Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vai trò nào cho nhà nước trong hội nhập?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vai trò nào cho nhà nước trong hội nhập?

Tư Hoàng

Vai trò nào cho nhà nước trong hội nhập?
Các nhà kinh tế tại hội thảo sáng 29-2.

(TBKTSG Online) Việt Nam cần xác định rõ ràng vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường sau khi đã hội nhập sâu sắc vào kinh tế toàn cầu.

Đây là nhận định chung của các chuyên gia kinh tế tại hội thảo "Năm năm là thành viên WTO, Việt Nam đã và sẽ ở đâu trong quá trình hội nhập" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên (Mutrap) tổ chức sáng 29-2 tại Hà Nội.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói: “Chúng ta cần tiếp tục xác định rõ khái niệm nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Theo tôi, đây là điểm cần làm rõ đầu tiên để xác định đường lối phát triển tiếp theo”.

“Ngày nay, chúng ta không thể vương vấn cơ chế kinh tế cũ trong khi theo đuổi  phát triển kinh tế thị trường. Vì thế, cần xác định rõ nhà nước làm gì, doanh nghiệp làm gì trong nền kinh tế”, bà nói tiếp.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này thừa nhận đây là điều khó, căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay khi doanh nghiệp nhà nước vẫn áp đảo và điều hành bằng mệnh lệnh hành chính vẫn là cách được ưa thích.

“Tất cả các ngành vẫn luôn nói câu “nhờ nhà nước hỗ trợ”. Điều đó cho thấy nhận thức chung của cả xã hội vẫn như trước”, bà nói.

Theo Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành, vẫn còn đang tồn tại hàng loạt vấn đề liên quan đến trách nhiệm của nhà nước trong quá trình hội nhập.

Ông nhận xét, hệ thống luật pháp và các quy định còn có chất lượng rất thấp dẫn tới các cách hiểu khác nhau và áp dụng tuỳ tiện.

Việc thực hiện luật pháp và quy định, theo ông Thành, hầu như không có cải thiện đáng kể so với trước đây.
Ông nói: “Các cơ quan nhà nước vẫn thiếu tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực hiện luật pháp”.

Ông Thành nhận xét, xã hội Việt Nam đã đạt đến trình độ cao hơn với công nghệ thông tin phát triển rộng khắp và tầng lớp trung lưu xuất hiện ngày càng nhiều, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải hành xử “minh bạch”.

“Xã hội và giới đầu tư đòi hỏi tính minh bạch và tiên liệu được từ các chính sách được ban hành. Vì thế, các nhà hoạch định chính sách càng đòi hỏi phải giao tiếp minh bạch hơn”.

“Tuy nhiên, tôi thấy rất ít chính khách Việt Nam đối thoại tay bo với các nhà đầu tư,” ông nhận xét.

Theo Giáo sư Claudio Dordi, Chuyên gia trưởng của dự án Mutrap, các chỉ số đo lường năng lực điều hành của Chính phủ đang giảm xuống theo thời gian.

Ông trích dẫn số liệu của Diễn đàn kinh tế thế giới, theo đó, về thứ hạng hiệu quả khuôn khổ luật pháp thì Việt Nam đã xấu đi từ 57 năm 2009 xuống 74 năm 2011. Tính minh bạch của chính phủ giảm từ hạng 58 năm 2007 xuống 91 năm 2011.

Về tiêu chí gánh nặng các quy định của chính phủ, Việt Nam giảm từ hạng 105 năm 2007 xuống 113 năm 2011.
Ông Dordi nói: “Chúng tôi thấy năng lực cạnh tranh của khu vực doanh ngiệp được cải thiện trong khi … những quy định của Chính phủ thì tụt hạng. Nó thể thiện khoảng cách… và cho thấy Chính phủ chậm trễ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp”.

Ông nhận xét, Nghị định 46 về hạn chế lao động nước ngoài, hay cơ chế giấy phép nhập khẩu tự động mà Việt Nam đang áp dụng nhằm giảm nhập siêu “chẳng có mấy tác dụng”.

Tại hội thảo, nguyên trưởng đoàn đàm phán WTO- ông Trương Đình Tuyển nói ông hy vọng rằng, cách thức điều hành sẽ tiếp tục được cải thiện cho phù hợp với yêu cầu hội nhập.

“Thủ tướng đã tuyên bố sẽ chuyển sang nhà nước kiến tạo phát triển. Thông điệp của Thủ tướng là rất rõ. Vấn đề là làm sao ông hiện thực hoá điều này”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới