Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ưu tiên của ưu tiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ưu tiên của ưu tiên

Hải Lý

Khách hàng giao dịch tại ngân hàng Vietcombank.

(TBKTSG) – Những diễn biến trên thị trường tiền tệ đang cho thấy giảm mặt bằng lãi suất tiền đồng không những là ưu tiên của ưu tiên, mà ngành ngân hàng còn phải tập trung thực thi cho bằng được ưu tiên đó.

Không giống như lần trước khi tăng vốn điều lệ từ 12.100 tỉ đồng lên 13.223 tỉ đồng phải chờ đợi gần chín tháng, không kể vất vả lúc lên Bộ Tài chính, lúc sang Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để xin ý kiến, lần này việc tăng vốn điều lệ thêm 33% lên 17.587 tỉ đồng của Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank được Nhà nước phê duyệt nhanh chóng và dứt khoát.

Công văn 6164/VPCP-KTTH ngày 31-8-2010 thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về phương án tăng vốn của Vietcombank năm 2010 còn nói rõ NHNN được giao chỉ đạo mua toàn bộ cổ phần phát hành cho cổ đông nhà nước bằng nguồn thặng dư bán cổ phần lần đầu của Vietcombank.

Việc tăng vốn lần hai của Vietcombank nhanh tới mức không ngờ. Trước đó, ngày 23-8-2010 Vietcombank mới có văn bản chính thức gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) về việc thông qua sửa đổi, bổ sung vốn điều lệ của ngân hàng lên 13.223 tỉ đồng. Nghị quyết hội đồng quản trị Vietcombank ban hành cùng ngày gửi kèm còn nêu rõ Chủ tịch ngân hàng sẽ trình NHNN chuẩn y việc sửa đổi, bổ sung vốn điều lệ mới. Vốn tăng lần một chưa chuẩn y kịp, đã chuẩn bị tăng vốn lần nữa.

Thặng dư khi Vietcombank thực hiện IPO lên tới 9.000 tỉ đồng và số tiền này đã được ngân hàng nộp cho Bộ Tài chính. Trong lần phát hành trước, Nhà nước đã bỏ ra 1.018 tỉ đồng để đóng góp. Lần này Nhà nước sẽ phải bỏ ra thêm 3.960 tỉ đồng để thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của cổ đông lớn. Như vậy, sau hai lần phát hành, Nhà nước đã sử dụng 4.978 tỉ đồng thặng dư của ngân hàng và vẫn nắm giữ 90,72% cổ phần Vietcombank. Tính theo cách nào, Nhà nước cũng lời!

Trên thực tế Vietcombank đã xin Nhà nước cho tăng vốn lần hai từ tháng 4-2010, nhưng các thủ tục vẫn chậm chạp cho đến cuối tháng 8 khi thời hạn thực hiện Thông tư 13/2010/TT-NHNN chỉ còn một tháng, mà nếu không tăng vốn, Vietcombank không thể đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn 9% như quy định mới. Sau khi có công văn của Văn phòng Chính phủ, cái Vietcombank đang chờ là chấp thuận cho tăng vốn của NHNN. Trên cơ sở chấp thuận đó, ngân hàng mới gửi hồ sơ tăng vốn lên SSC và khi SSC đồng ý, Vietcombank mới chính thức thông báo cho Hose và cổ đông. Từ nay đến thời hạn Thông tư 13 có hiệu lực còn hai tuần, liệu Vietcombank có kịp chạy nước rút?

Việc tăng vốn của Vietcombank là minh chứng rõ nhất cho thấy quyết tâm của NHNN trong việc đưa vào thực thi Thông tư 13 cho dù dư luận vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau. Việc ban hành các chuẩn mực mới tiếp cận chuẩn mực quốc tế trong hoạt động ngân hàng nhằm đảm bảo an toàn hệ thống là điều cần thiết và không ai có thể phủ nhận điều đó. Đây đồng thời là một trong những ưu tiên để nâng cao quản trị ngân hàng – lĩnh vực đã gây nên cuộc khủng hoảng trên thế giới năm ngoái.

Tuy nhiên ở Việt Nam hệ thống ngân hàng còn một ưu tiên khác lớn hơn nhằm phục vụ cho tăng trưởng kinh tế là giảm lãi suất. Không nghi ngờ mặt bằng lãi suất tiền đồng ở Việt Nam không những cao nhất trong khu vực mà còn thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Hiện nay, doanh nghiệp làm ra lợi nhuận ròng 10-15%/năm đã là hiệu quả. Vậy mà họ phải trả lãi suất vay ngân hàng không dưới 12%/năm. Nghĩa là doanh nghiệp làm ra bao nhiêu, chỉ đủ trả lãi ngân hàng. Điều đó thật không công bằng trong nền kinh tế!

Với tầm quan trọng như thế, ưu tiên giảm lãi suất hiện tại phải được đặt cao hơn các ưu tiên khác. Nói một cách khác, các điều khoản thi hành của Thông tư 13 cần phải được xem xét đặt dưới mục tiêu giảm lãi suất mà Chính phủ đã đề ra và nền kinh tế đòi hỏi. Điều 18 của Thông tư 13 về tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động rất cần được định nghĩa cụ thể, rõ ràng hơn để các ngân hàng có thể cung ứng vốn nhiều hơn cho doanh nghiệp. Theo thông tin mới nhất mà chúng tôi có được, thời hạn thực hiện Thông tư 13 sẽ vẫn giữ nguyên, NHNN có nhiều khả năng cũng vẫn giữ nguyên tỷ lệ cấp tín dụng 80% so với nguồn vốn huy động, nhưng một số thành phần cấu thành nguồn vốn huy động sẽ được mở rộng.

Bên cạnh đó, những diễn biến trên thị trường tiền tệ đang cho thấy giảm mặt bằng lãi suất tiền đồng không những là ưu tiên của ưu tiên, mà ngành ngân hàng còn phải tập trung thực thi cho bằng được ưu tiên đó. Trào lưu tăng lãi suất huy động vàng và ngoại tệ vẫn chưa dừng lại sau khi một số ngân hàng cho biết đã có khách hàng chấp nhận vay vàng và ngoại tệ lãi suất cao hơn để đổi lấy tiền đồng một khi khả năng tiếp cận nguồn vốn tiền đồng ngày càng eo hẹp. Họ tính toán chênh lệch lãi suất đầu ra của tiền đồng và đô la Mỹ hiện đang là 5-6 điểm phần trăm/năm (lãi suất vay đô la 7-8%/năm so với tiền đồng 12-13%/năm) đủ bù đắp tỷ giá nếu từ nay đến cuối năm đô la Mỹ lên giá thêm 5% nữa so với tiền đồng. Còn vay vàng rủi ro cao, nhưng lãi suất đầu ra của vàng đang quá thấp, chỉ có 3-4%/năm tùy kỳ hạn. Để khách hàng phải tìm cách tiếp cận đồng vốn dưới nhiều hình thức rủi ro như thế, thử hỏi các ngân hàng liệu có an toàn, vốn dĩ là một trong những mục tiêu mà Thông tư 13 hướng đến?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới