Vẫn khó quản lý lao động nước ngoài
Thanh Thương
![]() |
Đại diện một doanh nghiệp có ý kiến về cấp giấy phép lao động trong cuộc gặp giữa Sở Lao động Thương binh Xã hội TPHCM với các doanh nghiệp châu Âu ngày 3-6 vừa qua. Ảnh: Thanh Thương |
(TBKTSG Online) – Việc quản lý lao động nước ngoài lỏng lẻo đã được báo chí nhắc đến rất nhiều trong những năm qua, tuy vậy cho đến nay, việc có được con số thống kê cụ thể và những biện pháp mạnh từ các cơ quan quản lý thì vẫn chưa có.
Tại một vài hội thảo gần đây về quản lý lao động nước ngoài được tổ chức tại TPHCM, khá nhiều ý kiến đã nhận định về thực trạng nói trên.
Chỉ mới dùng biện pháp hành chính
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Trưởng phòng Lao động Thương binh Xã hội quận 12 (TPHCM), trong hơn 100 yêu cầu mà phòng gửi đến cho các doanh nghiệp trên địa bàn quận để tìm hiểu tình hình sử dụng lao động nước ngoài thì không có phiếu nào phản hồi. Bà cho rằng dù rất bức xúc nhưng vì không có chế tài cho doanh nghiệp nếu họ không báo cáo nên quận cũng không thể làm gì.
Theo ông Nguyễn Thành Hưu, Trưởng phòng Lao động Thương binh Xã hội quận 7, cơ quan lao động quận cũng nhiều lần đến doanh nghiệp kiểm tra nhưng doanh nghiệp không đồng ý. Lý do là vì cán bộ ngành không đủ thẩm quyền (chỉ có thanh tra Sở Lao động Thương binh Xã hội hoặc cơ quan Công an… mới có đủ thẩm quyền kiểm tra doanh nghiệp).
Theo đại diện của Phòng Lao động Thương binh Xã hội quận Bình Tân, chắc chắn việc chờ đợi những bản báo cáo là không thực tế. Và cũng vì không đủ thẩm quyền nên quận này đã kết hợp với Công an quận để thực hiện việc kiểm tra. Theo vị này thì đây là biện pháp để có được con số thống kê. Bình Tân hiện có 1.208 lao động nước ngoài nhưng chỉ có hơn 600 lao động là có giấy phép.
Tuy vậy, những trường hợp có con số cụ thể như Bình Tân là rất ít, vì vậy, ông Nguyễn Văn Xê, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội cho biết con số thống kê 16.200 lao động nước ngoài trên địa bàn TPHCM là con số lao động đã cấp phép, còn lại những lao động chưa được cấp phép thì sở không thể nắm được vì chính các cơ quan dưới quyền cũng không biết rõ.
Câu chuyện nắm con số lao động nước ngoài đã được nói đến rất nhiều trong vài năm qua. Tuy vậy, các biện pháp thực hiện vẫn là những đề xuất trong các hội thảo, trong các văn bản kiến nghị, còn thực hiện thì vẫn “giẫm chân tại chỗ”. Những trường hợp người giúp việc nhà cho các gia đình nước ngoài, những người châu Phi mở cửa hàng rất nhiều tại quận Tân Bình và Tân Phú không ai quản lý, và kể cả đối tượng dễ rà soát nhất là lao động tại các doanh nghiệp thì bản thân cơ quan lao động cũng không biết rõ.
Không chỉ không nắm được con số, việc cấp giấy phép lao động còn nhiều bất cập cũng khiến cho số lượng người được cấp phép quá thấp. Trong buổi gặp gỡ với Sở Lao động Thương binh Xã hội TPHCM gần đây, các doanh nghiệp châu Âu bức xúc về quy trình xin giấy phép lao động. Trong hồ sơ xin cấp phép đòi hỏi có những giấy tờ theo quy định của luật pháp Việt Nam nhưng phải do nước mà người lao động mang quốc tịch cấp. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho người lao động khi các cơ quan nước ngoài hoàn toàn không có chức năng cấp các loại giấy tờ này và nếu được cấp cũng mất nhiều thời gian để người lao động có đủ hồ sơ.
Thêm vào đó, làm việc từ 3 tháng trở lên thì người lao động mới cần xin giấy phép, vì vậy, hiện nay có tình trạng lao động phổ thông đến doanh nghiệp làm việc nhưng không ký hợp đồng để không phải xin giấy phép và cũng có hiện tượng lao động “nhảy việc”, tức làm ở công ty này 3 tháng rồi lại chuyển qua công ty khác để cơ quan quản lý khó “bắt giò”.
Chờ văn bản
Trong tháng 3 vừa qua, Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho biết đã có dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 34/2008/NĐ-CP về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam. Trong dự thảo này đã quy định chặt chẽ hơn việc quản lý lao động nước ngoài và dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7.
“Người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam mà chưa được cấp giấy phép lao động thì phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động theo quy định. Sau 06 (sáu) tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà không có giấy phép lao động thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Bộ Công an buộc xuất cảnh theo quy định của pháp luật”.
“Bộ công an không cấp thị thực cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên mà không có giấy phép lao động hoặc chưa gia hạn giấy phép lao động. Không gia hạn tạm trú và buộc xuất cảnh đối với các trường hợp người nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không được gia hạn giấy phép lao động”.
Những quy định trên sẽ có cơ sở cụ thể về luật cho các cơ quan lao động dễ dàng hơn trong việc thi hành các biện pháp đối với lao động trái phép. Tuy vậy trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng Cục việc làm, Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho biết hiện dự thảo này vẫn đang lấy ý kiến nhiều bộ, ngành, địa phương nên sẽ không thể ban hành vào ngày 1-7 như dự kiến.
Trong khi đó, tại TPHCM, Sở Lao động Thương binh Xã hội vừa tổ chức lấy ý kiến các sở, ban ngành, quận, huyện về dự thảo quy chế quản lý lao động nước ngoài trước khi trình lên Ủy ban Nhân dân thành phố. Tuy vậy, đến khi nào quy chế này có hiệu lực thì cơ quan lao động cho biết vẫn sẽ tiếp tục chờ.