Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ứng phó lạm phát, quỹ phòng hộ toàn cầu tập trung vào hàng hóa và trái phiếu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau khi vượt qua năm 2022 với hiệu suất tốt hơn so với các quỹ đầu tư khác, các quỹ phòng hộ toàn cầu chuẩn bị ứng phó rủi ro lạm phát trong năm nay bằng cách tập trung vào hàng hóa và trái phiếu đồng thời tránh xa cổ phiếu.

Trong năm 2023, các quỹ phòng hộ lớn trên toàn cầu sẽ tập trung đầu tư vào các thị trường hàng hóa như dầu thô, ngũ cốc, vàng và kim loại để phòng ngừa rủi ro lạm phát cao. Ảnh: Crystal Funds

Phần lớn trong số 10 nhà quản lý quỹ phòng hộ và tài sản toàn cầu được Reuters khảo sát cho biết, hàng hóa đang bị định giá thấp và sẽ tăng giá mạnh khi lạm phát dự kiến tiếp tục tăng cao trong năm 2023.

Vì vậy, những nhà quản lý quỹ này sẽ chú ý đầu tư vào các thị trường hàng hóa. Các lựa chọn đầu tư hàng đầu khác bao gồm trái phiếu liên kết với lạm phát (có vốn gốc điều chỉnh theo lạm phát) để bảo vệ chống lại đà tăng giá cả.

Đứng đầu trong danh sách tài sản được cho là cần tránh hoặc bán khống là cổ phiếu. Thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo do làn sóng thắt chặt tiền tệ đột ngột vào năm ngoái. Nhiều công ty có thể chứng kiến thu nhập bị xói mòn hơn nữa vào năm 2023 do lãi suất tăng.

“Thị trường chứng khoán dường như đang định giá theo ba kịch bản bất khả thi rằng chúng ta sẽ có lãi suất thấp hơn, lạm phát sẽ giảm và thu nhập doanh nghiệp vẫn ổn định”, Jordan Brooks, đồng giám đốc về chiến lược vĩ mô tại Công ty quản lý đầu tư AQR Capital Management, nơi nắm giữ 143 tỉ đô la Mỹ, phát biểu tại một hội nghị vào tháng trước.

Brooks nhận định, các kịch bản đó quá lạc quan và đề xuất phương pháp đầu tư cân bằng rủi ro, giúp phân bổ mức độ rủi ro khắp các tài sản như cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa.

Công ty dữ liệu đầu tư Preqin ước tính lợi nhuận của các quỹ phòng hộ trên toàn cầu trong năm ngoái là – 6,5%, mức giảm lớn nhất kể từ mức giảm 13% vào năm 2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Preqin cho biết, chỉ có 915 quỹ phòng hộ được thành lập vào năm 2022, mức thấp nhất trong 10 năm.

Crispin Odey, nhà quản lý quỹ phòng hộ ở London, người đã kiếm được lợi nhuận vào năm ngoái nhờ các vị thế bán khống trái phiếu chính phủ Anh đặt cược rằng lạm phát sẽ vẫn ở mức cao. Quỹ OEI MAC của Odey kết thúc năm 2022 với giá trị tài sản tăng khoảng 145%.

Odey tiếp tục bán khống với trái phiếu chính phủ Anh với mức độ thấp hơn nhưng vẫn duy trì vị thế nắm giữ đối với trái phiếu chính phủ Anh có liên kết với lạm phát. Odey dự báo, hàng hóa sẽ bắt đầu tăng giá trở lại vì đã bị bán tháo rất nhiều trong những tháng qua.

Hầu hết các nhà quản lý quỹ phòng hộ mà Reuters trao đổi vẫn đánh giá cao các chiến lược đầu tư định hướng theo vĩ mô, khai thác sự biến động của thị trường và có thể mua hoặc bán bất kỳ tài sản nào.

“Chúng tôi tin tưởng các chiến lược tận dụng sự biến động. Sự khác biệt về chính sách của ngân hàng trung ương, chênh lệch lãi suất, căng thẳng địa chính trị, nút thắt cổ chai chuỗi cung ứng là môi trường hoàn hảo đối với các quỹ phòng hộ vĩ mô. Nó mang đến rất nhiều cơ hội”, Joe Dowling, người đứng đầu toàn cầu của Blackstone Alternative Asset Management, giám sát khoảng 80 tỉ đô la ở các quỹ phòng hộ nói.

Theo Công ty dữ liệu tài chính HFR, các quỹ phòng hộ vĩ mô dẫn đầu hoạt động của ngành với mức tăng giá trị tài sản khoảng 8% trong năm 2022, tính đến tháng 11-2022.

Kevin Lyons, Giám đốc đầu tư cấp cao phụ trách các giải pháp quỹ phòng hộ của Công ty đầu tư Abrdn, có 14 tỉ đô la Mỹ được phân bổ cho các quỹ phòng hộ bên ngoài, dự đoán một cuộc suy thoái toàn cầu nhẹ trong năm nay.

Lyons muốn phân bổ vốn nhiều hơn cho các quỹ phòng hộ vĩ mô và cho rằng có những cơ hội tốt trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có bảng cân đối kế toán vững mạnh.

Danielle Pizzo, Giám đốc chiến lược tại Schonfeld Strategy Advisors, công ty quản lý phân bổ vốn cho nhiều chiến lược, cũng tập trung nhiều hơn vào trái phiếu cấp độ đầu tư và có lợi suất suất cao cũng như hàng hóa trong năm nay.

Trong khi đó, Andrew Swan, người đứng đầu bộ phận chứng khoán châu Á ngoài Nhật Bản tại Man GLG, một đơn vị của Công ty quản lý đầu tư Man Group (Anh), e ngại triển vọng của công ty ở châu Á có tiếp xúc với các thị trường phát triển, nơi ông dự báo sẽ chịu áp lực do lạm phát cao và mức tăng trưởng chậm hơn.

“Chúng tôi có quan điểm tiêu cực về cổ phiếu của các công ty Đài Loan nói chung, vốn tiếp xúc nhiều hơn với tăng trưởng toàn cầu”, Swan nói.

Hầu hết các quỹ phòng hộ mà Reuters phỏng vấn đều có xu hướng bi quan với cổ phiếu, đặc biệt nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát.

Kenneth Tropin, người sáng lập và là Chủ tịch của Graham Capital Management (Mỹ), đang quản lý 19 tỉ đô la tài sản, lưu ý các hợp đồng tương lai về lãi suất của Fed đang được định giá dựa trên kịch bản lãi suất của Mỹ sẽ đạt đỉnh 5% vào năm 2023 trước khi giảm xuống 3,5% vào giữa năm 2024.

Điều này hàm ý rằng thị trường mong đợi lạm phát sẽ hạ nhiệt đáng kể trong suốt cả năm. Tuy nhiên, Tropin cho rằng, kịch bản lãi suất này quá lạc quan vì lạm phát sẽ mất nhiều thời gian hơn để hạ nhiệt thực sự.

“Tôi không tin giá cổ phiếu hiện nay thực sự phản ánh sự xói mòn thu nhập của doanh nghiệp. Tôi nghĩ rằng giá cổ phiếu có vẻ đang đắt đỏ”, ông nói.

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới