Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Văn hóa nước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Văn hóa nước

Dương Văn Ni

Rước dâu trên sông. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

(TBKTSG) – Mùa mưa đến, chuyện sạt lở bờ sông ắt sẽ xảy ra. Có người thắc mắc vì sao bờ sông bờ kênh nguy hiểm vậy mà người ta vẫn cứ cất nhà? Lý do thì có nhiều như không còn đất để ở, là nơi thuận tiện làm ăn mua bán, là nơi đã sinh sống lâu đời nên quen đất quen nước… Nhưng xem ra còn có những lý do sâu xa khác mà đôi khi chúng ta chưa hiểu được cặn kẽ, đó là “văn hóa nước”!

Người dân ở ĐBSCL, từ lúc mở mắt chào đời là đã thấy nước, khi lẫm đẫm tập đi là đã biết tìm chỗ “vọc nước”. Tuổi thơ của không ít người vẫn còn in đậm dấu những kỷ niệm với nước, như tắm sông, tắm mưa hay thả tàu giấy…

Lớn lên, nhiều người đã biết phụ giúp gia đình chọn con nước lớn, nước ròng để khua mái chèo đi đây đi đó, để mang gàu vai đi tưới ruộng gò hay đơn giản là ngồi ở bờ sông ngắm vầng trăng vỡ vụn mỗi khi cá quẫy mồi câu. Rồi có không ít cô dâu khi về nhà chồng phải ngồi ghe chèo hàng giờ trên sông nước. Cũng có nhiều chú rể nhấp nha nhấp nhổm lo con nước lớn đến chậm sẽ làm trễ nải giờ rước cô dâu!

Sông nước còn là nơi tụ họp của cộng đồng để mua bán và dần dà hình thành những chợ nổi. Vì vậy, nơi nào có nhiều kênh rạch gặp nhau là nơi đó có chợ, như chợ Ngã Bảy. Nơi nào sông, lộ gặp nhau cũng biến thành chợ. Đi dọc theo các con đường ở ĐBSCL, họp chợ ngay dưới dốc cầu là điều dễ gặp!

Từ bao đời, người dân ĐBSCL xem nước và đất là một. Nơi nào có đất, có nước là có người cất nhà. Các hoạt động đi lại, buôn bán, chuyên chở, bắt tôm cá diễn ra sôi động trên sông rạch cũng như trên đất liền.

Vì vậy, đi đâu cũng thấy nhà cửa cất san sát dọc theo sông rạch, kênh đào. Nơi nào mùa nước nổi không ngập sâu thì cất nhà trệt, nơi nào ngập sâu thì cất nhà sàn. Ghe xuồng đậu ngay dưới sàn nhà vừa tiện cho việc đi lại vừa để tránh mưa tránh nắng.

Sở dĩ nước thân thiện với con người và con người không sợ nước là vì nước mang lại cho họ vô số dịch vụ miễn phí, từ nước để sinh hoạt hàng ngày đến nước dùng để trồng lúa, rau màu, cây ăn trái, nuôi vịt nuôi gà, nuôi cá, nuôi tôm…, cả việc tẩy chua rửa mặn cho ruộng đồng, ao hồ, chuồng trại.

Những khi ưu tư phiền muộn, những lúc làm ăn thất bát hay con cái thường xuyên ốm đau, người ta cũng nhờ dòng nước mang đi những điều xui xẻo. Đồ cúng kể cả nhang đèn đều đặt trên một cái bè làm bằng thân cây chuối có trang trí xanh đỏ cờ hoa, rồi đem thả xuống sông, gọi là cúng hà bá!

Và sự hòa quyện giữa đất – nước – con người qua hàng trăm năm đã ngấm sâu vào máu thịt người dân ở ĐBSCL tạo cho họ bản chất tự do, nghị lực bền bỉ và tinh thần bất khuất. Kinh nghiệm sống quý báu đã được người xưa đúc kết và truyền lại cho con cháu qua những thành ngữ đậm tính dân gian như “nước chảy đá mòn” hay “tức nước vỡ bờ”, mang đậm triết lý giáo dục con người trong tu luyện bản thân, xử sự đối với người khác cũng như đối với thiên nhiên.

Mặc dù chúng ta đang sống trong thời đại công nghiệp, nhưng xem ra, văn hóa nước vẫn còn nguyên giá trị.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới