Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ứng phó hạn, mặn: nghiên cứu đến bao giờ?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ứng phó hạn, mặn: nghiên cứu đến bao giờ?

Trung Chánh

Ứng phó hạn, mặn: nghiên cứu đến bao giờ?
Bộ NNPTNT cho rằng cần phải nghiên cứu thêm giải pháp giúp ĐBSCL ứng phó hạn, mặn. Trong ảnh là ruộng lúa của nông dân tỉnh Sóc Trăng bị khô hạn nghiêm trọng trong mùa khô vừa qua. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Để giúp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ứng phó với hạn mặn, hàng loạt các cuộc hội thảo đã được tổ chức, và các giải pháp được lặp đi lặp lại. Thế nhưng, bên lề một hội thảo ở Hậu Giang ngày hôm qua bàn về chủ đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho rằng vẫn cần phải nghiên cứu thêm.

Trao đổi với TBKTSG Online bên lề hội thảo “Các giải pháp kiểm soát mặn, trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất và dân sinh vùng ĐBSCL” được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL Hậu Giang năm 2016 (MDEC- Hậu Giang 2016) diễn ra tại địa phương này chiều hôm qua, 13-7, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NNPTNT, cho rằng vẫn cần tiếp tục điều tra, nghiên cứu cơ bản; điều tra khoa học và học hỏi các kinh nghiệm trong và ngoài nước.

Trả lời câu hỏi của TBKTSG Online về việc đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo bàn về giải pháp ứng phó hạn, mặn được thực hiện và cùng một giải pháp giống nhau cũng đã được các nhà khoa học, nhà chuyên môn nêu ra rất nhiều lần, nhưng vì sao Bộ vẫn đưa ra bàn tiếp, ông Thắng cho rằng việc thích ứng biến đổi khí hậu cho ĐBSCL không phải là câu chuyện bây giờ mới được đặt ra, mà nó là câu chuyện đã nhiều năm nay và “chúng ta đi bằng rất nhiều giải pháp kể cả giải pháp xây dựng công trình và những giải pháp mềm (phi công trình), cho nên, hạn mặn vừa qua được dự báo rất tốt (!?)”, ông cho biết.

Theo ông Thắng, các biện pháp tiếp theo cần xem xét trong bối cảnh mới, phát triển trong lưu vực sông Mê Kông và phải có bước đi phù hợp về nguồn lực. “Dù trong những năm vừa qua, nguồn lực của Chính phủ cho ĐBSCL là rất lớn, hàng loạt các hệ thống kênh rạch lớn đã được nạo vét và một loạt các công trình lớn đã được làm và phải làm tiếp, thế thì trong một năm chỉ có mấy cái hội thảo sao chúng ta làm xong được”, ông cho biết.

Thật ra, việc cẩn trọng là cần thiết, việc nghiên cứu sâu là cần thiết, để đảm bảo rằng các giải pháp được áp dụng có thể phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, đó là các hội thảo, hội nghị có cùng những giải pháp giống nhau, nhưng đã được đề xuất lặp đi lặp lại rất nhiều lần.

Chẳng hạn, tại hội thảo “Giải pháp tổng hợp để thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” được tổ chức hôm 20-4 ở Thành phố Cần Thơ, ông Trịnh Công Vấn, Viện trưởng Viện đổi mới công nghệ thủy lợi Mêkông, đã đề xuất giải pháp “Xây dựng mô hình ngân hàng đất” trong nạo vét kênh rạch, thì tại hội thảo diễn ra hôm qua của Bộ NNPTNT, một lần nữa ông Vấn tiếp tục nêu lại đề xuất này.

GS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước, đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI tại hội thảo hôm qua, một lần nữa (và ít nhất là đã ba lần) đề xuất rất nhiều giải pháp giúp ĐBSCL ứng phó biến đổi khí hậu thông qua bài trình bày với tựa đề “Biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL thách thức và giải pháp ứng phó”.

Hay những giải pháp giúp ĐBSCL ứng phó với hạn, mặn như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây đê bao trữ ngọt, ngăn mặn; xây hồ chứa nước ngọt…, được các nhà khoa học, nhà chuyên môn một lần nữa chỉ ra và yêu cầu Bộ này sớm triển khai.

Thế nhưng, trả lời câu hỏi của TBKTSG Online về “tính khả thi của những giải pháp đề ra”, ông Thắng của Bộ NNPTNT cho rằng để giải quyết vấn đề nước, vấn đề biến đổi khí hậu của ĐBSCL rất khó, “cho nên chúng ta rất thận trọng, nên căn cứ vào khoa học, kinh nghiệm thế giới và nền tảng trong nước để làm”.

Như vậy, nếu Bộ NNPTNT cần thêm những luận cứ, những nghiên cứu khoa học, những kinh nghiệm…, thì tại sao các hội thảo, hội nghị không xem xét giải quyết ở những khía cạnh khác, các đề xuất mới, mà cứ đi theo "khuôn mẫu" của những hội thảo, hội nghị trước? Điều đó vừa gây tốn kém kinh phí tổ chức, nhưng lại không hiệu quả trong việc giúp ĐBSCL ứng phó hạn, mặn.

Thông tin từ Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết đợt hạn và xâm nhập mặn diễn ra vừa qua, đã làm khu vực ĐBSCL bị thiếu nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản nghiêm trọng, với tổng thiệt hại ước tính là 4.678 tỉ đồng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới