Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Văn hóa tự “phòng vệ” của Nhật Bản thời Covid

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Văn hóa tự “phòng vệ” của Nhật Bản thời Covid

Phan Nhật (Yokohama, Nhật Bản)

(TBKTSG) – Yokohama đã đón chào ngày đầu tiên của tháng 2 bằng tin tức một hành khách trên tàu Diamond Princess nhiễm Covid-19. Nhật Bản loan tin, và cảnh báo, nhưng xem chừng không nhanh chóng chặn dịch ngay từ đầu như Việt Nam.

Nhật ký những ngày 'phong tỏa' ở Pháp

Nghịch lý cách ly xã hội

Ở thời điểm đó, con số hơn 700 ca nhiễm SARS-CoV-2 từ tàu Diamond Princess được nơi này nơi kia gộp vào chỉ có thể làm tăng thêm đôi chút mức độ lo lắng về sự lây lan của dịch Covid-19 trong đất liền. Là nước đầu tiên ngoài Trung Quốc có ca nhiễm, so với mức độ lan rộng ở Ý, Đức, và các nước Âu châu khác, số lượng ca nhiễm tăng thêm mỗi ngày chỉ vượt con số 10 có vẻ chưa làm Nhật Bản quá nôn nóng.

Tình hình chỉ trở nên cam go hơn khi tuần đầu tiên của tháng 3 đi qua. Số lượng ca nhiễm mỗi ngày liên tục nhân đôi, từ hơn 30 ca, rồi 60 ca, và hơn 100 ca. Trước tình thế đó, Nghị viện Nhật Bản cũng đã kịp thông qua luật sửa đổi cho phép Thủ tướng Abe Shinzo được quyền ban bố tình trạng khẩn cấp khi đủ điều kiện hôm 12-3.

Giờ thì mỗi ngày Nhật Bản nhận diện khoảng 200 ca nhiễm mới, dù thời tiết đã ấm dần và mùa xuân bắt đầu từ giữa tháng. Có điều, hoa đào thì nở, dân tình thì có thêm lý do… vượt rào, tụ tập. Tokyo có vẻ vẫn còn… bình thản trước những cảnh báo của chính quyền cho đến khi sau đó, nơi này trở thành cái tên dẫn đầu mỗi ngày, và đang đối mặt với một lệnh giới nghiêm có thể được đưa ra bất cứ lúc nào.

Đến nay, bảo bối ban bố tình trạng khẩn cấp này vẫn được ông Abe giữ chặt, ngay cả trong những ngày Hokkaido “rúng động”. Thay vào đó, ông không ngừng phát đi cảnh báo mạnh mẽ mỗi ngày. Thậm chí, sau lần đề nghị gần nhất, Ban tổ chức quốc tế cuối cùng cũng đã quyết định dời Olympic 2020 sang năm 2021, sau vài ngày lưỡng lự, dù hàng loạt sự kiện văn hóa – thể thao lớn khác trên thế giới đã phải hoãn lại. Có vẻ đó là một quyết định an toàn, vì sau đó mỗi ngày Nhật Bản có trung bình thêm 100 ca nhiễm bệnh như đã nói.

Có thể thấy, Nhật Bản có chính sách khá mở trong hơn một tháng đồng hành với dịch. Khác với Việt Nam, số ca nhiễm được phát hiện ở Nhật Bản cho đến thời điểm này là số ca… bị động. Nhật Bản cảnh báo, nhưng không triển khai truy tìm tận gốc các trường hợp tiếp xúc F2, F3 để khoanh vùng, cách ly. Ý kiến cho rằng số ca nhiễm thực tế có thể sẽ còn tăng nhanh là vì vậy.

Vậy nên, tự “phòng vệ” của bản thân mỗi người đóng vai trò quyết định. Văn hóa Nhật tiếp tục tạo ra giá trị. Thói quen giữ gìn bản thân, không tạo ra tiếng ho húng hắng nơi công cộng là một lợi thế. Kinh nghiệm sống chung với sự cố của dân chúng có thể gia giảm sự lo toan cho chính quyền.

Khác với người dân nhiều nước Tây Âu, người Nhật Bản luôn sẵn sàng đeo khẩu trang (y tế) khi cần, kể cả khi tham dự sự kiện quan trọng. Có điều, như nhiều nước, Nhật thiếu khẩu trang trầm trọng. Chính phủ không ra lệnh cấm, nhưng siêu thị thì sẵn sàng cung ứng mỗi khi có hàng, và giá cả gần như không tăng. Nếu có, cũng không đáng kể.

Không biết, liệu tình hình căng thẳng kéo dài, người Nhật có tìm đến khẩu trang… vải như người Việt không? Nhưng người Việt tại Nhật thì chắc hẳn đã làm quen với văn hóa Nhật trong ứng phó khó khăn, đợi chờ ngày sáng sủa hơn đôi chút.

Thực tế, Nhật Bản quyết định đóng cửa một phần biên giới khá chậm. Lượng du khách từ Trung Quốc dừng nhập cảnh vào Nhật ở thời điểm đầu không phải từ phía Nhật mà do lệnh cấm xuất ngoại từ phía Trung Quốc. Những “phản ứng” với Hàn Quốc cũng chỉ xuất hiện khi quốc gia này có lệnh chặn du khách Nhật ở thời điểm dầu sôi lửa bỏng.

Đến nay thì Nhật Bản đã đưa ra một danh sách các quốc gia bị hạn chế nhập cảnh vào Nhật. Và Mỹ cũng vừa được liệt kê vào danh sách này từ đầu tuần.

Lệnh đóng cửa trường tiểu học và phổ thông cũng chỉ đưa ra sau này. Riêng trường mẫu giáo thì phải mở cửa liên tục. Có vẻ khác với tiếp cận giáo dục ở Việt Nam, giáo dục mầm non ở Nhật mang tính nền tảng, ít nhất là tiền đề để bảo đảm điều kiện “cung ứng”… cha mẹ cho thị trường lao động. Trên thực tế, nếu cần, cha mẹ cũng có thể gửi con đến trường tiểu học trong những ngày trường đóng cửa để có thể tiếp tục công việc.

Điều đó cho thấy phần nào những đắn đo của Nhật Bản và chính phủ nước này trước các hoạt động kinh tế. Đương nhiên, các gói hỗ trợ cũng đã được Thủ tướng Abe Shinzo úp mở, dự kiến có thể cao hơn cả gói hỗ trợ trong cuộc khủng hoảng năm 2008. Ngoài các siêu thị, tiệm thuốc, cửa hàng tiện lợi tiếp tục hoạt động, các cơ sở kinh doanh còn lại có thể tự mình quyết định đóng cửa khi vắng khách.

Điều này hẳn nhiên ảnh hưởng đến lực lượng lao động ăn lương theo giờ. Thực tế thì lao động Việt tại Nhật thuộc nhóm này chiếm tỷ lệ không nhỏ. Bị thu hẹp, thậm chí dừng việc làm kéo dài một đến vài tháng là một tín hiệu không mấy tươi sáng.

Thay vì chờ đợi để có thể nhận được 10.000 yên (khoảng 2 triệu đồng) hỗ trợ của chính phủ như thông tin phát đi trước đây, mỗi người Việt có thể phải nhìn vào khoản tiết kiệm khả dĩ. Có vẻ, cả người Nhật và người Việt đều có thói quen tích cóp như vậy. Hy vọng, thói quen này đúng dịp đúng lúc phát huy tác dụng!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới