Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vẫn chưa thể xử lý hình sự doanh nghiệp gây ô nhiễm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vẫn chưa thể xử lý hình sự doanh nghiệp gây ô nhiễm

Văn Nam

Ông Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học quản lý môi trường thuộc Tổng Cục môi trường – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Thời gian gần đây, số lượng doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường đang có chiều hướng gia tăng, trong khi đó, các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn chồng chéo khiến việc thực thi gặp nhiều khó khăn.

Liên quan đến vấn đề này, sáng 10-5, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học Quản lý môi trường (Tổng cục Môi trường) xoay quanh các biện pháp xử phạt doanh nghiệp vi phạm luật pháp về bảo vệ môi trường.

TBKTSG Online: Trên thực tế, hiện có rất nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, ông nhận định các biện pháp xử phạt hiện hành đã đủ tính răn đe hay chưa?

– Ông Phạm Văn Lợi: Có thể đánh giá là trong thời gian qua các cơ quan chức năng đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản pháp luật nhằm bảo vệ môi trường. Những qui định pháp luật đó chính là những cơ sở pháp lý quan trọng góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn.

Nhưng trên thực tế, việc vi phạm gây ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nguyên nhân quan trọng nhất theo tôi, vẫn là ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân chưa cao. Vì vậy các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, tôi cho rằng về biện pháp xử phạt, chúng ta cần phải nhanh chóng thiết lập chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật Hình sự, làm thế nào để các tổ chức, doanh nghiệp vi phạm pháp luật môi trường với mức độ nặng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hiện nay trong Bộ luật Hình sự của chúng ta chưa thiết lập trách nhiệm hình sự này.

Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, trong đó có thiết lập trách nhiệm hình sự pháp nhân để có cơ sở pháp lý xử lý hình sự các doanh nghiệp gây ô nhiễm mức độ nghiêm trọng.

Theo như ông vừa nhận định thì có nghĩa là một số vụ vi phạm gây ô nhiễm gần đây như Công ty cổ phần Tung Kuang gây ô nhiễm sông Giẽ (Hải Dương), Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi gây ô nhiễm sông Trà Khúc … vẫn chưa thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

– Vì Bộ luật Hình sự chưa thiết lập chế định xử lý hình sự đối với pháp nhân nên ta không thể xử lý về mặt hình sự được, chỉ xử lý được khi sửa đổi Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, dựa vào thực tế số lượng doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang có chiều hướng gia tăng, tôi cho rằng chúng ta cần phải làm gấp việc sửa đổi này.

Ở một số quốc gia, khi bị phát hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là cơ quan chức năng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với lãnh đạo doanh nghiệp mà chưa cần đề cập đến hậu quả, còn ở Việt Nam thì còn phải xem xét đến hậu quả của hành vi vi phạm để căn cứ vào đó đưa ra mức xử lý.

Vậy phải áp dụng hình thức xử phạt ra sao để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tăng tính răn đe, thưa ông?

– Ta có thể áp dụng các biện pháp đồng bộ như xử phạt vi phạm hành chính ở mức cao, dùng áp lực xã hội, đưa lên phương tiện thông tin đại chúng để đảm bảo mức độ xử lý phải tương thích với vi phạm mà họ đã gây ra.

Có ý kiến cho rằng quy định bảo vệ môi trường vẫn còn kẽ hở khi đưa ra hình thức “tước giấy phép xả thải” nhằm mục đích ngăn chặn doanh nghiệp tiếp tục sản xuất gây ô nhiễm. Bởi vì doanh nghiệp thì lại có thể không cần giấy phép xả thải, vận chuyển nước thải đi nơi khác xử lý và tiếp tục sản xuất, ông nghĩ sao về vấn đề này?

– Vấn đề này đang được cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu để tìm ra giải pháp trong thời gian tới.

Trong xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 117/2009/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-3-2010 quy định 33 hành vi vi phạm, theo đó mức phạt tiền tăng cao gấp 7,5 lần so với mức phạt trong Nghị định 81/2006/NĐ-CP được Chính phủ ban hành năm 2006 quy định 25 hành vi vi phạm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới