Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tỷ trọng nhập nguyên phụ liệu dệt may và da giày từ Trung Quốc tiếp tục tăng cao

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trung Quốc cung cấp đến 53% nguyên phụ liệu dệt may và da giày cho Việt Nam trong nửa đầu năm nay. Nhập khẩu từ Trung Quốc tiếp tục tăng cao, lên đến 2 con số, so với mức tăng trưởng chung nhập khẩu nhóm mặt hàng này của Việt Nam là 8,7%.

Phụ thuộc sâu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc

Nhiều nguyên phụ liệu dệt may nhập từ Trung Quốc. Ảnh minh họa: L. Hoàng

Theo thông tin cập nhật về thị trường xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan, tháng 6, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày) đạt 2,4 tỉ đô la Mỹ, giảm 16,1% (tương ứng giảm 461 triệu đô la) so với tháng trước đó.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm nay, nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày đạt 14,71 tỉ đô la, tăng 8,7% (tương ứng tăng 1,17 tỉ đô la) so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo cơ quan hải quan, trong nửa đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng này của Việt Nam từ Trung Quốc là 7,76 tỉ đô la. Như vậy, Trung Quốc tiếp tục là nước xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày lớn nhất vào Việt Nam khi chiếm tỷ trọng lên đến 53%.

Đáng chú ý, trong khi giá trị nhập khẩu nhóm hàng hóa nguyên phụ liệu này chỉ tăng 8,7% thì nhập khẩu từ Trung Quốc có mức tăng đến 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy doanh nghiệp dệt may và da giày ở Việt Nam không chỉ tiếp tục phụ thuộc nhiều mà còn tiếp tục tăng cao nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước láng giềng này.

Ngoài Trung Quốc, theo cơ quan hải quan, những quốc gia và lãnh thổ khác cung cấp nguyên vật liệu này nhiều cho thị trường Việt Nam gồm Đài Loan với 1,4 tỉ đô la (tăng 6%); Hàn Quốc với 1,3 tỉ đô la (tăng 1,9%); Mỹ với 961 triệu đô la (tăng 0,4%)…

Như vậy, dù Bộ Công Thương và các bộ ngành khác nhiều năm qua luôn kêu gọi và khuyến khích các nhà sản xuất dệt may và da giày tăng tỷ lệ nội địa hóa, nhưng tình hình cho thấy sản xuất trong nước về ngành hàng này vẫn phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp ở nước ngoài.

Sớm gỡ “nút thắt”

Các chuyên gia kinh tế lo ngại những bất ổn và lạm phát tăng cao tiếp tục phủ bóng đen lên bức tranh kinh tế toàn cầu thời gian tới.

Nhìn lại hai năm đại dịch Covid-19 cũng cho thấy những bất cập về chuỗi cung ứng đã bộc lộ rõ nét. Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày của Việt Nam gần như không đủ nguyên phụ liệu để sản xuất. Dù tình hình hiện có cải thiện hơn, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia đây vẫn là “nút thắt” không chỉ cho năm nay mà trong dài hạn của cả hai ngành.

Vì vậy, theo Bộ Công Thương, việc hoàn thiện các chính sách nhằm tạo động lực lớn hơn thu hút đầu tư vào nguyên phụ liệu, lẫn cải thiện năng lực quản trị của ngành dệt may và da giày đang là những vấn đề cấp thiết.

Ngành sản xuất dệt may và da giày vẫn phụ thuộc nhiều về nguyên phụ liệu nhập khẩu, nhiều nhất là từ Trung Quốc. Ảnh minh họa: TL

Thời gian qua doanh nghiệp dệt may, da giày đã nỗ lực tìm những cách ứng phó với khó khăn phát sinh, nhất là thiếu nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giải pháp này chỉ là tạm thời. Để giải quyết tận gốc vấn đề là cần đồng bộ từ chính sách đến định hướng và thực hiện.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng ngành dệt may Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức trước mắt khi nguy cơ tái bùng phát bởi các biến chủng Covid mới vẫn đang hiện hữu. Nhiều đối tác thương mại của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch và ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam.

Bên cạnh đó, xung đột Nga – Ukraina khiến giá nguyên, nhiên phụ liệu tăng cao liên tục từ đầu năm đến nay, cụ thể giá bông tăng 19,1%, giá dầu thô tăng 40%, giá xăng trong nước tăng 67%, chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với bình quân 5 năm trở lại đây…  làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng khoảng 20–25%.

Trên thực tế, theo các chuyên gia trong ngành, việc xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh không đơn giản và không thể thực hiện trong một thời gian ngắn. Dù vậy, muốn cạnh tranh và phát triển bền vững hơn đòi hỏi ngành dệt may và da giày cần tích cực hoàn thiện các khâu sản xuất đầu chuỗi. Đơn cử như dệt may từng bước phát triển các mắt xích nguyên liệu (sợi, vải) để đáp ứng nhu cầu cho khâu may, đảm bảo khép kín chuỗi cung ứng.

Bộ Công Thương cho biết cơ quan này đang phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ những nút thắt, đồng thời xây dựng các giải pháp dài hạn. Trong đó, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm dần phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, phát triển ngành thời trang trong nước.

Bộ Công Thương cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may và da giày đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Đồng thời, cơ quan này tập trung hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết kế sản xuất; xanh hóa ngành công nghiệp dệt may, da giày cũng như phát triển dệt, nhuộm trong nước, bảo đảm nhu cầu vải cho ngành.

Năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt may và giày dép là 26,37 tỉ đô la Mỹ, tăng 22,4%, tương ứng tăng 4,83 tỉ đô la so với năm 2020.Các quốc gia và lãnh thổ nhập khẩu chủ yếu trong năm 2021 cũng là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ và ASEAN.Riêng 5 thị trường chủ lực nêu trên đạt 21,44 tỉ đô la, chiếm 81% tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da, giày của cả nước trong năm 2021.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới