Ước gì hóa đơn có 4 liên
Võ Minh Duy, TPHCM
Các nhà xuất khẩu đòi Bộ Tài chính phải sửa lại thông tư 120 về hóa đơn, liên 3 vẫn dùng để lưiu nội bộ-Ảnh: Hồng Văn. |
(TBKTSG Online) – Ai làm kinh doanh cũng đều biết hóa đơn giá trị gia tăng do Bộ Tài chính, Tổng cục thuế phát hành và kể cả hóa đơn tự in của doanh nghiệp theo sự cho phép của cơ quan thuế đều có 3 liên. Thế nhưng, với các doanh nghiệp xuất khẩu, rắc rối ở chỗ nó chỉ có 3 liên và giờ đây ai cũng ước gì nó có nhiều hơn.
Hóa đơn có 3 liên thì liên 1 (màu tím) là để lưu tại cuốn hóa đơn, liên 2 (màu đỏ, nên mọi người thường gọi là hóa đơn đỏ) là để giao khách hàng và liên 3 (màu xanh) là để nội bộ, thực chất là xé ra lưu vào các bộ hồ sơ các thương vụ làm ăn, phục vụ công tác kiểm tra nội bộ, kiểm tra quyết toán thuế, kiểm toán… Bộ Tài chính đã đưa ra các quy định này từ khi bộ phát hành hóa đơn đỏ hàng chục năm qua chứ không phải chờ tới khi áp dụng Luật Thuế giá trị gia tăng.
Từ năm 2002, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 120/2002/TT-BTC ngày 30-12-2002 về việc in, phát hành, sử dụng và quản lý hóa đơn, quy định “mỗi số hoá đơn phải có từ 3 liên trở lên, trường hợp sử dụng hoá đơn có 2 liên phải được cơ quan thuế chấp thuận; chức năng sử dụng của từng liên. Liên 1: lưu; liên 2: giao khách hàng; liên 3: nội bộ. Trường hợp xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ thì liên 3 được lưu tại cơ quan hải quan”.
Trong nhiều năm qua, do khuyến khích xuất khẩu và giảm thiểu các thủ tục hành chính, nên cơ quan hải quan gần như không bắt buộc nhà xuất khẩu phải nộp liên 3 của hóa đơn theo từng bộ hồ sơ chứng từ xuất khẩu theo thông tư 120 và các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn cứ dùng liên 3 lưu nội bộ theo đúng những gì mà Bộ Tài chính in trên hóa đơn. Đùng một cái, đầu năm nay, nhiều hải quan cửa khẩu cảng, cửa khẩu đường bộ bất ngờ yêu cầu nhà xuất khẩu phải cung cấp liên 3 cho hải quan trong bộ hồ sơ thủ tục xuất khẩu.
Điều này gây khó khăn nhiều cho nhà xuất khẩu và thậm chí là vi phạm các quy định về quản lý sử dụng hóa đơn tại doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp xuất khẩu cao su ở TPHCM hay ở miền Đông Nam bộ mang cao su ra biên giới phía Bắc để bán sang Trung Quốc thì ký hợp đồng ngay tại bãi chứa hàng ở biên giới và có thể làm thủ tục xuất hàng ngay trong ngày. Trong khi nếu bắt buộc làm thủ tục hải quan phải có liên 3 hóa đơn thì doanh nghiệp cao su phải chờ ít nhất 3 - 4 ngày để văn phòng công ty ở phía Nam xuất hóa đơn và gửi chuyển phát nhanh ra biên giới phía Bắc. Không lẽ bắt nhà nhập khẩu ngồi chờ, để cơ hội kinh doanh qua đi?
Đó là cao su, hy vọng còn có thể chờ đợi, chứ như các loại trái cây thì chờ tới lúc có hóa đơn liên 3, có khi hư hỏng hết cả rồi. Ngay tại TPHCM cũng tương tự, xuất hàng ở cảng TPHCM đâu chỉ có doanh nghiệp ở thành phố, mà doanh nghiệp có văn phòng ở các tỉnh trong khu vực, thậm chí miền Trung hay Tây Nguyên.
Thứ nữa, dù công ty có chi nhánh, có tư cách pháp nhân và được quyền xuất hóa đơn nằm sát cửa khẩu (cảng lẫn trên bộ) thì việc cung cấp hóa đơn liên 3 cho hải quan khiến doanh nghiệp không còn hóa đơn nào lưu nội bộ, lưu vào hồ sơ phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, quyết toán, kiểm toán.
Thông tư 120 ra đời đã khá lâu nhưng nhiều năm trước hải quan không thực hiện đầy đủ nên doanh nghiệp chưa gặp khó, chưa thắc mắc, nay thì hàng loạt doanh nghiệp phản hồi, mong muốn Bộ Tài chính sửa ngay thông tư 120, và trả hóa đơn về đúng quy định của nó, chính là quy định do Bộ Tài chính in hẳn trên hóa đơn là liên 3 dùng lưu nội bộ.