Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ tăng cao

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ tăng cao

Tư Hoàng

Tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ tăng cao
Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân thua lỗ lên đến 48%. Ảnh TL

(TBKTSG Online) – Dù số lượng doanh nghiệp đăng ký tăng kỷ lục nhưng về tổng thể, khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ tăng cao liên tục từ năm 2012, và hiện nay lên đến hơn 48%.

PCI 2017: Phần lớn doanh nghiệp sẽ mở rộng quy mô kinh doanh

Số doanh nghiệp thua lỗ cao

Đây là một trong những lời cảnh báo của ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2017: Tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp do GS.TS Trần Thọ Đạt và PGS.TS. Tô Trung Thành của trường Đại học Kinh tế Quốc dân đồng chủ biên.

Báo cáo này được công bố tại Hội thảo khoa học Quốc gia về Kinh tế Việt Nam năm 2017 và Triển vọng năm 2018 ngày 22-3, do trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tổ chức.

TS Tô Trung Thành cho biết, tỷ lệ hơn 48% doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân thua lỗ là cao hơn hẳn so với tỷ lệ hơn 16% doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thua lỗ, phản ánh những khó khăn rất lớn của khu vực kinh tế tư nhân.

Ông nhận định thêm, nếu doanh nghiệp FDI thua lỗ có thể một phần từ hoạt động “chuyển giá”.

“Doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng vẫn đang đối diện với những rào cản phát triển, nhất là trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế phí hải quan với Nhà nước”, ông Thành khẳng định.

Tiếp cận tín dụng vẫn là một trong những trở ngại lớn nhất. Ngoài thủ tục vay phức tạp thì rào cản về tài sản thế chấp; lãi suất cao và chi phí “lót tay”, quà tặng vẫn là những thách thức lớn đối với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chi phí sử dụng lao động có xu hướng tăng nhẹ. Tỷ trọng chi phí bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp và kinh phí công đoàn tăng đáng kể. Đánh giá tác động của hàng loạt chính sách mới được áp dụng từ năm 2018, chi phí lao động của doanh nghiệp năm nay có thể tăng lên 6,8%; làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp 11,4%.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng logistics chưa hiệu quả về mặt chất lượng và kết nối, làm cho thời gian và chi phí vận chuyển tăng cao, trở thành một điểm nghẽn đối với quá trình tạo thuận lợi thương mại thay vì trở thành một trong những trụ cột để phát triển như kỳ vọng.

TS Thành gợi ý, việc giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp cần được coi là một ưu tiên chính sách.

Theo đó, việc tháo gỡ các rào cản làm giảm khả năng tiếp cận hoặc tăng chi phí tiếp cận các yếu tố sản xuất và chi phí thực hiện nghĩa vụ Nhà nước là rất cần thiết, nhằm tiết giảm chi phí của doanh nghiệp.

Chỉ số vĩ mô khả quan

Theo GS.TS. Trần Thọ Đạt, kinh tế Việt Nam năm 2017 đã đạt được những kết quả khả quan. Tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, cao hơn kế hoạch 6,7%, và là mức tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Động lực tăng trưởng chủ yếu về phía sản xuất là vai trò của khu vực FDI với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và sự tăng trưởng của ngành dịch vụ; về phía cầu là từ nhu cầu chi tiêu nội địa ổn định và chi đầu tư từ khu vực tư nhân gia tăng. Môi trường kinh doanh được cải thiện đã tạo điều kiện tốt hơn cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh dẫn đến thặng dư cán cân thương mại hàng hóa ở mức 2,7 tỉ đô la Mỹ. Vốn FDI giải ngân đạt mức kỷ lục 17,5 tỉ đô la. Lạm phát năm 2017 được kiểm soát ở mức thấp và tỷ giá ổn định.

Với những thuận lợi từ thế giới, và động lực từ phía khu vực FDI và sự vươn lên của khu vực tư nhân; từ ngành dịch vụ và công nghiệp chế biến chế tạo; từ nhu cầu nội địa gia tăng, các tác giả dự báo kinh tế Việt Nam năm 2018 có thể tăng trưởng ở mức 6,6-6,8% với mức lạm phát duy trì ở dưới 4%.

Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Ngô Văn Tuấn cho biết, trong chuyến công du chính thức tới New Zealand và Úc vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã vui mừng thông báo tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt trên 7% trong quí 1-2018, cao hơn nhiều mức 5,1% cùng kỳ và là mức cao nhất nhiều năm trở lại đây, với lĩnh vực du lịch trong 3 tháng đầu năm nay ước tăng 1,6 lần so với cùng kỳ; thương mại tăng gần 40%, xuất siêu của Việt Nam đạt gần 2 tỉ đô la, cao hơn so với cùng kỳ năm 2017.

Song theo ông Tuấn, nhìn toàn cảnh bức tranh phát triển kinh tế của Việt Nam, còn nhiều điểm yếu kém cần tập trung giải quyết như: tăng trưởng chưa nhanh và bền vững, năng suất lao động chưa cải thiện theo chiều sâu, kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn, thách thức về già hoá dân số, nguy cơ "chưa giàu đã già" và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Bên cạnh đó, các vấn đề về môi trường, tình trạng biến đổi khí hậu và phát triển đảm bảo an ninh năng lượng, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh cũng cần có giải pháp quyết liệt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới