Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vẫn khó xử lý doanh nghiệp vi phạm về môi trường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vẫn khó xử lý doanh nghiệp vi phạm về môi trường

Văn Nam

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH sản xuất – thương mại Việt Thắng Jean tại quận 9, TPHCM. Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM cho  biết, số lượng doanh nghiệp không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đang tăng lên đến mức lo ngại. Trong khi đó, các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm lại gặp nhiều khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường thành phố cho biết, qua lần kiểm tra đột xuất đối với các doanh nghiệp đã bị xử phạt vi phạm trên địa bàn quận 12, quận 9, và một số khu công nghiệp, có đến 10/23 trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt, vẫn tiếp tục xả nước thải và khí thải vượt tiêu chuẩn cho phép ra môi trường.

Trong sáng 11-8, Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường và các sở ngành liên quan của thành phố đã họp bàn biện pháp cưỡng chế việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND TPHCM đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Việt Thắng Jean.

Theo thanh tra sở, vào ngày 25-6, UBND TPHCM đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Việt Thắng Jean vì nhiều hành vi gây ô nhiễm, thế nhưng đến nay, doanh nghiệp này chưa chấp hành triệt để.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến của đại diện các sở, ngành cho rằng, biện pháp tốt nhất để cưỡng chế Việt Thắng Jean thi hành quyết định xử phạt là cắt điện đối với dây chuyền sản xuất gây ô nhiễm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tự Hùng, Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế, Công ty Điện lực TPHCM, dẫn chứng nhiều trường hợp trước đó, khi công ty điện lực chuẩn bị cắt điện, doanh nghiệp vi phạm ngay lập tức khiếu nại ngược lại. Doanh nghiệp cho rằng họ không vi phạm hợp đồng cung cấp điện, thế là ngành điện đành chịu.

Một đại diện của Sở Tư pháp thành phố cũng cho rằng, quan hệ giữa công ty điện lực và doanh nghiệp là quan hệ dân sự – kinh tế được thực hiện trên cơ sở hợp đồng, nên việc ngừng cung cấp điện còn phụ thuộc vào nội dung hợp đồng ký kết giữa hai bên.

Mặc dù vậy, trước thực tế ngày càng nhiều doanh nghiệp vi phạm môi trường và không chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan chức năng, Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường đã đưa ra kiến nghị Công ty Điện lực TPHCM cần mạnh dạn áp dụng hình thức cắt điện như UBND huyện Hóc Môn, Củ Chi hay trường hợp Công ty Điện lực Hiệp Phước đã áp dụng đối với Công ty Hào Dương năm 2008.

Kết luận cuộc họp, bà Dụ cho rằng, trong khi chưa tìm ra giải pháp khả thi, thanh tra sở sẽ chờ Việt Thắng Jean báo cáo kết quả khắc phục ô nhiễm, sau đó tiến hành tái kiểm tra, nếu tiếp tục vi phạm thì sẽ cương quyết cưỡng chế.

Trong khi đó, qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chiều 11-8, bà Vũ Thị Tâm, Phó tổng giám đốc Việt Thắng Jean cho biết cho đến thời điểm này, công ty đã gần như khắc phục hoàn toàn các công đoạn sản xuất xả nước thải gây ô nhiễm. Ngoài ra, công ty còn đang đầu tư khoảng 2 tỉ đồng để nâng công suất hệ thống xử lý nước thải từ 320 m3/ngày lên 720 m3/ngày, dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2009.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới