Ứng phó với giá lương thực tăng cao
Thanh Tuyền
![]() |
Giá lương thực tăng cao đang gây lo lắng đe dọa sự ổn định tại nhiều nước. Ảnh: TL |
(TBKTSG Online) – Các nền kinh tế mới nổi đang gia tăng biện pháp linh hoạt để đối phó với tình trạng giá lương thực tăng cao vì lo lắng các nguy cơ đe dọa sự ổn định.
Chính phủ các nước đang phát triển đã công bố một loạt biện pháp như cấm xuất khẩu và các quy định về đầu cơ hàng hóa để bình ổn giá. Một số nhà kinh tế lo ngại bất kỳ cú sốc về cung cấp hàng hóa nào cũng có thể đẩy giá cao hơn, gây ra cuộc khủng hoảng giá lương thực như cuộc khủng hoảng năm 2008 – giá lương thực tăng cao dẫn đến tình trạng bất ổn và bạo lực tại các nước đang phát triển.
Thời tiết xấu, dân số tăng nhanh và thiếu đầu tư cho nông nghiệp đẩy giá mọi thứ tăng lên từ gạo, lúa mì và củ hành tại Ấn Độ, ớt tại Indonesia, đến rau cải tại Trung Quốc. Mức lãi suất thấp tại Mỹ, Nhật Bản và châu Âu giúp các nhà đầu tư sử dụng nguồn tài chính rẻ tiền để đầu tư vào hàng hóa giao dịch trên toàn cầu như gạo, đường, bông và dầu, khiến cho giá cao hơn. Hiện, giá đường đã lên tới 0,31 đô la Mỹ/pound (1 pound = 454g), tăng khoảng 34%, so 6 tháng trước.
Để đối phó với áp lực giá cả, Ấn Độ hồi đầu tháng này kéo dài thời hạn lệnh cấm xuất khẩu đậu nành và dầu ăn. Ấn Độ cũng ký hợp đồng với Pakistan nhập khẩu 1.000 tấn hành do giá hành tăng vọt sau khi nước này bị lũ lụt.
Trong một chỉ thị mới nhất, Indonesia cho biết sẽ loại bỏ thuế nhập khẩu của hơn 50 mặt hàng – bao gồm lúa mì, đậu nành, phân bón và thức ăn chăn nuôi – trong nỗ lực làm chậm tốc độ tăng giá lương thực. Indonesia cũng có kế hoạch vào tháng tới sẽ tăng thuế xuất khẩu dầu cọ lên 25% từ mức 20% . Indonesia cũng khuyến khích người dân trồng ớt để tăng nguồn cung. Ngoài việc loại bỏ thuế quan, Indonesia có kế hoạch giành đến 3.000 tỉ rupiah (326,7 triệu đô la Mỹ) để giúp người dân bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả và kêu gọi các nước đang phát triển không tích trữ gạo hoặc hạn chế xuất khẩu.
Trung Quốc và một số nước Trung Đông liên tục tăng cường biện pháp kiểm soát giá cả. Trong khi đó, Hàn Quốc giảm thuế nhập khẩu một số loại thực phẩm như sữa bột và cà phê, tăng lãi suất và cung cấp thêm nhiều nhà ở.
Tuy nhiên từ lâu, các nhà kinh tế cho rằng các biện pháp như kiểm soát giá cả sẽ không hiệu quả vì làm bóp méo thị trường và không khuyến khích nông dân trồng trọt nhiều hơn. Thay vào đó, Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên hiệp quốc yêu cầu các chính phủ tích cực thúc đẩy đầu tư sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp mới – bao gồm thủy lợi, kho chứa nông phẩm và đường sá. Hiện nay, đầu tư tăng lên tại nhiều nước nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu tăng cao.
Tăng lãi suất – biện pháp thường được dùng để kiềm chế lạm phát – có tác động rất hạn chế đối với giá lương thực trong thời gian ngắn vì giá cả thường được quyết định bởi nguồn cung và khó tăng sản lượng cách nhanh chóng.
Những nền kinh tế có thu nhập thấp hơn thường nhạy cảm hơn với lạm phát thực phẩm vì tỷ lệ thu nhập dành cho thực phẩm của người nghèo cao hơn. Bất cứ sự nhảy vọt nào về giá cả thực phẩm cơ bản cũng có thể dẫn đến sự túng quẫn, thậm chí bạo loạn. Giá lương thực tăng đã gây ra bạo loạn tại Algeria đầu tháng này, buộc chính phủ nước này phải cắt giảm thuế nhập khẩu và thuế đánh vào đường và dầu ăn.
Tuy nhiên so năm 2008, các chính phủ hiện nay chuẩn bị tốt hơn bằng cách dự trữ nhiều hơn các mặt hàng chủ lực và nhạy cảm nhất, chẳng hạn như gạo và lúa mì. Ấn Độ hiện có đủ lượng dự trữ lúa mì để cung cấp cho cả nước trong hơn 80 ngày nếu cần thiết.
Các biện pháp mới chưa rõ có đủ sức kiềm chế tăng giá không hay chỉ là bước đệm để các nước thực hiện biện pháp mạnh tay hơn sau này.
(Theo WSJ)