Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

USDA lạc quan về xuất khẩu gạo Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

USDA lạc quan về xuất khẩu gạo Việt Nam

Trung Chánh

USDA lạc quan về xuất khẩu gạo Việt Nam
Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Trong báo cáo mới nhất của mình, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã đưa ra dự báo khá lạc quan về tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay, do triển vọng tiêu thụ tăng mạnh từ các thị trường nhập khẩu.

Theo đó, báo cáo Makets & Trade tháng 2-2018 của USDA đưa ra dự báo xuất khẩu gạo năm 2018 của Việt Nam sẽ đạt 6,7 triệu tấn, tăng 200.000 tấn so với dự báo cũng do tổ chức này đưa ra trước đó một tháng.

Nếu so với kết quả xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt được trong năm 2017 là 5,89 triệu tấn (theo số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thì dự báo của USDA cho thấy trong năm nay lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 0,81 triệu tấn.

Cơ sở để USDA đưa ra lời dự báo như trên xuất phát từ sự kỳ vọng Việt Nam sẽ tăng doanh số từ thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á.

Cụ thể, đối với thị trường Trung Quốc, USDA dự báo quốc gia này sẽ nhập khẩu 5,5 triệu tấn trong năm 2018, tăng 250.000 tấn so với dự báo được đưa ra hồi tháng 1-2018.

Trong khi đó, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, vào năm ngoái, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào quốc gia này chiếm đến 39,2% thị phần xuất khẩu gạo cả năm 2017 của Việt Nam (5,89 triệu tấn).

Đối với khu vực Đông Nam Á, USDA cho rằng trong năm nay Indonesia sẽ nhập khẩu 800.000 tấn gạo, tăng 500.000 tấn so với dự báo trước đó. Trên thực tế, hồi đầu năm nay, Việt Nam đã giành được hợp đồng xuất khẩu 141.000 tấn gạo vào quốc gia này. Còn với Philippines, USDA dự báo năm 2018 quốc gia này cũng sẽ nhập khẩu khoảng 1,3 triệu tấn gạo các loại và Việt Nam cũng là quốc gia bán gạo truyền thống vào đây.

Thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, trong năm 2017, châu Á là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến 68,41% thị phần xuất khẩu gạo toàn ngành. Trong đó, Trung Quốc chiếm 40,02% (số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy Trung Quốc chiếm 39,2% thị phần); Philippines chiếm 9,69%; Malaysia chiếm 8,13%; Bangladesh chiếm 4,03%; Indonesia năm ngoái chỉ chiếm 0,27% tổng khối lượng xuất khẩu gạo Việt Nam…

Riêng trong năm 2018, thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, xuất khẩu gạo Việt Nam trong tháng 1 đạt 524.000, trị giá đạt 249 triệu đô la Mỹ, tăng 56,5% về khối lượng và 74,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn về diễn biến sản xuất và thương mại gạo toàn cầu, báo cáo Makets & Trade tháng 2-2018 của USDA cho thấy, sản lượng gạo toàn cầu năm 2018 đạt 484,3 triệu tấn; thương mại toàn cầu đạt 47,4 triệu tấn; tiêu thụ đạt 480,8 triệu tấn và tồn kho là 140,8 triệu tấn. Như vậy, so với báo cáo cũng của đơn vị này đưa ra hồi tháng 1, sản lượng gạo toàn cầu giảm nhẹ 400.000 tấn; thương mại tăng 1,2 triệu tấn; tiêu thụ giảm 900.000 tấn và tồn kho giảm nhẹ 300.000 tấn so với dự báo đưa ra hồi tháng 1-2018.

Mời xem thêm:

Xuất khẩu gạo sôi động do nhu cầu cao

Xuất khẩu gạo dự báo tiếp tục tăng ở nhiều thị trường


 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới