Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vận hành trung tâm đào tạo điện tử quốc tế tại TPHCM

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tại Khu công nghệ cao TPHCM ngày 25-3 khánh thành Trung tâm đào tạo điện tử quốc tế (IETC) tập trung đào tạo nhân lực thiết kế, vận hành các nhà máy sản xuất điện tử, vi mạch theo chuẩn quốc tế IPC.

Ký kết hợp tác giữa Khu Công nghệ cao TPHCM với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia thành lập trung tâm đào tạo điện tử quốc tế – Ảnh: Cổng thông tin UBND TPHCM

Cổng thông tin UBND TPHCM cho biết, tại Khu công nghệ cao ngày 25-3, TPHCM đã khánh thành Trung tâm đào tạo điện tử quốc tế (IETC) có nhiệm vụ đào tạo nhân lực trong lĩnh vực vi mạch theo chuẩn quốc tế International Process Control (IPC) được áp dụng rộng rãi bởi các tập đoàn công nghệ trên thế giới.

IETC sẽ tổ chức các chương trình đào tạo quản lý, vận hành nhà máy sản xuất điện tử, vi mạch. Người học là các kỹ sư làm việc tại doanh nghiệp, cử nhân, doanh nhân, người khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch…

Chương trình đào tạo do các chuyên gia người Việt Nam làm việc lâu năm tại các tập đoàn điện tử lớn ở thung lũng Silicon, Mỹ thiết kế và trực tiếp giảng dạy. Hoạt động đào tạo thực hiện theo chủ trương không vì lợi nhuận nhằm thúc đẩy hệ sinh thái ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn của TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Theo TTXVN, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ ngành điện tử và vi mạch bán dẫn luôn là một trong những định hướng ưu tiên của Việt Nam trong thời gian qua. IETC được mong đợi sẽ đào tạo nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn góp phần thực hiện khát vọng Việt Nam trở thành trung tâm thiết kế vi mạch của khu vực và thế giới.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, công nghiệp điện tử, vi mạch là một ưu tiên tập trung phát triển của thành phố, vì thế TPHCM chọn cách tiếp cận đột phá đi thẳng vào thiết kế sản phẩm, chip bán dẫn và đã có sự chuẩn bị thể chế, chính sách, cơ sở vật chất, nhân lực… Chủ tịch UBND thành phố đánh giá cao vai trò của các chuyên gia, doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài đã quay trở về đóng góp cho sự phát triển nguồn nhân lực vi mạch trong nước.

Người đứng đầu chính quyền TPHCM cho biết, thành phố đang đề nghị Quốc hội có nghị quyết về cơ chế đột phá phát triển dự kiến được bàn bạc và thông qua tháng 5 này, trong đó có nội dung liên quan trực tiếp tới phát triển công nghiệp điện tử, vi mạch. Ông cho rằng, mô hình đào tạo của IETC rất quan trọng và nên có kết nối với các cơ sở đào tạo của TPHCM để chia sẻ kinh nghiệm giúp nâng cao hiệu quả đào tạo. Song song đó, thành phố tiếp tục rà soát chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư, trong đó có cả doanh nghiệp khởi nghiệp, hoạt động ươm tạo doanh nghiệp trong ngành vi mạch.

Tại lễ khánh thành, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết đã trình Chính phủ ban hành các chính sách hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện ưu tiên đầu tư vào phát triển các sản phẩm công nghệ cao, trong đó có vi mạch điện tử và chip bán dẫn. Bộ sẽ sớm bổ sung các ưu đãi đặc biệt cho các dự án công nghệ cao quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, bao gồm các dự án sản xuất chip trong các luật đầu tư, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tháng 8-2022, Khu công nghệ cao TPHCM đã thành lập trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch (SCDC) với 30 licent phầm mềm do công ty Synopsys tài trợ trong 3 năm trị giá hàng chục triệu đô la để phục vụ đào tạo thiết kế vi mạch. Như vậy, SCDC và IETC hợp thành hệ sinh thái tại Khu Công nghệ cao, góp phần trực tiếp vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hai công đoạn ưu tiên phát triển của Việt Nam trong các ngành điện tử, vi mạch là thiết kế và ứng dụng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới