Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vaccin và chuyện bản quyền

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Tờ Financial Times mở đầu một bài viết về vấn đề bản quyền vaccin bằng một câu chuyện: tháng 4-2020 khi Đại học Oxford sắp sửa chính thức bắt tay với hãng dược AstraZeneca để sản xuất vaccin chống Covid-19, một nhóm các nhà nghiên cứu Oxford đã đóng gói các mẫu tế bào được nuôi cấy, là thành phần thiết yếu làm ra loại vaccin họ đang nghiên cứu rồi yên lặng gửi chúng qua Ấn Độ.

Đó là bởi họ lo sợ đối tác tương lai, Astra Zeneca muốn kiểm soát quyền sở hữu trí tuệ đằng sau công nghệ làm vaccin sẽ không cho họ chia sẻ với Viện Serum của Ấn Độ, từ đó ngăn không cho các nước nghèo tự sản xuất vaccin dựa trên công nghệ họ tìm ra.

Hóa ra nỗi lo này không có cơ sở vì sau đó Oxford và AstraZeneca đã ký các hợp đồng cấp phép cho Viện Serum và một số nơi khác quyền sản xuất vaccin do họ đăng ký bản quyền; các nơi này đã sản xuất hàng trăm triệu liều vaccin giá rẻ cho các nước nghèo. Tuy nhiên tình hình không được sáng sủa như thế với hai loại vaccin của Pfizer và Moderna.

Tháng 10 năm ngoái khi Ấn Độ và Nam Phi vận động với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đồng ý với đề xuất tạm hoãn thực thi quyền sở hữu trí tuệ với mọi loại thuốc và công nghệ liên quan đến Covid-19, họ bị từ chối. Ấn Độ và Nam Phi lập luận khi miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ, các bên thứ ba sẽ nhanh chóng sản xuất vaccin và thuốc men cung cấp đủ cho mọi người trên thế giới bất kể giàu nghèo. Hơn 60 nước đồng tình nhưng các hãng dược phản đối, cho rằng bản quyền là rất quan trọng để bảo vệ các khoản họ đầu tư vào nghiên cứu và hơn nữa miễn trừ bản quyền chưa chắc đã làm tăng sản lượng vaccin bởi các bên thứ ba thiếu kinh nghiệm và nền tảng công nghệ để sản xuất các loại vaccin đời mới phức tạp.

Tháng 5-2021, Mỹ tuyên bố ủng hộ việc tạm miễn trừ bản quyền vaccin vì đại dịch Covid-19 phải được xem như một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu nên đòi hỏi các biện pháp đặc biệt mang tính ngoại lệ. Từ đó đến nay đã hơn ba tháng trôi qua nhưng WTO vẫn chưa đưa vấn đề này ra thảo luận một cách chính thức. Mặc dù Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala yêu cầu các nước thành viên rút ngắn lịch nghỉ suốt hè để sớm tái họp, chưa có lịch trình nào mới mãi cho đến tháng 9 năm nay. Ngoài tuyên bố vào tháng 5 cho đến nay phía Mỹ chưa có thêm động thái gì để thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ trong khi Anh và châu Âu giữ nguyên lập trường phản đối.

Hiện nay Pfizer và Moderna hạn chế chuỗi cung ứng cho dây chuyền sản xuất vaccin vào một số nhà máy ở một số nước. Thế nhưng cũng từ các nơi này đã nảy sinh nghịch lý: sản xuất vaccin để xuất đi nước khác trong khi trong nước không có vaccin cho người dân. Chẳng hạn, hãng Johnson & Johnson có nhà máy đóng lọ vaccin Covid-19 tại Nam Phi và đã xuất khẩu hàng triệu liều vaccin này cho châu Âu. Thế nhưng Nam Phi vẫn chờ Johnson & Johnson giao đủ 31 triệu liều vaccin nước này đã mua vì Johnson & Johnson giao hàng nhỏ giọt; cho đến nay Nam Phi mới chích được 2 triệu liều vaccin Johnson & Johnson cho người dân.

Tờ New York Times trích lời Glenda Gray, một nhà nghiên cứu Nam Phi từng hỗ trợ Johnson & Johnson tổ chức thử nghiệm lâm sàng tại nước mình: “Lẽ ra các hãng dược phải ưu tiên giao vaccin cho các nước nghèo từng tham gia vào quá trình thử nghiệm và sản xuất. Bởi nếu không, chẳng khác nào một nước làm ra thức ăn cho thế giới trong khi dân nước mình lại chịu đói”. Nhiều nước phương Tây từng cấm xuất khẩu vaccin sản xuất trong nước nhưng Nam Phi không thể áp dụng chính sách này vì hợp đồng với Johnson & Johnson đòi hỏi Chính phủ Nam Phi miễn trừ quyền áp dụng lệnh cấm xuất khẩu vaccin!

Điều mỉa mai là trong khi với đa số người dân trên thế giới, Moderna là tên một loại vaccin họ mơ ước được chích sớm để được bảo vệ trước đại dịch Covid-19; với dân Wall Street, Moderna là tên một cổ phiếu có giá quá cao, hàm chứa rủi ro bị điều chỉnh giá. Vào đầu tháng 8-2021, giá cổ phiếu Moderna tăng cao đến mức đưa giá trị thị trường hãng dược non trẻ này lên 195 tỉ đô la Mỹ. Để duy trì mức giá này, các nhà phân tích cho rằng Moderna phải bán liên tục được 1,5 tỉ liều vaccin Covid-19 mỗi năm trong vòng 17 năm tới và các vaccin khác phải thành công, đem về doanh thu trên 30 tỉ đô la nữa. Giá cổ phiếu Moderna từ đó đến nay đã giảm mạnh nhưng Wall Street cho rằng giá cổ phiếu Moderna phải sụt thêm 70% để đưa thị giá công ty về mức 46 tỉ đô la mới mong bền vững.

Có lẽ vì thế mà cả hai hãng Pfizer và Moderna đều mới nâng giá vaccin của họ lên; nay mỗi liều Pfizer ở châu Âu có giá 19,5 euro so với giá cũ là 15,5 euro, mỗi liều Moderna tăng từ 22,6 đô la lên 25,5 đô la. Cả hai hãng đều đồng tình với chủ trương của Chính phủ Mỹ tiêm mũi thứ 3 cho người đã chích đủ hai mũi bất kể thế giới đang thiếu vaccin trầm trọng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới