Vai trò của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai
Vũ Xuân Tiền
(TBKTSG) – Chính phủ đã có Tờ trình Quốc hội về dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai (PTTT). Trong đó, khoản 2 điều 4 dự thảo luật quy định một trong những nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai là “cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau, Nhà nước hỗ trợ”. Quy định nêu trên về vai trò của Nhà nước là không hợp lý.
Trước hết, phòng, chống thiên tai là công việc hệ trọng, có liên quan đến sinh mạng, tài sản của công dân và đất nước. Do đó, trong công tác phòng, chống thiên tai Nhà nước không thể giữ vai trò “hỗ trợ”. Quy định như vậy là tạo kẽ hở cho sự thoái thác trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống thiên tai.
Ngoài ra, dự thảo Luật PTTT có mục tiêu đưa ra các quy định, chế tài cụ thể về “lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của bộ, ngành và địa phương”. Việc “lồng ghép” đó không thể là nhiệm vụ của cá nhân, cộng đồng mà phải là của chính quyền các cấp. Do đó, nếu Nhà nước chỉ có vai trò “hỗ trợ”, ai sẽ là người có trách nhiệm “lồng ghép” theo quy định của luật?
Thứ ba, khi thiên tai xảy ra, thông thường tác hại là rất lớn và trong phạm vi rộng. Để khắc phục hậu quả cần có sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp và có thể là nhiều địa phương có liên quan. Do đó, cần có sự chỉ huy thống nhất từ một trung tâm, hay nói cách khác, cần một “nhạc trưởng” để điều phối mọi hoạt động nhằm đảm bảo nhanh, chính xác, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra. Đó phải là nhiệm vụ của Nhà nước từ trung ương đến địa phương.
Từ những phân tích trên đề nghị sửa lại nguyên tắc nêu trên như sau: Phòng chống thiên tai là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân, trong đó “cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau, Nhà nước chịu trách nhiệm chính”.
Ngoài ra, cần nghiên cứu lại về quỹ phòng, chống thiên tai quy định trong dự thảo luật. Bởi, đã trở thành thông lệ, cứ một luật chuyên ngành được ban hành thì có một quỹ tài chính ngoài ngân sách được thành lập. Những quỹ này được hình thành từ “đóng góp bắt buộc của tổ chức, cá nhân theo quy định của Chính phủ”. Do đó, “gánh” thuế, phí đặt lên vai nhân dân và các doanh nghiệp đã nặng nay lại càng nặng nề thêm.