Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngày 25-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, trong đó đề nghị cụ thể hóa hơn những giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp ngày 25-4. Ảnh: Quốc hội

Thẩm tra nội dung báo cáo, bà Phạm Thúy Chinh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, cho rằng việc chậm ban hành chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ hằng năm và 5 năm đã ảnh hưởng đến tiến độ và là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các bộ, ngành, địa phương.

“Các tồn tại, hạn chế trong việc xây dựng ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại nhiều bộ, ngành, địa phương đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội chỉ ra tại năm 2020 nhưng chưa được khắc phục triệt để”, bà Chinh nói.

Bà Chinh cho hay Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội thống nhất với các kết quả đạt được của Chính phủ trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ. Bên cạnh đó, bà Chinh cũng nêu rõ quan điểm của Thường trực Ủy ban đối với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực cụ thể.

Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ cần siết chặt kỷ luật kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước, chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá trốn thuế, chống gian lận thương mại, phấn đấu tăng thu ngân sách; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát ngân sách, tài sản công, triệt để tiết kiệm các khoản chi để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó chủ tịch Quốc hội, cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 Chính phủ đã nêu trong báo cáo và Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã nhấn mạnh thêm trong báo cáo thẩm tra. Đồng thời, đề nghị cụ thể hóa hơn những giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó lưu ý các giải pháp để rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong mua sắm công, quản lý đầu tư công, đất đai, tài sản công, cổ phẩn hóa; sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách về định mức đơn giá tiêu chuẩn chế độ còn thiếu; nghiên cứu ban hành quy định tiêu chí để định lượng rõ hơn các vấn đề liên quan đến năng suất, tiết kiệm của cán bộ, công chức, hợp đồng;…

Ông Hải cũng lưu ý, rà soát nội dung cải cách hành chính và thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành tiết kiệm liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Chú ý đến lĩnh vực tiết kiệm, chống lãng phí liên quan đến tín dụng nhà nước, tài sản trong các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng cổ phần nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và tình hình tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán gần đây.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới