Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vẫn còn người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 chưa được nhận hỗ trợ

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đến nay một số người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vẫn chưa được nhận hỗ trợ từ Chính phủ, theo ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội và các đại biểu Quốc hội đưa ra tại phiên họp ngày 12-9.

Ngày 12-9, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã họp phiên mở rộng thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội
Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Về nội dung hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết đã có 340.888 đơn vị sử dụng lao động được giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp, tương ứng với 11.822.638 người lao động; tính đến hết ngày 7-9-2022, đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho 13.261.552 lao động thuộc đối tượng hỗ trợ và có 33.470 người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện không nhận hỗ trợ.

Ông Thanh nói: “Đến nay việc xác định số giảm đóng cho các đơn vị sử dụng lao động thuộc đối tượng hỗ trợ và việc giải quyết hỗ trợ cho người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đề nghị hỗ trợ đã hoàn thành”.

Đưa ra ý kiến về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Xã hội và các đại biểu Quốc hội cho rằng, bên cạnh các địa phương triển khai nhanh chóng, kịp thời, một số địa phương vẫn còn thực hiện chậm. Đến nay một số người lao động vẫn chưa được thực hiện chính sách hỗ trợ, mặc dù đã hết thời hạn thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24-9-2021. Việc này đã làm mất đi tính cấp thiết, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ đối với một số người lao động ở thời điểm gặp khó khăn, cần được hỗ trợ.

Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng nêu một số bất cập trong triển khai thực hiện chính sách trên. Cụ thể, sau thời điểm hoàn thành việc hỗ trợ đối với người lao động, còn rất nhiều lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ đúng thời hạn theo quy định tại Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg nhưng chưa được chi trả – do số tiền chi trả hỗ trợ đã vượt mức kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân của hạn chế này là do đánh giá tác động khi xây dựng chính sách còn hạn chế. Trong quá trình xây dựng chính sách do các quy định về đơn vị sự nghiệp tự chủ rất phức tạp, nên khó xác định chính xác đối tượng được hưởng chính sách trong các đơn vị sự nghiệp.

Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu, công nghệ thông tin là cần thiết, quan trọng trong công tác xây dựng chính sách, xác định đối tượng hỗ trợ, triển khai chính sách kịp thời. Vì vậy, cần quan tâm, tăng cường đầu tư vào công nghệ thông tin, quản lý dữ liệu lao động việc làm, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp. Cần thúc đẩy công tác xây dựng các cơ sở dữ liệu để thực hiện công tác dự báo chính xác, nhanh và kịp thời.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới