Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ưu tiên ngân sách nhà nước cho phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đến năm 2030, tỷ lệ học sinh trung học thi vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt từ 50-55%, ưu tiên ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tham gia các khâu như tuyển sinh, đào tạo, sử dụng, thành lập các cơ sở thực hành.

Cơ sở giáo dục hướng đến việc vừa đào tạo nghề vừa dạy văn hóa tại các trường. Ảnh minh họa: TL

Đây là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ được nêu trong chỉ thị của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo trang tin điện tử của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Cụ thể, đến năm 2030, tỷ lệ học sinh trung học thi vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt từ 50-55%; có khoảng 90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, đồng thời, sẽ có khoảng 200 ngành nghề trọng điểm mà trong đó có từ 15-20 ngành nghề có tính cạnh tranh trong khu vực ASEAN và thế giới.

Về nguồn lực, ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp được ưu tiên trong tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo, đặc biệt là ngân sách cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, các ngành, nghề mũi nhọn, góp phần đảm bảo chính sách bình đẳng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập.

Cơ sở giáo dục hướng đến việc vừa đào tạo nghề vừa dạy văn hóa tại các trường; có chính sách khuyến khích học sinh khá, giỏi vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; ưu tiên đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên xung phong, người khuyết tật.

Đồng thời, cơ quan liên quan cần có chính sách về ưu tiên quỹ đất sạch dành cho giáo dục nghề nghiệp; phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở những nơi như nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài; khuyến khích doanh nghiệp tham gia các khâu như tuyển sinh, đào tạo, sử dụng, thành lập các cơ sở thực hành.

Một lưu ý khác là cơ sở giáo dục cần chú trọng các ngành, nghề, lĩnh vực có thế mạnh gắn với nhu cầu thị trường lao động; nâng cao khả năng thích ứng với yêu cầu đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, gắn kết cung – cầu lao động với giáo dục nghề nghiệp.

Đơn vị liên quan cũng cần có kế hoạch tuyên truyền cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp; vận động sự tham gia của xã hội trong thực hiện mục tiêu; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, tạo cơ hội tiếp cận với thị trường lao động theo hướng mở, hội nhập.

1 BÌNH LUẬN

  1. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phải được quy hoạch tập trung với THCS và THPT thì mới hợp tác chia sẻ nâng cao được hiệu quả đầu tư, hiệu suất và năng suất làm việc. Với quy định, định mức hiện có và với đặc thù của dạy nghề nông thôn thì khó mà thu hút được giáo viên giỏi, với trang bị chưa phù hợp và nhanh chóng lỗi thời do tiến bộ công nghệ, AI, tự động hóa thì giáo viên trẻ khó có điều kiện để phát triển nghề nghiệp dẫn tới mai một. Áp lực thành tích, chỉ tiêu kế hoạch phải ngụy tạo dẫn tới như Báo giáo dục trích dẫn câu nói của TS Lê Đông Phương : “…Thực tế, tôi nhận thấy chúng ta đang thiếu hệ thống giám sát, kiểm soát việc đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Có đơn vị mở ngành đào tạo cũng khá tuỳ tiện, dẫn đến chương trình đào tạo kém chất lượng”. Công tác phân luồng học sinh vùng nông thôn không trúng đích vì chỉ học thêm văn hóa mà không thể dạy nghề gây lãng phí cho chính bản thân các em, gia đình và XH. Do đó nếu không quy hoạch tập trung cụm trường để phát triển thì nên hỗ trợ trực tiếp cho người học, cơ sở chất lượng cao và doanh nghiệp đào tạo để đảm bảo cơ cấu lao động hợp lý thay vì có bằng, có chứng chỉ chỉ để làm thành tích; thứ hai cần có chính sách để sử dụng kỹ sư thợ giỏi hết tuổi làm nghề tham gia dạy trong các cơ sở giáo dục nghề và hoạt động trải nghiệp của THCS,THPT theo từng chủ đề cụ thể và bộ môn yêu cầu trong chương trình học với cơ cấu hợp lý bên cạnh giáo viên trẻ; thứ ba là kiển định chất lượng , đảm bảo đào tạo tiếp cận theo bên cầu thay vì vẫn biết là tùy tiện chẳng thể nói là bên cung miễn phí vì nó giống như những sản phẩm demo hay fake.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới