Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vẫn ít người học nghề

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vẫn ít người học nghề

Hồ Hùng

Người lao động học nghề đan lục bình tại một doanh nghiệp ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

(TBKTSG) – Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua ba năm thực hiện Quyết định số 20 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục và đào tạo vùng ĐBSCL đến năm 2010, số lao động qua đào tạo nghề và trung cấp chuyên nghiệp ở vùng này chỉ đạt 17,24% so với kế hoạch đề ra là 23%.

Không phải không có những đầu tư cho đào tạo nghề, bởi theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), riêng ngân sách trung ương đã hỗ trợ 508 tỉ đồng trong giai đoạn 2006-2009 thông qua dự án “Tăng cường năng lực dạy nghề”.

Ngoài ra, còn 100 tỉ đồng thông qua dự án Giáo dục kỹ thuật dạy nghề từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và 4,8 triệu đô la Mỹ đầu tư cho trường Cao đẳng nghề Việt – Hàn Cà Mau…

Đó là chưa kể phần đầu tư riêng của nhiều doanh nghiệp và tổ chức trong vùng để nâng số lượng cơ sở dạy nghề tư thục từ 102 lên 124 cơ sở vào năm 2008.

Tính đến cuối năm 2008, toàn vùng ĐBSCL đã có thêm 29 trường cao đẳng, trung cấp và trung tâm dạy nghề, nâng tổng số cơ sở dạy nghề của khu vực lên con số 312. Số giáo viên giảng dạy theo đó cũng tăng 134% so với hồi cuối năm 2005. Và theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, mạng lưới cơ sở dạy nghề về cơ bản đã đáp ứng được chỉ tiêu theo Quyết định 20 của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ có điều, số lao động qua đào tạo trên thực tế vẫn không đạt kế hoạch đề ra!

Do tâm lý!

“Một số trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề rất khó tuyển sinh do thanh niên sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học chỉ thi vào các trường đại học, cao đẳng! Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn rất phổ biến”, ông Lê Thanh Xuân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, thừa nhận. Theo ông, có khá nhiều nguyên nhân, nhưng nổi bật nhất chính là do nhận thức của chính lực lượng lao động.

“Người lao động chưa mặn mà với chuyện học nghề”, ông nói. Ông Lê Minh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang kiêm Hiệu trưởng trường Đại học An Giang, dẫn chứng thêm rằng cũng do nhận thức về việc học nghề chưa cao nên hàng năm số học sinh tuyển vào các trường nghề của An Giang chỉ đạt 50-60% so kế hoạch đề ra. “Chất lượng đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, hướng nghiệp ở các trường trung học còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội”, ông nói. 

Chính tâm lý chăm bẵm vào các trường đại học, cao đẳng của đa số thanh niên đã khiến các trường dạy nghề trở thành đích nhắm thứ yếu. Điều này đã sinh ra nghịch lý.

Theo ông Vương Bình Thạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, “ĐBSCL có khoảng 85.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo và có tay nghề chuyên môn là rất lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao vì phần lớn lực lượng lao động tại các địa phương hiện đang thiếu trình độ văn hóa lẫn tay nghề. Nguồn nhân lực đang thừa lượng, thiếu chất và đây là một trong những trở lực khiến nền kinh tế khu vực chậm phát triển”.

Thậm chí, nhiều thanh niên vẫn duy trì quan niệm, dại gì bỏ công sức, tiền của đi học nghề, sau đó đi làm việc tại các doanh nghiệp thì cũng được đối xử không khác gì lao động phổ thông, bởi họ không có bằng đại học, cao đẳng!

Thực tế, theo ông Trịnh Minh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Minh Tú (Cần Thơ), nếu như lao động phổ thông tại công ty chỉ có mức lương bình quân 1,8 triệu đồng/tháng thì một lao động qua đào tạo nghề hai năm, vừa tốt nghiệp được trả lương đến 2,1 triệu đồng/tháng, cộng thêm nhiều đãi ngộ.

Cũng do chính phía dạy nghề

Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận, ngay cả phía tổ chức thực hiện, tuyên truyền công tác dạy nghề là UBND các cấp, nhiều cán bộ trong vùng cũng coi dạy nghề chỉ là cứu cánh tạm thời chứ không phải là vấn đề cần quan tâm thường xuyên, liên tục và có hệ thống. Do vậy, kế hoạch dạy nghề gắn với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội chưa được chú trọng.

Tuy nhiên, một phần cũng do nhiều lao động ở nông thôn vì khó khăn kinh tế, xa các trung tâm dạy nghề nên không tham gia các khóa đào tạo. Nhưng cơ chế, chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn cũng còn nhiều bất cập như bị giới hạn về đối tượng, thời gian đào tạo, mức hỗ trợ chi phí đào tạo thấp, chính sách tín dụng còn thiếu khuyến khích…

Theo Bộ LĐ-TB&XH, một phần hạn chế khác là từ chính các cơ sở dạy nghề do diện tích đất đai, nhà xưởng chưa phù hợp quy mô đào tạo, trang thiết bị đào tạo thiếu và lạc hậu, đội ngũ giảng viên vừa thiếu vừa yếu khiến nhiều học viên nản lòng. Đồng thời, thông tin thị trường lao động, việc làm chưa đầy đủ khiến người lao động cũng lúng túng trong việc lựa chọn nghề, tìm kiếm việc làm sau đào tạo nên đã tạo tác động “dây chuyền” đến tâm lý những người muốn học nghề sau này.

Nếu như có sự gắn kết tốt giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề, cũng như quy định một số nghề phải qua đào tạo và có chứng chỉ, bằng cấp mới được hành nghề hoặc được tuyển dụng vào làm việc thì có lẽ tình hình sẽ phần nào được cải thiện.   

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới