Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

U50 đồng vợ đồng chồng vượt thăng trầm trên cung đường hơn 3.000km xuyên Việt

An Phú

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đã gần một tháng trôi qua kể từ ngày chạm đích, anh Hồ Minh Hòa (49 tuổi) và chị Đinh Thùy Dung (47 tuổi) không khỏi xúc động nhớ lại giây phút hai vợ chồng cùng đồng hành đi xuyên Việt qua 26 tỉnh thành. Hành trình kéo dài 28 ngày trải dài từ cực Bắc tổ quốc về lại TPHCM của cặp đôi đã truyền cảm hứng đến cộng đồng, đặc biệt những người yêu thích đạp xe, du lịch khám phá.

“Dung – Hòa” trên những hành trình khám phá và chinh phục

Biết đến môn đạp xe từ đầu năm 2021, chỉ sau hai năm tập luyện chăm chỉ, anh Hòa và chị Dung là hai trong nhiều cái tên có phong trào đạp xe sôi nổi và đạt thành tích khác nhau ở tuổi trung niên. Được biết, cả hai người từng chơi qua nhiều bộ môn thể thao như yoga, bơi lội. Đây cũng chính là nền tảng giúp anh chị chinh phục được môn đạp xe với cự ly tập luyện lên đến cả trăm cây số mỗi ngày. Với hai người, việc di chuyển hằng ngày, du lịch quanh thành phố, đến các điểm lân cận bằng xe đạp là chuyện “như cơm bữa”.

Hiện tại vợ chồng chị Dung, anh Hòa đang kinh doanh tự do. Anh chị giao hàng cho khách bằng xe đạp mỗi ngày. Ảnh: An Phú

Anh Hòa kể, trước đây trong nhà chỉ có vài chiếc xe đạp đi chợ bình thường, từ khi dịch bệnh xuất hiện, nhiều quy định tránh tập trung nơi đông người, hai vợ chồng tìm cách đổi gió môn chơi cho phù hợp với hoàn cảnh. Từ đó, anh Hòa và chị Dung có cơ duyên biết đến Cào Cào Adventures và tham gia những tour đạp đầu tiên.

Tình yêu với xe đạp lớn dần qua thời gian khi môn chơi này giúp anh chị cảm nhận được sự kết nối tới thiên nhiên và gắn kết cộng đồng từ các đồng đạp. Đôi vợ chồng ấp ủ thực hiện chuyến đi xuyên Việt sau khi có thời gian dài tập luyện bền bỉ và kinh qua các cung đường địa hình, dài ngắn khác nhau. Mãi đến cuối tháng 9 vừa qua, hai người chính thức đáp chuyến bay đến Hà Nội, cùng đồng hành với nhóm đạp khám phá cung đường Tây Bắc, sau đó chia tay mọi người, mở ra hành trình riêng của mình về lại TPHCM tại Sapa.

Hai người đang leo đèo Ô Quy Hồ từ Lai Châu sang Lào Cai dưới thời tiết xấu. Ảnh: NVCC

Nhớ lại khoảnh khắc tạm biệt nhóm, tách riêng để thực hiện giấc mơ xuyên Việt, anh Hòa xúc động kể: “Chúng tôi nhận từng chai nước, món đồ dùng, thực phẩm còn lại của mọi người và những câu chúc cho hành trình thật sự rất cảm xúc. Sau khi chia tay với đoàn tại Sapa, tôi cùng vợ lăn những vòng xe đầu tiên, bắt đầu chặng đường đơn độc nhưng tận hưởng với mọi hoàn cảnh, đi trong tâm thế trước mắt có gì cứ vượt qua sẽ tới”, anh nói.

Tiết lộ hành trang mang theo trong suốt 28 ngày, chị Dung cho biết cả hai phải chuẩn bị gần 50kg hành lý gồm vật dụng cá nhân, lều võng, dụng cụ nấu ăn ứng phó với chuyện “ăn bờ ngủ bụi”, một ít thuốc men và thực phẩm gọn nhẹ nhất có thể. Tuy vậy, điều quan trọng nhất để chị trở thành bạn đồng hành cùng anh Hòa vẫn là sự chuẩn bị tốt về thể lực và tinh thần của người vợ, người mẹ hai con.

Hai người tận hưởng chuyến đi và không quên ghi lại những khoảnh khắc đẹp cùng nhau. Ảnh: NVCC

Chị kể để chứng minh với bạn đạp nghiêm khắc cùng nhà, chị đã tập luyện trước hơn cả trăm cây số mỗi ngày và có ngày phải leo 20 vòng liền núi Châu Thới ước tính leo khoảng 2.500 mét trước sự giám sát của anh. Việc tập dượt trước địa hình tuy không thấm vào đâu với cung đường thực ở Tây Bắc – Đông Bắc, tuy nhiên đó là nền tảng để chị Dung tự tin song hành cùng chồng gần 28 ngày, không gặp sự cố gì về sức khỏe trên đường. “Anh đi thì tôi bám sát theo sau. Chúng tôi đổ dốc, hì hục tự leo đèo với tổng độ cao ước tính trên đồng hồ là 33.345 mét”, chị Dung vui vẻ nói.

Đỉnh đèo Mã Pí Lèng. Ảnh: NVCC

Sau khi hành trình của cặp đôi được mọi người biết đến trên đường đi và mạng xã hội, nhiều người nghĩ điều này là không tưởng vì địa hình ở các tỉnh miền núi nguy hiểm, họ đi liên tục, hoàn toàn không có sự hỗ trợ nào. “Tuy nhiên chúng tôi vẫn vượt qua cùng nhau mà không một lời kêu ca, than vãn. Tôi nghĩ, điều quan trọng không thua kém ý chí đó chính là sự dung hòa, đúng như cái tên của hai vợ chồng, biết cân bằng và hiểu thế nào là đủ, tiếp sức cho nhau nếu ai đó mệt và đồng tâm cùng nhau đi qua cả mấy ngàn cây số”, chị Dung bộc bạch.

Vượt thử thách gian nan, đón nhận tình người ấm áp

Chia sẻ về chuyến đi, hai người nói đùa đi xuyên Việt nhưng thực chất là xuyên cả nắng, mưa, bão lũ ở miền Trung. 28 ngày gom đủ thời tiết khắc nghiệt. Từ những cơn mưa không ngớt, mây mù trắng xóa, trên đường một bên là vực, bên là vách núi ở Hà Giang, Cao Bằng… đến cái nắng gắt thất thường ở vùng cao và cả cơn lũ bão vừa qua ở cố đô Huế, chị Dung anh Hòa cứ đều đặn bắt đầu ngày mới từ tờ mờ giờ sáng và chỉ kết thúc khi cảm thấy vừa đủ trong ngày.

Anh Hòa chèo ghe đưa xe đạp ra đường lớn để tiếp tục hành trình trong đợt lũ ở Huế vừa qua. Ảnh: NVCC

Dọc hành trình qua 26 tỉnh thành, hai vợ chồng không ít lần nhận được tấm chân tình từ người dân địa phương. Anh kể những con người hiếu khách không ngại mời hai vợ chồng khi thì bữa cơm, chai nước, ấm trà, món quê nhà và thậm chí là chỗ ngủ qua đêm miễn phí lúc biết hai người đang thực hiện hành trình du lịch bằng xe đạp. Với nhu cầu ăn ở đơn giản, chị Dung và anh Hòa chấp nhận mọi điều kiện sống và tận hưởng từng kỷ niệm đẹp tại mỗi điểm đến khác nhau.

Đạp qua 15 tầng đèo, đi bộ len vào vách đá để chứng kiến trọn vẻ đẹp đèo Khau Cốc Trà ở Cao Bằng. Ảnh: NVCC

“Nhiều người khi thấy chúng tôi lỉnh kỉnh đồ đạc trên xe đạp, họ không ngại mời vào nhà cho chỗ cắm trại, điện sạc, nước dùng tắm giặt miễn phí. Vài người tỏ ra khâm phục mời luôn cơm, trả tiền cũng không lấy, đi giữa đường hết nước uống, tôi chỉ ra ngoài đứng xin là có ngay. Họ chỉ là người lạ thôi nhưng vô cùng thân thiện, đi rồi càng quý con người Việt Nam”, anh tiếp lời.

Suốt 3.335km xuyên Việt, anh Hòa ưu tiên tham quan các địa điểm chỉ có xe đạp mới len lỏi hoặc cung đường chỉ vừa cho một người đi. Anh nhớ để được ngắm trọn đèo Khau Cốc Trà 15 tầng từ trên cao ở Cao Bằng, hai người phải len theo vách đá, đi bộ khoảng 45 phút dưới mưa và sương mù dày dặc. Tuy vậy, khung cảnh khi đến nơi khiến hai người mãn nhãn, mây cũng tan nhanh, ánh nắng chiếu xuống mà chị Dung nói đó “như khoảnh khắc thiên thời địa lợi”.

Màn chào đón ân tình của những người bạn đạp khác khi anh chị về lại TPHCM, kết thúc hành trình xuyên Việt. Ảnh: NVCC

Bên cạnh những trải nghiệm thực tế, anh Hòa cũng đau đáu khi chứng kiến cảnh nghèo khó của bà con vùng cao, càng đi càng biết những bản làng xa xôi trẻ con thiếu ăn thiếu mặc. Với hai người, hành trình xuyên Việt không chỉ là cách mình chiến thắng bản thân, mà còn là cơ hội để họ thêm trân trọng những điều tốt đẹp mình đang có và sống tình cảm hơn.

Chính bộ môn thể thao “không tuổi tác” này đã mở ra nhiều ý tưởng chia sẻ đến cộng đồng của anh Hòa và chị Dung. Cụ thể, anh Hòa sẽ quay lại đây để làm từ thiện theo cách riêng. Được biết, lâu nay, anh cũng từng đứng ra tổ chức nhiều hoạt động kết nối đồng đạp, còn chị Dung đang trong hành trình đạp xe làm từ thiện và du lịch ở năm quốc gia Đông Nam Á với nhóm riêng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới