Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Văn hóa, giáo dục phải là nền tảng của phát triển

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Văn hóa, giáo dục phải là nền tảng của phát triển

Nguyễn Vinh

Văn hóa, giáo dục phải là nền tảng của phát triển
Bà Nguyễn Thị Bình trao giải văn hóa Phan Châu Trinh cho các học giả. Ảnh: Nguyễn Vinh

(TBKTSG Online) – Tối qua, 24-3-2015, Ban tổ chức Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần 8 (năm 2015) đã vinh danh 5 gương mặt và nhóm hoạt động chuyên môn có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực văn hóa giáo dục, nghiên cứu, dịch thuật và Việt Nam học.

Đêm trao giải kéo dài trong gần 4 tiếng, tại khách sạn Caravelle, TP.HCM với hơn 500 khách dự.

Năm nay, giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh đã vinh danh nhà nghiên cứu độc lập Phạm Hoàng Quân (ở hạng mục Nghiên cứu với những công trình nghiên cứu xuất sắc về biển Đông), dịch giả Nguyễn Nghị (hạng mục Dịch thuật vì những thành công trong việc chuyển ngữ nhiều tác phẩm kinh điển), nhà nghiên cứu người Mỹ Keith Weller Taylor (thuộc hạng mục Việt Nam học vì những đóng góp trong nghiên cứu truyền bá lịch sử – văn hóa Việt Nam). Ở hạng mục Vì sự nghiệp Văn hóa – Giáo dục, giải được trao cho nhạc sư 98 tuổi Nguyễn Vĩnh Bảo vì những thành tựu trong sưu tầm, sáng tạo, truyền bá âm nhạc truyền thống Nam Bộ và nhà giáo Phạm Toàn cùng nhóm Cánh Buồm vì những hoạt động góp phần canh tân giáo dục.

Ngoài phần vinh danh những sự nghiệp của người nay, thì lần đầu tiên, ở kỳ giải lần 8 này, Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh cũng tôn vinh ba danh nhân văn hóa trong “Ngôi đền văn hóa Việt Nam hiện đại”: Trương Vĩnh Ký, Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu. Theo ban tổ chức, Ngôi đền tinh hoa văn hóa Việt Nam thời hiện đại được thiết lập dưới dạng online. Tên gọi “Ngôi đền văn hóa Việt Nam hiện đại” lấy cảm hứng từ biểu tượng Điện Pathéon (Pháp);  xây dựng như một kho dữ liệu nghiên cứu trên mạng về cuộc đời, sự nghiệp cùng trước tác của các danh nhân được tôn vinh, qua đó, làm lan tỏa những giá trị tinh hoa họ để lại đến với cộng đồng xã hội hôm nay và tương lai.

Trong tham luận của các tác giả nhận giải lần này, đa số đều nêu bật những thôi thúc từ thực tế rất thời sự của đất nước để từ đó có những nỗ lực lớn, tạo ra các giá trị cho khoa học nghiên cứu lẫn thực hành ở từng lĩnh vực.

Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân trong bài phát biểu đã chia sẻ những ưu tư về việc nghiên cứu biển đảo tại Việt Nam hiện nay chưa phát triển bài bản như những nước chung quanh, đặc biệt là Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Vinh

Trong bài phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, đại diện Ban tổ chức Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh nhắc đến những sự kiện thời sự xã hội đầu 2015 như bạo lực học đường hay nạn tham ô giả dối bị bao che… khiến bà thấy lo lắng. Với bà: “Thiếu giáo dục và văn hóa là thiếu nền tảng văn minh và dân chủ, cho nên phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa. Và việc vinh danh những giá trị, đóng góp cho phát triển văn hóa, giáo dục đất nước rất cần được thực hiện và làm lan tỏa các giá trị đó mạnh mẽ hơn”

Sau 8 lần giải, đã có 33 gương mặt được vinh danh, giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh có thể xem là giải học thuật hiếm hoi trong thời điểm này được học giới quan tâm, chờ đợi hàng năm.

Xem thêm:

Người nhìn thấy “ngoại lệ Việt Nam”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới