Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vẫn lo ngại về thu hồi đất cho mục tiêu kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vẫn lo ngại về thu hồi đất cho mục tiêu kinh tế

Tư Hoàng

Vẫn lo ngại về thu hồi đất cho mục tiêu kinh tế
Các đại biểu vẫn tiếp tục nói về thu hồi đất cho mục tiêu kinh tế vốn gây nhiều bất ổn xã hội. Ảnh TL Quốc Hội.

(TBKTSG Online) – Các đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về việc thu hồi đất cho mục tiêu kinh tế – xã hội trong khi Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vẫn đề nghị giữ nguyên quy định này.

Tại phiên họp ngày 5-11 bàn về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về thu hồi đất như đã thể hiện tại điều 54 của dự thảo.

Khoản 3 Điều 54 quy định là "nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế xã hội. Việc thu hồi đất phải đảm bảo công khai, minh bạch, bồi thường theo đúng quy định của pháp luật".

Đại biểu Trần Đình Thu – Gia Lai nói: "Vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có nhiều ý kiến của cử tri là không có tính ổn định, do vậy quyền quan trọng của người dân phải được hiến định rất chặt chẽ nhằm tránh lạm dụng thu hồi tràn lan, vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của cá nhân".

Ông cho biết, qua tiếp xúc cử tri ông nhận thấy Khoản 3, Điều 54 quy định nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng an ninh, vì lợi ích quốc gia, công cộng là đủ.

"Chỉnh lý theo hướng này vừa gọn, vừa bao quát được nội hàm về kinh tế – xã hội trong lợi ích quốc gia, công cộng và phù hợp với quá trình hội nhập phát triển kinh tế đất nước", ông Thu giải thích.

Đại biểu Phan Văn Tường – Thái Nguyên cho rằng phải hiến định việc chỉ có nhà nước mới có quyền trưng dụng và thu hồi đất.

Ông giải thích: "Thu hồi đất là thu hồi tư liệu sản xuất, không rõ trách nhiệm thì dù hạn chế thu hồi, bức xúc không giảm mà chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác".

"Cử tri cho rằng xác định trách nhiệm là biện pháp hiệu quả nhất để hạn chế thu hồi và nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đất".

Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên – TP Hải Phòng cho biết vẫn còn băn khoăn việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Ông đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định việc thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế – xã hội.

Bên cạnh đó, ông Nhiên cho rằng, cần phải đảm bảo quyền và lợi ích của người dân khi bị thu hồi đất để tránh sự thiệt thòi cho người dân và giảm bớt đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân lên các cấp chính quyền.

Thu hồi đất đang là vấn đề xã hội rất lớn hiện này. Có tới 75% đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, đặc biệt việc thu hồi đất, giá đất, tái định cư, công ăn việc làm sau khi bị thu hồi đất.

Trong khi đó, sử dụng đất đai lại đang rất lãng phí, theo  Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang báo cáo với Quốc hội.

Có 8.161 tổ chức vi phạm, sử dụng đất lãng phí với diện tích 128.033,131 héc ta tại  tất cả các tỉnh thành tính đến giữa năm nay.

Ông cho biết, đã thu hồi đất của 819 tổ chức với 38.771 héc ta, trong đó có 161 cơ quan nhà nước với 275 héc ta, đang tiếp tục xử lý 1.547 tổ chức với diện tích 22.654 héc ta.

Tại phiên họp sáng 5-11, ông Lý đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về các thành phần kinh tế như dự thảo, có nghĩa sẽ giữ nguyên mục kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

ông Lý cho biết, qua thảo luận tại tổ, đa số ý kiến tán thành với quy định về thành phần kinh tế trong dự thảo, nhưng đề nghị phân biệt rõ giữa “kinh tế nhà nước” và “doanh nghiệp nhà nước”.

Hơn nữa, “kinh tế nhà nước” là một khái niệm rộng, chứ không đồng nhất kinh tế nhà nước với doanh nghiệp nhà nước. Việc quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” không mâu thuẫn với nguyên tắc bình đẳng và cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế. 

Hầu hết các ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận về sửa đổi Hiến pháp hôm 5-11 không còn bàn về điều này nữa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới