Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vẫn còn tranh cãi việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vẫn còn tranh cãi việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em

Khánh Lan

(KTSG Online) – Cho đến nay, tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 18 tuổi do nhiễm virus SARS-CoV-2 là rất thấp so với người trưởng thành. Điều này đặt ra câu hỏi liệu trẻ em có cần tiêm vaccine Covid-19 hay không? Một số chuyên gia cho rằng để đạt được miễn dịch cộng đồng thì các nhóm dân số trẻ em, vốn chiếm một tỷ lệ khá lớn trong tổng dân số của mỗi nước, cũng cần phải tiêm vaccine Covid-19.

Vẫn còn tranh cãi việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em
Một bé gái 9 tuổi đang được tiêm liều vaccine Covid-19 thứ hai trong một cuộc thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ. Ảnh: Reuters

Canada, nước đầu tiên cấp phép tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em

Với hơn 1 tỉ liều vaccine Covid-19 đã được tiêm cho người trưởng thành trên khắp thế giới, cuộc tranh luận hiện nay quay trở lại câu hỏi: Liệu trẻ em có cần tiêm vaccine hay không và khi nào trẻ em mới được tiêm?

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo ở giai đoạn hiện nay, chưa nên tiêm chủng cho người dưới 16 tuổi vì các loại vaccine Covid-19 đã được cấp phép hiện hành chỉ mới thử nghiệm đầy đủ ở những nhóm người trưởng thành.

Tất cả nhà sản xuất vaccine trên thế giới đã thử nghiệm vaccine Covid-19 ở những người già lẫn người trẻ, bao gồm cả trẻ nhỏ trong một số trường hợp. Nhưng hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới chỉ mới cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 cho người trưởng thành.

Chẳng hạn, Mỹ cấp phép sử dụng vaccine Covid-19 của hãng dược Pfizer và hãng công nghệ sinh học BioNTech ở người 16 tuổi trở lên. Trong khi đó, 2 vaccine Covid-19 khác của hãng dược và công nghệ sinh học Moderna và hãng dược Johnson & Johnson được cấp phép sử dụng cho người từ 18 tuổi trở lên.

Hồi đầu năm, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép sử dụng vaccine Covid-19 của hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford cho người từ 18 tuổi trở lên.

Tuần trước, Canada trở thành nước đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 12-15 tuổi. Cơ quan sức khỏe liên bang Canada đưa ra quyết định này dựa trên kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech trong giai đoạn 3 với  sự tham gia 2.260 người tình nguyện từ 12-15 tuổi. Pfizer cho biết cuộc thử nghiệm cho thấy vaccine có hiệu quả 100% đối với trẻ em ở nhóm tuổi này.

Vẫn còn lo ngại về rủi ro cho trẻ em

Tuy nhiên, một loại câu hỏi liên quan đến vấn đề đạo đức trong việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em đang châm ngòi một cuộc tranh luận gay gắt. Cách mà các chính phủ phản ứng sẽ là yếu tố quan trọng trong việc quyết định ai là những người sẽ nhận được 1 tỉ mũi tiêm vaccine Covid-19 tiếp theo.

Phần lớn các cuộc tranh luận liên quan đến rủi ro mà Covid-19 gây ra cho trẻ em. Tại Mỹ, có 332 người dưới 18 tuổi đã chết vì Covid-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu, thấp hơn rất nhiều so với 560.000 ca tử vong ở người lớn, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).

Sự chênh lệch này cũng thể hiện rõ ở Anh và xứ Wales, nơi 37 người dưới 20 tuổi đã tử vong vì virus SARS-CoV-2  so với hơn 130.000 ca tử vong ở người lớn.

Anthony Harnden, giáo sư tại Đại học Oxford, người tư vấn cho chính phủ Anh về chính sách vaccine cho biết: “Bạn sẽ tiêm chủng cho trẻ em không phải vì lợi ích của chúng mà vì lợi ích của phần còn lại của xã hội. Đó là một vấn đề thực sự phức tạp”.

Sự hoài nghi về vaccine Covid-19, vốn đã gây khó khăn cho một số chiến dịch triển khai tiêm vaccine này trên toàn thế giới, sẽ càng tăng cao khi các bậc cha mẹ còn hoài nghi về vaccine được yêu cầu đồng ý tiêm chủng cho con cái của họ.

Việc tiêm chủng hàng loạt ngay lập tức cho trẻ em ở các nước phát triển cũng sẽ gây ra áp lực lớn đối với nguồn cung cấp vaccine Covid-19, có thể gây trì hoãn cho các chiến dịch triển khai tiêm chủng cho hàng loạt người lớn dễ bị tổn thương trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước nghèo và đang phát triển.

Tại Mỹ, nơi đã tiêm chủng khoảng 250 triệu liều, có khoảng 74 triệu trẻ em dưới 18 tuổi chưa được tiêm vaccine Covid-19. Nếu mỗi trẻ ở Mỹ cần phải được tiêm hai mũi vaccine Covid-19 trong thời gian tới thì tổng lượng liều tiêm vaccine dành cho phần còn lại của thế giới sẽ bị hao hụt 150 triệu liều. Trong khi đó, cho đến nay, toàn châu Phi chỉ mới nhận được 32 triệu liều vaccine Covid-19 cho 1,2 tỉ dân sống ở 54 nước.

Andrew Pollard, trưởng nhóm nghiên cứu vaccine Covid-19 của Đại học Oxford, cho biết các lợi ích tiềm năng của việc tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em vẫn đang được đánh giá. Ông nói: “Thực tế là chúng ta có rất nhiều người lớn trên khắp thế giới đang đối mặt rủi ro và họ là những người cần được ưu tiên”.

Cần tiêm chủng cho trẻ em để đạt miễn dịch cộng đồng

Bất chấp các hoài nghi trên, một số nước đang thúc đẩy tiêm chủng cho trẻ em dưới 12 tuổi, một phần là vì họ muốn nhanh chóng đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng để đưa cuộc sống trở về bình thường. “Trẻ em thực sự đang bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và có thể phát triển các triệu chứng nặng. Nếu muốn đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng nhanh chóng và bền vững, bạn không thể không tiêm vaccine Covid-19 cho nhóm dân số trẻ em”, Inci Yildirim, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa ở Đại học Yale, nói.

Robert Frenck, trưởng nhóm giám sát thử nghiệm vaccine Covid-19 của Pfizer/ BioNTech cho trẻ em dưới 12 tuổi ở Trung tâm y khoa bệnh viện nhi Cincinnati (Mỹ), kỳ vọng trẻ em dưới 12 tuổi ở Mỹ sẽ được tiêm chủng trước thời điểm khai giảng năm học mới vào tháng 9 tới. Stéphane Bancel, Giám đốc điều hành hãng dược phẩm và công nghệ sinh học Moderna, cho biết các dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm vaccine Covid-19 ở nhóm trẻ em từ 12-17 tuổi sẽ được nộp cho giới chức trách ở Mỹ cuối tháng 6 tới.

Cơ quan dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) đã lên kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em trung học cơ sở nhưng chính phủ Anh chưa đưa ra quyết định cuối cùng về kế hoạch này.

Các hãng dược phẩm nhấn mạnh vấn đề an toàn là điều quan trọng hàng đầu khi thử nghiệm vaccine Covid-19 ở trẻ em. Hồi tháng 4, đội ngũ phát triển vaccine Covid-19 của AstraZeneca/Oxford đã phải dừng các cuộc thử nghiệm ở trẻ em ở Anh giữa lúc các cơ quan quản lý đang điều tra các biến cố máu vón cục ở người lớn sau khi tiêm vaccine Covid-19 của họ.

Nhiều chuyên gia cho rằng không thể đánh bại đại dịch Covid-19 nếu như không có một cuộc vận động tiêm chủng vaccine rộng rãi trên toàn cầu cho tất cả các nhóm người dân bao gồm trẻ em. “Chừng nào virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan, rủi ro xuất hiện các biến chủng mới vẫn hiện hữu. Vì vậy, chúng ta cần tiêm chủng cho càng nhiều người dân trên thế giới càng tốt”, Kawsar Talaat, giáo sư trợ lý ở Trường Y tế cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg School, nói.

Pfizer kỳ vọng Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 của hãng này, có tên gọi BNT162b2, cho trẻ từ 12-15 tuổi ở Mỹ sớm nhất là trong tuần này. Nhóm trẻ em này khoảng gần 17 triệu người, chiếm 5% dân số Mỹ. 

Pfizer cũng cho biết vào tháng 9 tới sẽ đề nghị FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine BNT162b2 cho trẻ từ 2-11 tuổi. Ngoài ra, Pfizer đang đề nghị EMA cấp phép sử dụng vaccine BNT162b2 cho trẻ em trên 12 tuổi ở châu Âu.

Albert Bourla, Giám đốc điều hành Pfizer, cho hay công ty ông có thể xin cấp phép sử dụng vaccine BNT162b2 cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến 2 tuổi ở Mỹ vào quí 4 năm nay.

Hôm 6-5, Moderna cho biết kết quả thử nghiệm lâm sàng lần thứ nhất cho thấy vaccine Covid-19 của hãng này đạt hiệu quả ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 ở mức 96% ở nhóm trẻ em từ 12-17 tuổi. Các tác dụng phụ được ghi nhận sau mũi tiêm đầu tiên chỉ ở mức từ nhẹ đến vừa, phổ biến nhất là đau nhức ở điểm tiêm. Ở mũi tiêm thứ hai, tác dụng phụ bao gồm đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, ớn lạnh, tương tự như những tác dụng phụ ở những người trưởng thành.

Hồi tháng 3, Moderna cũng đã tiến hành thử nghiệm vaccine Covid-19 ở trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 11 tuổi.


 

Theo Financial Times, AFP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới