Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ưu tiên vaccine cho lao động tự do, tiếp xúc và di chuyển nhiều

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ưu tiên vaccine cho lao động tự do, tiếp xúc và di chuyển nhiều

Song Nghi

(KTSG Online) – Vaccine có thể xem là vũ khí hiệu quả để phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, do nguồn cung cấp vẫn còn rất thiếu, việc tiêm vaccine cần được tính toán sao cho đạt hiệu quả chống dịch cao nhất.

Hồi cuối tháng 2 năm nay, cùng thời điểm lô vaccine đầu tiên đến Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP với quy định 11 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm và tiêm miễn phí, trong đó đáng chú ý là nhóm "người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội". Về địa bàn, Nghị quyết 21 cũng quy định rõ là "ưu tiên triển khai ở vùng đang có dịch"(*)

Như vậy, quy định, cơ sở pháp lý đã có sẵn, vấn đề còn lại là vận dụng vào thực tế ra sao mà thôi.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư hiện nay xảy ra trong bối cảnh trên thế giới đang hình thành xu hướng tiếp cận song song vừa tiêm vaccine vừa chấp nhận sống chung với Covid-19. Singapore chẳng hạn, nước này đã tính đến việc phải thay đổi để sống chung với đại dịch trong dài hạn(**).

Trong bối cảnh trên thế giới vẫn chưa xác định được khi nào thanh toán dứt điểm dịch Covid-19 thì mô hình, công thức chống dịch có lẽ cũng cần linh hoạt điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới. Không thể trông cậy vào vaccine như cây đũa thần và chờ cho đến khi tiêm đủ vaccine rồi mới tính chuyện mở cửa bình thường.  

Trong tình hình vaccine còn thiếu hụt như ở Việt Nam, cụ thể hơn là tại một đô thị 10 triệu dân như TPHCM, việc tiêm vaccine có lẽ cần tính toán lại trên cơ sở dịch tễ học. Mục tiêu quan trọng là làm sao vừa phong tỏa nguồn lây, vừa từng bước mở cửa kinh tế. Việc mở cửa kinh tế cần được thực hiện chắc chắn, lâu dài chớ không thể cứ mãi diễn ra điệp khúc "vài tuần đóng, vài tháng mở" như vừa qua.

Muốn phong tỏa nguồn lây, đã đến lúc cần xác định nhóm dân cư là lao động tự do và hàng ngày phải di chuyển nhiều hoặc tiếp xúc nhiều, như bảo vệ, tạp vụ, người giúp việc nhà theo giờ, nhân viên bán hàng trong cửa hàng, siêu thị, thợ hớt tóc, làm tóc, người bán ở các tiệm cà phê, tiệm tạp hóa, quán ăn, tiểu thương các chợ (bao gồm cả chợ tự phát), người bán vé số, ve chai, bán hàng rong. Trong nhóm này còn phải kể đến nhân viên giao hàng, tài xế xe ôm, xe ôm công nghệ, tài xế và phụ xế xe khách, xe dịch vụ, xe taxi và taxi công nghệ, xe tải, bốc xếp, công nhân các công trường xây dựng…. 

Như trường hợp chợ đầu mối Bình Điền quận 8 vừa qua, chuỗi lây nhiễm bắt nguồn từ tổ bốc xếp trong chợ này mà hầu như người nhiễm không có triệu chứng gì. Nếu tính trên cơ sở dịch tễ học, trong kịch bản xấu nhất, từ nhóm nhân viên bốc xếp này, virus sẽ nhanh chóng lây lan ra rộng khắp TPHCM, thậm chí sang nhiều tỉnh khi tiểu thương đến lấy hàng, nhân viên giao hàng và tài xế, phụ xế xe tải từ khắp nơi đến chợ.     

Kịch bản lây nhiễm này đã thành hiện thực: Hôm 4-7, vì có một người bán cá nhiễm Covid-19 từ chợ đầu mối Bình Điền mà nguyên chợ Tân Định ở quận 1 phải đóng cửa 14 ngày. Nếu tất cả người làm việc, mua bán ở khu chợ này được tiêm vaccine, việc đóng cửa có thể đã không xảy ra. Lần ngược theo chuỗi lây nhiễm này, nếu người ở chợ Bình Điền được tiêm vaccine 100% thì khả năng lây cho chợ Tân Định sẽ khó xảy ra.

Đặc điểm chung của nhóm lao động tự do này là hàng ngày họ di chuyển hoặc tiếp xúc rất nhiều người. Phần lớn họ lại không thuộc sự quản lý của doanh nghiệp hay tổ chức nào nên dù thuộc nhóm "ưu tiên" nhưng cơ hội được sớm chích vaccine của họ lại rất thấp.

Với đặc điểm là gần 85% người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng, ngày nào nhóm lao động tự do này chưa được chích vaccine, ngày đó còn hàng ngàn "F0 lang thang" ngoài đường. Ngoài ra, cần tính đến việc nhóm cư dân này ở trong các khu phố lao động, nhà trọ chen chúc, chật chội nên chỉ cần một người nhiễm thì sẽ nhanh chóng hình thành nhiều ổ dịch liên quan khó lòng ngăn chặn xuể.

Nếu ưu tiên chích vaccine cho nhóm lao động tự do này, nguồn lây nhiễm cao sẽ được cô lập, hạn chế phát sinh các ổ dịch trong khu dân cư nghèo. Các nhóm cư dân có điều kiện kinh tế tốt hơn và không phải tiếp xúc hay đi lại nhiều có thể chờ các đợt tiêm vaccine trễ hơn. 

Bằng cách tạo ra các "vùng an toàn", ví dụ một khu chợ mà 100% người làm việc ở chợ đã được chích ngừa thì khả năng lây nhiễm cho người đi chợ sẽ giảm rất nhiều. Một khi tạo ra các "vùng an toàn" nhỏ thì việc hạn chế lây lan sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Người đi chợ dù là F0 thì cũng khó lây lan cho người đi chợ khác vì đã có quy tắc 5K bảo vệ: khai báo y tế, khoảng cách đủ xa và đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. Nhiều "vùng an toàn" nhỏ xuất hiện dần dần sẽ tạo thành "khu vực an toàn" lớn hơn, giảm thiểu dần các nguồn lây lan, các ổ dịch.  

Tương tự với các quán cà phê, tiệm hớt tóc cũng vậy. Một khi trong quán không có nguồn lây nhờ đã chích vaccine kèm theo áp dụng khai báo y tế và giữ đúng khoảng cách giữa các khách thì khả năng lây nhiễm sẽ giảm thấp.

Đời sống xã hội, sinh kế dân nghèo, cơ hội mưu sinh của lao động tự do sẽ được phục hồi thay vì cứ mãi đóng cửa và chỉ cho các dịch vụ thiết yếu hoạt động.

Tất nhiên, kèm theo việc mở cửa thì chính quyền cơ sở phải giám sát nghiêm, xử lý mạnh tay (phạt, rút giấy phép kinh doanh) những nơi vi phạm quy định phòng dịch.

Sống chung với dịch không phải là sự liều lĩnh. Mở cửa kinh tế phải được thực hiện dần dần để dân nghèo có cơ hội mưu sinh là việc phải làm càng sớm càng tốt kèm theo các biện pháp phòng dịch phù hợp.

(*) https://ncov.moh.gov.vn/web/guest/-/6847426-1771
(**) https://tuoitre.vn/singapore-chung-song-binh-thuong-voi-covid-19-20210626022503699.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới