Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vắc-xin ngừa cúm A/H1N1: Nước nghèo bị thiệt thòi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vắc-xin ngừa cúm A/H1N1: Nước nghèo bị thiệt thòi

Thái Bình

Trung Quốc tích cực phòng và ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm A/H1N1.

(TBKTSG) – Cuộc chạy đua của các nước giàu trong việc giành nguồn vắc-xin phòng dịch cúm A/H1N1 đang làm dấy lên mối lo ngại rằng hàng tỉ người dân các nước nghèo sẽ không có đủ thuốc khi cần thiết.

Ngày càng có nhiều quốc gia phương Tây ký hợp đồng với các công ty sản xuất vắc-xin để bảo đảm sẽ nhận được một số liều vắc-xin nào đó nếu đại dịch xảy ra. Các nhà phân tích cho rằng, bằng cách chặn trước nguồn cung như vậy, các nước giàu đang làm cho các nước nghèo khó mà tìm đủ số thuốc mà người dân cần. Từ hôm thứ Ba 19-5, lãnh đạo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên hiệp quốc đã tiến hành họp khẩn với lãnh đạo các công ty dược phẩm quốc tế tại Geneva (Thụy Sỹ) nhằm tìm giải pháp khả thi cho vấn đề vắc-xin.

Cuộc giành giật giữa người giàu và người nghèo làm lộ ra một điểm yếu trầm trọng trong hệ thống y tế toàn cầu: khả năng sản xuất vắc-xin phòng dịch cúm của các công ty dược phẩm là rất hạn chế. Theo ước đoán của WHO, các công ty dược quốc tế – chủ yếu đặt tại Tây Âu và Bắc Mỹ – mỗi năm chỉ có thể sản xuất tối đa 1-2 tỉ liều vắc-xin phòng cúm, số lượng cụ thể còn tùy vào lượng hoạt chất trong mỗi liều. Sản lượng này là quá ít so với khối dân số 7 tỉ người trên hành tinh trong trường hợp xảy ra đại dịch.

Một số nước giàu như Anh Quốc, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Canada, Đan Mạch và Áo đã nhanh tay đặt mua trước đủ lượng vắc-xin dùng cho dân chúng của họ. Ví dụ, nước Anh đã ký hợp đồng bốn năm, trị giá 155,4 triệu bảng Anh (236,62 triệu đô la Mỹ) với các hãng dược GlaxoSmithKline PLC và Baxter International Inc. để được mua 132 triệu liều vắc-xin từ hai hãng dược này. Hà Lan đang xem xét việc đặt tiền trước để mua 34 triệu liều…

Chính phủ Mỹ thì có cách tiếp cận khác: ký hợp đồng với các công ty dược để thúc đẩy năng lực sản xuất. Mỹ đã trao cho tập đoàn Novartis AG 486 triệu đô la để xây dựng một nhà máy sản xuất vắc-xin có khả năng tạo ra 150 triệu liều trong vòng sáu tháng sau ngày nạn dịch được công bố. Theo ông Andrin Oswald, trưởng bộ phận vắc-xin và chẩn đoán của Công ty Novartis, hợp đồng này sẽ dành cho Mỹ những lô sản phẩm đầu tiên của nhà máy.

Cho đến hôm nay WHO vẫn chưa công bố một đại dịch cúm A/H1N1 trên toàn cầu. Sự lan rộng bất ngờ của dịch tại Nhật Bản trong hai ngày cuối tuần qua có thể sẽ khiến WHO phải nâng cấp cảnh báo dịch từ cấp 5 hiện nay lên cấp 6, cấp cao nhất, và công bố đại dịch trên toàn cầu trong những ngày tới. Các công ty dược cũng chưa bắt đầu sản xuất vắc-xin phòng dịch với số lượng lớn. Theo các chuyên gia, từ khi bắt đầu sản xuất đến khi những sản phẩm đầu tiên ra lò cũng phải mất từ bốn đến sáu tháng.

Nếu WHO công bố đại dịch và bệnh cúm A/H1N1 lây lan trong cộng đồng với tốc độ như ở Nhật Bản và Mỹ hiện nay, các nước nghèo chắc chắn sẽ không có đủ thuốc để đối phó. Tình huống này đã được nhiều nước nghèo báo động. Hội nghị bộ trưởng y tế khối ASEAN+3 tại Bangkok tuần trước chẳng hạn, cảnh báo rằng hiện nay khu vực châu Á gần như không có khả năng sản xuất vắc-xin phòng dịch cúm và đó là một tình trạng nguy hiểm. Tại hội nghị, các nước Indonesia, Campuchia và Việt Nam cho rằng, “sự tiếp cận nguồn vắc-xin phòng dịch là vấn đề lớn của khu vực này” và kêu gọi sự giúp đỡ của WHO. Các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản thì yêu cầu phương Tây chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin cho các nước châu Á.

Về phần mình, các công ty dược phẩm nói rằng họ ý thức được vấn đề đưa vắc-xin đến các nước nghèo. Phát ngôn viên của Glaxo cam kết, công ty “gắn bó tuyệt đối” với việc cung cấp vắc-xin phòng dịch cho các nước nghèo. Hôm thứ Sáu, Glaxo nói họ đã có kế hoạch bắt đầu sản xuất một loại vắc-xin tiền đại dịch (pre-pandemic) chống lại chủng virus H1N1 đang hoành hành hiện nay, nhưng không có gì bảo đảm rằng vắc-xin này sẽ hoạt động hữu hiệu trong thời gian diễn ra đại dịch nếu virus biến thái nhiều. Glaxo có kế hoạch tặng cho WHO 50 triệu liều vắc-xin tiền đại dịch này để WHO cung cấp cho các nước đang phát triển.

Albert Garcia, phát ngôn viên của hãng dược Sanofi-Aventis SA của Pháp – một trong những nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới, nói rằng họ đã ký những hợp đồng lỏng lẻo với Pháp, Ý, Úc và Mỹ để cung cấp vắc-xin trong trường hợp xảy ra đại dịch nhưng các hợp đồng này không xác định số liều thuốc, giá cả và thời hạn giao hàng. Sanofi cảm thấy “không phù hợp với đạo đức khi bán loại vắc-xin chưa hề tồn tại vào lúc này”.

Tuy nhiên, theo Sangeeta Shashikant, cố vấn pháp lý của Mạng Thế giới thứ Ba (Third World Network), một tổ chức phi lợi nhuận xúc tiến lợi ích cho các nước đang phát triển, “không có cơ chế nào bảo đảm rằng chúng ta sẽ đưa được thuốc đến những người cần thuốc”.

Ngay cả việc mua thuốc điều trị những người đã bị nhiễm virus cúm, chẳng hạn thuốc Tamiflu, cũng là một vấn đề cho các nước nghèo. Công ty Roche Holding AG, Thụy Sỹ – nhà sản xuất thuốc Tamiflu – đã tặng hàng triệu liều thuốc cho WTO và đã tăng năng lực sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu đang lên cao. Công ty này cũng đã ủy quyền cho một số công ty gia công được sản xuất và bán thuốc Tamiflu ở các nước đang phát triển nhằm tăng nguồn cung. Tuy nhiên, công ty này đang bị áp lực phải cho phép có thêm nhiều đơn vị được sản xuất thuốc tương tự (generic drug).

Nhà sản xuất thuốc tương tự của Ấn Độ Cipla Ltd., tuần này đã thách thức Roche khi tuyên bố họ có kế hoạch bán một loại thuốc tương tự thuốc Tamiflu cho khách hàng ở Mexico, nơi loại thuốc này được giữ bản quyền, với giá 10 đô la Mỹ/vỉ, bằng một nửa giá bán thuốc Tamiflu của Công ty Roche tại Mexico (15 euro, tức 20 đô la Mỹ/vỉ). Ông Amar Lulla, Giám đốc điều hành của Công ty Cipla, nói rằng theo hợp đồng đã ký, Cipla được miễn trừ trách nhiệm pháp lý. Còn ông David Reddy, trưởng bộ phận kinh doanh thuốc chống cúm của Roche, nói: “Chúng tôi không thấy có lý lẽ nào bào chữa cho việc cung cấp thuốc tương tự, vì rằng chúng tôi có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng Mexico”.

Bản quyền sáng chế trong lĩnh vực thuốc chữa bệnh, cũng như cơ chế nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh các loại vắc-xin, thuốc phòng và chữa các bệnh truyền nhiễm… lâu nay vẫn là điểm xung khắc giữa các nước giàu và nước nghèo. Các nước nghèo – thường là nơi khởi phát các trận dịch lớn – có nghĩa vụ cung cấp thông tin và mẫu bệnh phẩm của từng bệnh nhân cho các phòng xét nghiệm được WHO ủy thác. Kết quả nghiên cứu của các phòng thí nghiệm này lại được cung cấp cho các công ty dược lớn để họ sản xuất ra các loại vắc-xin và dược phẩm, được bán lại cho các nước nghèo với giá cao. Quy trình bất hợp lý này đã gây nên nhiều nỗi bức xúc cho các nước nghèo, chẳng hạn Indonesia đã nhiều lần quyết định ngưng cung cấp bệnh phẩm của bệnh cúm gia cầm H5N1 cho WHO nếu không được đáp lại bằng quyền mua thuốc giá rẻ để điều trị cho những người dân nhiễm cúm gia cầm.

Với bệnh cúm A/H1N1 tình hình có thể sẽ tương tự nếu các nước giàu chỉ biết lo cho công dân của mình, các doanh nghiệp dược chỉ quan tâm tới lợi nhuận mà không đoái hoài tới quyền lợi cơ bản của người dân ở các nước đang phát triển.

(Tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới