Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Úc giúp ĐBSCL sản xuất lúa thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thông qua dự án “chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc – DFAT (của Chính phủ Úc) sẽ tài trợ khoảng 10-15 triệu đô la Úc giúp người dân khu vực này sản xuất lúa gạo thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.

Úc giúp ĐBSCL sản xuất lúa thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội thảo “Khởi động cấp quốc gia dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL” diễn ra vào hôm nay, 26-7, tại TP Cần Thơ, bà Trần Thu Hà, Giám đốc dự án, cho biết Chính phủ Úc sẽ tiếp tục hỗ trợ thiết kế dự án này để mở rộng vào vùng sản xuất lúa trọng điểm của Việt Nam là ĐBSCL.

Theo bà Hà, dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL sẽ được triển khai trong 5 năm (từ 2022 đến 2027) và sẽ được Chính phủ Úc tài trợ khoảng 10-15 triệu đô la Úc. Dự án dự kiến được triển khai tại ba địa phương sản xuất lúa trọng điểm của ĐBSCL, gồm An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp.

Theo đó, dự án tập trung vào mảng phát triển nông nghiệp xanh của ngành hàng lúa gạo nhằm ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu. “Chúng tôi sẽ gắn kết với khu vực kinh tế tư nhân làm “đầu tàu” kéo sáng kiến mới nhất trong sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính để cùng đạt hiệu quả tốt nhất”, bà Hà cho biết.

Dự án này vẫn sản xuất, kinh doanh lúa gạo, nhưng sẽ là “chất xúc tác” để các thành phần trong vùng nguyên liệu (doanh nghiệp, nông dân…) có cam kết, động lực sản xuất với công nghệ xanh, sạch và bền vững hơn.

Bà Hà cho biết, mục tiêu chính của dự án là thông qua việc đưa các gói công nghệ tiến bộ vào các vùng nguyên liệu của doanh nghiệp giúp tăng thu nhập của nông hộ nhỏ, cải thiện được chuỗi liên kết của chuỗi giá trị lúa gạo.

Ngoài ra, dự án này cũng khuyến khích canh tác lúa giảm thiểu tác động của biển đổi khí hậu thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp đưa ra các gói công nghệ vừa mang tính giảm nhẹ, vừa mang tính thích ứng để hỗ trợ nông dân ở các vùng sinh thái khác nhau canh tác lúa được hiệu quả hơn…

Đối tượng dự án sẽ hợp tác, theo bà Hà, ở khu vực công, gồm các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường và các sở Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương trong vùng. “Đối với khu vực tư nhân, chúng tôi kêu gọi và khuyến khích hợp tác của toàn bộ các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo đang hoạt động ở ĐBSCL”, bà cho biết và nói rằng về phía cộng đồng sẽ có sự gắn kết của hợp tác xã, nông hộ và các nhóm dễ bị tổn thương thông qua hợp tác của khu vực kinh tế tư nhân.

“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có sự hợp tác của các tổ chức xã hội dân sự để cùng nhau tạo ra hiệu ứng, hiệu quả tốt”, bà Hà nói.

Kết quả dự kiến của dự án, theo bà Hà, sẽ có 5-10 doanh nghiệp lớn trong chuỗi ngành hàng lúa gạo “phủ sóng” khoảng 200.000-500.000 héc ta diện tích với sự tham gia của 200.000-300.000 nông hộ.

Theo đó, dự án sẽ giúp tăng năng suất lúa khoảng 5%, trong khi chi phí giảm từ 10-15% nên lợi nhuận của nông dân thu được tăng khoảng 10-15%…

Dự án cũng kỳ vọng giảm 10% lượng phát thải khí nhà kính, 20-30% chất thải hoá học, giảm 9-12% thất thoát sau thu hoạch, 20-40% lượng nước tiêu thụ và giảm 200.000 tấn khí CO2

Trước đó, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết hiện nay Việt Nam xuất khẩu khoảng 6,2-6,5 triệu tấn gạo mỗi năm. “Mục tiêu đặt ra là chúng ta vẫn xuất khẩu gạo, nhưng sản lượng có thể giảm xuống và giá trị sẽ tăng lên bằng cách tăng nhóm gạo chất lượng cao. Đây là chúng ta nói đến cơ cấu giống”, ông nhấn mạnh.

Theo ông Tùng, các tác động của xâm nhập mặn, ngập lụt cũng như thay đổi nhiệt độ và các yếu tố bất thường khác của thời tiết… là những khó khăn, thách thức trong tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng.

Ngoài dự án này, trước đó DFAT cũng đã đầu tư vào các dự án phát triển lúa các- bon thấp ở Việt Nam, bao gồm dự án lúa các-bon thấp tại An Giang và Kiên Giang. Dự án này thực hiện ở giai đoạn 2012-2015 (thử nghiệm) nhằm kiểm tra tính hiệu quả của mô hình 1 phải 5 giảm cũng như thiết lập các phương pháp đo lường khí nhà kính trên đồng ruộng…Ngoài ra, DFAT còn thực hiện dự án AVERP (Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính AgResults” tại Thái Bình (Đồng bằng sông Hồng). Dự án thực hiện trong giai đoạn 2016-2021 (thử nghiệm) nhằm thử nghiệm các công nghệ canh tác giúp tăng năng suất, hiệu quả kinh tế và giảm khí nhà kính cũng như thí điểm sự đổi mới và sẵn sàng của khu vực tư nhân trong hoạt động chuyển giao công nghệ, thu hút sự đầu tư của khu vực tư nhân.

2 BÌNH LUẬN

  1. Chúng tôi là khối doanh nghiệp tư nhân và cũng đang phát triển một dự án lớn tương tự ở ĐBSCL về bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp (nói chung) và cây lúa (nói riêng). Quý Tòa soạn có thể chia sẻ cho chúng tôi kênh liên lạc (email, số điện thoại, địa chỉ) của Ban quản lý dự án trên không ạ?

  2. Xin phản hồi với anh Trần Khắc Điền như sau: Nếu doanh nghiệp anh có quan tâm, có thể gửi hồ sơ hoặc cần thêm thông tin gì có thể gửi phản hồi đến Ban tổ chức qua địa chỉ email: TRVC@snv.org

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới