Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Úc có thể phạt tù các lãnh đạo công ty mạng xã hội vì nội dung bạo lực

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Úc có thể phạt tù các lãnh đạo công ty mạng xã hội vì nội dung bạo lực

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Úc vừa cảnh báo lãnh đạo các công ty mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube có thể bị xử tù theo một đạo luật mới đang được soạn thảo nếu họ không nhanh chóng gỡ bỏ các nội dung bạo lực và cực đoan từ các nền tảng của họ.

Thông điệp của Úc được đưa ra sau khi tên hung thủ trong vụ xả súng đẫm máu, khiến 50 thiệt mạng ở hai đền thờ Hồi giáo tại New Zealand, phát sóng trực tiếp cảnh tàn sát trên mạng xã hội Facebook trong liên tục 17 phút vào hôm 15-3.

Sự bất lực của mạng xã hội

Xử lý nội dung “xấu, độc” trên Internet: Việt Nam có thể tham khảo được gì từ Đức?

Úc có thể phạt tù các lãnh đạo công ty mạng xã hội vì nội dung bạo lực
Người dân đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân của vụ xả súng ở gần đền thờ Hồi giáo Al Noor ở Christchurch, New Zealand. Ảnh: AP

Hãng tin AFP đưa tin hôm 26-3, tại TP. Brisbane (Úc), Thủ tướng Úc Scott Morrison và một số bộ trưởng chính phủ đã có cuộc họp với đại diện của các công ty công nghệ bao gồm Facebook, Twitter, Google (công ty mẹ của Youtube) để yêu cầu họ trình bày kế hoạch ngăn chặn bọn khủng bố “vũ khí hóa” các nền tảng mạng xã hội của các công ty này.

Cuộc họp diễn ra giữa lúc Facebook bị chỉ trích vì chậm trễ trong việc ngăn chặn và gỡ bỏ đoạn video được phát sóng trực tiếp trên tài khoản Facebook của tên hung thủ Brenton Tarrant, kẻ tôn sùng thuyết người da trắng thượng đẳng, trong vụ xả súng làm 50 người thiệt mạng ở hai đền thờ Hồi giáo ở TP. Christchurch, New Zealand hôm 15-3.

Đoạn video dài 17 phút ghi lại cảnh Tarrant lái xe đến đền thờ Hồi giáo Al Noor rồi đi vào nhà thờ này và nổ súng trong ba phút, sau đó, quay ra lại xe lấy thêm đạn và trở vào bắn tiếp trước lúc lên xe lái đến một đền thờ Hồi giáo khác gần đó.

Facebook cho biết đoạn video đó được xem chưa tới 200 lượt trong thời gian phát sóng trực tiếp và được xem 4.000 lượt trước khi nó bị gỡ bỏ hoàn toàn khỏi Facebook.

Facebook cũng nói rằng chỉ 12 phút sau khi tên hung thủ chấm dứt phát sóng trực tiếp, mới có người dùng đầu tiên báo cáo vi phạm. Vì chậm trễ trong việc phát hiện và gỡ bỏ nên đoạn video bị chia sẻ và phát tán tràn lan và được đăng lại trên hàng loạt mạng xã hội khác như Twitter, YouTube, Instagram.

Facebook đã vất vả ngăn chặn và gỡ bỏ 1,5 triệu video liên quan đến vụ thảm sát trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi nó xảy ra. Trong số 1,5 triệu video này, có 300.000 video được gỡ bỏ sau khi đã đăng lên Facebook, có nghĩa chúng có thể đã được xem và chia sẻ nhiều lần trước khi bị gỡ bỏ.

Các chuyên gia công nghệ cho rằng đoạn video dài 17 phút đó có thể dễ dàng gỡ bỏ trong vòng vài giờ sau vụ tấn công.

Thủ tướng Úc Scott Morrison (giữa) trong cuộc họp với đại diện của các công ty công nghệ Facebook, Twitter và Google tại Brisbane, Úc hôm 26-3. Ảnh: Daily Telegraph

Phát biểu trước cuộc họp với đại diện các công ty công nghệ ở Brisbane, Thủ tướng Úc Scott Morrison nói rằng các nền tảng mạng xã hội có thể gửi quảng cáo đến người dùng “trong vòng nửa giây”, vì vậy, họ chắc chắn có thể gỡ bỏ các nội dung cực đoan, khủng bố như vậy và các tài liệu nguy hiểm khác trong khung thời gian đó.

Ông cho biết chính phủ Úc đang soạn thảo luật nhằm ngăn chặn các nền tảng mạng xã hội như Facebook và YouTube bị “vũ khí hóa” bởi các nội dung khủng bố.

Ông nói nếu các mạng xã hội không chứng tỏ họ sẵn sàng ngay lập tức tiến hành các thay đổi ngăn chặn cách sử dụng các nền tảng của họ, chính phủ Úc sẽ hành động.

Sau cuộc họp trên, chính phủ Úc quyết định thành lập nhóm chuyên trách bao gồm đại diện của các công ty công nghệ, có nhiệm vụ xem xét các phản ứng trong tương lai đối với hành vi đăng và phát tán tài liệu khủng bố trực tuyến.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Úc Christian Porter nói rằng phản hồi của các công ty công nghệ tại cuộc họp “không gây ấn tượng”.

Ông nói: “Cuộc thảo luận quan trọng hơn mà chúng tôi muốn được nghe hôm nay là làm thế nào để các công ty công nghệ phản ứng nhanh hơn hoặc thực sự ngăn chặn phát sóng trực tiếp kiểu tài liệu cực đoan như vậy ngay từ lúc ban đầu. Và các câu trả lời cho câu hỏi này không mang lại sự hài lòng”.

Ông Porter cho biết khi soạn thảo luật mới, chính phủ Úc chắc chắn cân nhắc khả năng áp dụng hình phạt tù dành cho lãnh đạo các công ty mạng xã hội không nhanh chóng gỡ bỏ các nội dung cực đoan khỏi các nền tảng của họ.
Ông cảnh báo luật của Úc có thẩm quyền tư pháp ngoại biên, tức được áp dụng cả ngoài biên giới Úc, vì vậy, cho dù các công ty công nghệ đặt trụ sở ở nước nào đi nữa, họ cũng bị truy cứu trách nhiệm theo luật Úc.

Tuy nhiên, chuyên gia an ninh mạng Nigel Phair ở Đại học New South Wales (Úc) nghi ngờ về khả năng áp dụng hình phạt tù này. Ông cho biết luật mới, nếu được ban hành, chỉ áp dụng hình phạt tù cho lãnh đạo các công ty mạng xã hội đang làm việc tại Úc nhưng những người này chỉ phụ trách mảng tiếp thị, chứ không phải là những người chịu trách nhiệm vận hành các nền tảng mạng xã hội.

Theo tờ Financial Times, đạo luật đang được đề xuất của Úc sẽ áp dụng tội danh hình sự đối với các công ty mạng xã hội không gỡ bỏ nội dung bạo lực ngay sau khi được người dùng báo cáo hoặc sau khi các công ty này này nhận ra bằng các cách khác.

Luật này cũng cho phép chính phủ Úc tuyên bố một đoạn video được đăng trên một nền tảng mạng xã hội là “tài liệu bạo lực ghê tởm”. Các lãnh đạo công ty mạng xã hội cũng sẽ phạm tội hình sự nếu không nhanh chóng gỡ bỏ tài liệu này sau khi được nhà chức trách Úc yêu cầu. Tội danh hình sự sẽ càng tăng nặng nếu thời gian trì hoãn gỡ bỏ càng dài.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới