mỹ trên thị trường tự do sáng ngày 3-11 đã lên đến 20.740 đồng (mua vào) và 20.880 đồng (bán ra).

Chi phí tăng!

Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (Sadaco), cho biết đô la lên giá cao so với tiền đồng kéo giá đầu vào của sản phẩm từ nguyên vật liệu, phí vận tải, đến lương nhân công… đều tăng theo.

Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đều phải nhập phần lớn nguyên vật liệu đầu vào. Công ty của ông Mạnh xuất khẩu rất nhiều mặt hàng, trong đó tùy mặt hàng mà giá trị nguyên vật liệu nhập khẩu chiếm từ 30-50% giá thành sản phẩm. Phần lợi nhuận mà doanh nghiệp xuất khẩu thu được từ tỷ giá tăng có khi không bù đắp được sự tăng giá chi phí đầu vào, ông Mạnh nói. Vì vậy, theo ông Mạnh, Ngân hàng Nhà nước khi đưa ra các chính sách tiền tệ để khuyến khích xuất khẩu cần tính đến bài toán này.

Không chỉ có vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu mang ngoại tệ về bán cho ngân hàng nhưng đến khi cần ngoại tệ để nhập khẩu nguyên vật liệu, nếu không may rơi vào thời điểm khan hiếm ngoại tệ, thì lại không mua được từ ngân hàng với giá bằng giá mình đã bán.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho biết trong tháng 9 công ty bà đã xuất khẩu vàng thu về 300 triệu đô la Mỹ, bán cho ngân hàng. Nhưng đến nay công ty muốn mua đô la Mỹ để nhập khẩu nguyên liệu về cho mùa cuối năm thì không thể kiếm ra đô la với giá ngân hàng niêm yết. “Ngân hàng nói rằng PNJ là khách quen nhưng dù cố gắng cũng không tìm được nguồn đô la với giá niêm yết tại ngân hàng. Còn nếu mua với giá cao hơn thì không biết hạch toán khoản chênh lệch này vào đâu”, bà Cúc than thở.

“Nói đâu xa, sáng nay tôi vừa mới mua ở ngân hàng X, giá niêm yết 19.500 đồng/đô la Mỹ nhưng thực chất phải trả cho họ 20.100 đồng/đô la Mỹ. Chênh lệch tới 600 đồng/đô la!”, ông Lê Đăng Minh, Giám đốc điều hành Công ty Thời trang Gimeno, bức xúc. Ông cũng cho biết nguyên liệu nhập khẩu của công ty ông chiếm tới 70% giá thành và với tình hình tỷ giá tăng như hiện nay thì giá thành của các sản phẩm chắc chắn cũng phải tăng theo. Doanh nghiệp đã thiệt hại, tuy nhiên theo ông, chịu thiệt thòi nhất lúc này chính là người lao động vì thu nhập của họ không thể theo kịp mức tăng giá của hàng hóa, lạm phát.

Nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp thấy tỷ giá tăng nên khi ngoại tệ về thường găm giữ trên tài khoản chứ không bán ngay cho ngân hàng. Tuy nhiên, ông Mạnh cho biết khả năng doanh nghiệp đầu cơ rất thấp, chỉ những người có dư vốn, chứ như công ty ông khi có tiền về là phải bán ngay cho ngân hàng để lấy vốn tiếp tục quay vòng kinh doanh.

Khi được hỏi vì sao không sử dụng những công cụ bảo hiểm tỷ giá như hợp đồng tương lai (futures) để có thể đảm bảo mua được ngoại tệ với giá không quá cao trong tương lai, bà Cúc cho biết: “Ngân hàng không chịu bán hợp đồng futures từ tháng 9, họ nói họ không biết phải bán giá nào vì không dự đoán được tỷ giá trong tương lai”.

Mong sự ổn định

Ngay cả ngân hàng cũng không thể tính toán được xu hướng giá đô la trong tương lai để thiết kế các sản phẩm bán cho doanh nghiệp, thì doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, lại càng khó khăn trong việc dự đoán xu hướng chính sách tiền tệ để lên kế hoạch sản xuất kinh doanh cho mình.

“Nếu tỷ giá được đảm bảo ổn định trong vòng một năm thì chúng tôi sẽ tính toán được chi phí sản xuất, lợi nhuận đạt được trong năm đó. Còn nếu nó bất ổn như hiện nay thì không thể tính toán được gì”, ông Mạnh cho biết.

Còn ông Minh nói thẳng: “Thà là giá đô la ngân hàng tăng lên 20.000 đồng mà ổn định thì chúng tôi còn dễ tính toán làm ăn hơn”. Ông cũng cho biết đã đặt mua một lô nguyên liệu trị giá 60.000 đô la Mỹ tại Ý nhưng vẫn chưa dám nhập về vì nếu nhập thì lỗ vì ngay lập tức công ty phải bù thêm 36 triệu đồng do tỷ giá tăng.

Bà Cúc cho biết doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp xuất khẩu, chỉ mong có sự ổn định về mặt chính sách, nhất là tỷ giá, để có thể làm ăn. Theo bà, không chỉ riêng PNJ mà nhiều doanh nghiệp khác cũng đang chùn tay khi ký các hợp đồng nhập khẩu nguyên vật liệu chuẩn bị cho mùa sản xuất cuối năm và tháng 1 năm sau, vốn được xem là thời điểm làm ăn rất sôi động. “Chúng tôi làm cầm chừng và nghe ngóng”, bà nói.

Mọi năm, vào thời điểm này các công ty thường ký hợp đồng nhập khẩu nguyên vật liệu cho cả quí 4 và tháng 1 năm sau, nhưng năm nay không doanh nghiệp nào dám ký vì không biết tỷ giá sẽ biến động ra sao, giá sản phẩm cao quá thì liệu có tiêu thụ được không. Vì vậy các doanh nghiệp cũng như PNJ hiện đối phó với tình hình bằng cách nhập nguyên liệu cho từng tháng sau đó xem động thái của thị trường thế nào để tính tiếp.

Theo ông Mạnh, trong khi các doanh nghiệp lao đao do tỷ giá bất ổn thì các ngân hàng thương mại vẫn là người được hưởng lợi nhiều nhất. Họ mua ngoại tệ của doanh nghiệp với giá quy định và bán lại với giá cao hơn. Họ cũng có thể găm giữ ngoại tệ để chờ giá tăng lên, dẫn đến tình trạng khan hiếm ngoại tệ. “Chính vì vậy, chính sách do Ngân hàng Nhà nước đưa ra cần phải tính đến sự cân bằng lợi ích giữa các doanh nghiệp nói chung”, ông Mạnh đề nghị.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới