Vai trò hiệp hội
(TBKTSG) - Cả nước có 168 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản nhưng trong đó chỉ 57 doanh nghiệp có nhà máy chế biến; hơn 100 doanh nghiệp còn lại chỉ “mua đi bán lại” nên xảy ra tình trạng cạnh tranh giá quyết liệt đến mức làm rối cả thị trường.
Giá cá tra xuất khẩu lẽ ra phải tăng vì giá thức ăn tăng, thực tế lại giảm thê thảm. Mới đây EU cũng đã cảnh báo khả năng kiện bán phá giá đối với cá tra Việt Nam vì nhiều doanh nghiệp bán các sản phẩm cá tra vào thị trường này với giá quá thấp.
Chuyện cá tra hay chuyện giá cả xuất khẩu thủy sản nói chung giảm sút là hậu quả của tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Trong tình trạng đó, doanh nghiệp thành viên biết kêu ai ngoài Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP). Ngặt nỗi, VASEP chỉ kêu gọi, vận động doanh nghiệp đừng bán phá giá thôi chứ muốn làm gì khác nữa cũng chịu, vì có quy định nào buộc tất cả doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành hàng phải vào hiệp hội đâu?
Ngành gỗ, ngành nhựa thì khó theo kiểu khác. Trong khi các doanh nghiệp gỗ chật vật với việc xuất khẩu sản phẩm qua thị trường thứ ba thì sản phẩm gỗ ngoại, dù giá cả đắt hơn 30-50% so với sản phẩm gỗ nội vẫn đã chiếm 80% thị trường nội địa; doanh nghiệp nhựa thì đang chưa biết xoay xở thế nào trước sức ép của hàng nhựa Trung Quốc giá rẻ. Chung quy bởi các doanh nghiệp gỗ, nhựa Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, thiếu thông tin, chậm đổi mới thiết bị, hệ thống phân phối nhỏ lẻ thiếu chuyên nghiệp...
Dư luận đặt ra câu hỏi: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản hay Hiệp hội Nhựa đã giúp được gì cho doanh nghiệp trong tình cảnh này?
Nhiều mục đích được nhắm tới khi thành lập các hiệp hội nhưng hoạt động chủ yếu của hiệp hội vẫn là hỗ trợ doanh nghiệp thành viên tồn tại và phát triển. Thế nhưng, vài thí dụ nêu trên cho thấy có vẻ như các hiệp hội hoặc chưa đủ quyền, hoặc có nhưng chỉ hô hào là chính chứ chưa “đau” cùng cái “đau” của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp phải tự “bơi” là chính.
LƯƠNG DUY CƯỜNG (TPHCM)