Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vẫn là khâu quản lý nhà nước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vẫn là khâu quản lý nhà nước

Sơn Nghĩa

(TBKTSG) – Việc các thương nhân Trung Quốc mua gom các mặt hàng nông sản của Việt Nam đưa qua các cửa khẩu biên giới ở phía Bắc trong nhiều tháng qua đã gây bất ổn nguồn cung trong nước. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hoạt động của các thương nhân Trung Quốc có dấu hiệu gian lận thương mại.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn “bình chân như vại” và hầu như chưa có một giải pháp nào cho vấn đề này. Mới đây, trả lời báo chí, một quan chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn đá quả bóng “thương nhân Trung Quốc” sang Bộ Công Thương. Vị này cho biết đã có báo cáo với Chính phủ về vấn đề này, và đã “trao đổi” với Bộ Công Thương, cùng các bộ, ngành khác rất nhiều lần. Đó là tất cả những gì các cơ quan chức năng đã làm và doanh nghiệp trong nước vẫn trong trạng thái… chờ. Nhưng chờ đợi đến bao lâu?

Thực tế pháp luật Việt Nam đã quy định rõ ràng về vấn đề này trong quy định buôn bán biên mậu. Theo đó, thương nhân nước ngoài vào Việt Nam mua hàng tiểu ngạch chỉ được mua hàng hóa ở khu vực hai bên biên giới tối đa là 2 triệu đồng miễn thuế/ngày. Chiếu theo quy định này, thương nhân Trung Quốc vào các tỉnh thành Việt Nam (chủ yếu qua đường du lịch) mua hàng với số lượng lớn đưa về Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Mặt khác, ở khâu hậu kiểm, hải quan ở các cửa khẩu có quyền không cho thông quan những lô hàng mà thương nhân Trung Quốc vào sâu trong nội địa Việt Nam để mua gom. Tại sao hải quan Việt Nam không làm được điều này, đó là câu hỏi cần sớm được trả lời.

Về nguyên tắc thương nhân Trung Quốc muốn mua hàng ở Việt Nam phải đăng ký thành lập doanh nghiệp, hoặc cơ quan đại diện thương mại. Nhưng cơ quan đại diện thương mại không có chức năng kinh doanh. Vì vậy, để mua hàng, các công ty Trung Quốc phải có chi nhánh ở Việt Nam. Nếu xét trên khía cạnh này, các thương nhân Trung Quốc mua hàng ở Việt Nam trong thời gian qua đã có dấu hiệu gian lận thương mại và có sự tiếp tay của các doanh nghiệp trong nước.

Nhiều chuyên gia cho rằng để hạn chế các mặt hàng nguyên liệu chế biến nông sản “chảy” qua Trung Quốc, Nhà nước cần tăng cường kiểm soát ở khu vực biên giới. Để đánh giá chính xác những ảnh hưởng và nguy cơ bất ổn của nền sản xuất trong nước, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những nghiên cứu, đưa ra số liệu thống kê về số lượng cũng như chủng loại mặt hàng, từng vụ mùa mà thương nhân nước ngoài mua ở Việt Nam. Trên cơ sở này, các cơ quan nghiên cứu, quản lý thương mại, các hiệp hội ngành nghề sẽ đưa ra những cảnh báo, chiến lược khi làm ăn với thương nhân Trung Quốc. Việc định hướng những chiến lược, dựa trên những số liệu thống kê, kinh nghiệm làm ăn với thương nhân Trung Quốc cũng cần được thông tin rộng rãi để người dân chủ động hơn.

PHẢI THAY ĐỔI ĐỂ SỐNG CÒN

Cách nay không lâu, Công ty Xuất nhập khẩu Thái Bình có đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hạn chế tư thương xuất khẩu heo sữa qua đường tiểu ngạch, để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu theo đường chính ngạch. Bộ đã trả lời: “Việc hạn chế tư thương xuất khẩu tiểu ngạch hàng hóa nói chung và xuất khẩu heo sữa nói riêng qua biên giới là rất khó khăn do công tác quản lý và không phù hợp với các hiệp định tạo hành lang pháp lý phát triển quan hệ thương mại và mậu dịch qua biên giới giữa hai nước”. Như vậy, vấn đề pháp lý ở đây đã tương đối rõ.

Trong cuộc cạnh tranh mua bán nông sản, thủy sản này, doanh nghiệp nghiệp Việt Nam rõ ràng đang ở thế yếu. Ở đây, chưa nói đến việc thương nhân Trung Quốc mua hàng và xuất khẩu qua đường tiểu ngạch thì sẽ lách được một số khoản thuế, chỉ riêng việc họ đến mua tận gốc rồi mang về bán tận ngọn, cũng đã là một lợi thế cạnh tranh không nhỏ. Bên cạnh đó, lãi vay tín dụng ở Trung Quốc thấp hơn nhiều lần so với ở Việt Nam hiện nay, là điều kiện vô cùng thuận lợi để họ nâng giá mua và kiểm soát toàn bộ nguồn cung cấp hàng ở Việt Nam. Đến một lúc nào đó, nếu thương nhân Trung Quốc không mua gom hàng nữa, thì hậu quả sẽ vô cùng tai hại cả với doanh nghiệp và người nông dân.

Không thể trách người nông dân vì ham lợi trước mắt nên bán sản phẩm cho Trung Quốc, mà các doanh nghiệp phải tự nhìn lại bản thân mình trước. Lâu nay, các doanh nghiệp có thực sự gắn bó với nông dân không, hay chỉ chăm chăm kiếm lợi trên mồ hôi, công sức của họ? Có lẽ, đã đến lúc doanh nghiệp phải nhìn lại và thay đổi cách cư xử của mình với nông dân, để đôi bên thực sự gắn kết chia sẻ lợi ích cũng như khó khăn.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần xem xét lại luật lệ và các chính sách thương mại để bảo vệ quyền lợi của người nông dân và doanh nghiệp trong nước. Trước mắt, có thể rà soát lại chính sách buôn bán tiểu ngạch để ngăn ngừa việc lạm dụng, xuất khẩu với số lượng lớn để lách thuế. Đồng thời cũng cần có chính sách thuế xuất khẩu nông sản linh hoạt và số tiền thuế thu được nên dành phần lớn để hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân.

Tấn Đức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới