Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vẫn loay hoay hạn chế xe cá nhân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vẫn loay hoay hạn chế xe cá nhân

Một góc vỉa hè của đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa vẫn còn ngổn ngang mặc dù việc làm vỉa hè đã bắt đầu cách đây hơn 2 tuần – Ảnh: Mộng Bình

(TBKTSG Online) – Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM dường như vẫn loay hoay, chưa biết làm cách nào để hạn chế sự bùng nổ các phương tiện cá nhân, và điều đó có thể thấy rõ qua đề xuất mới đây của cơ quan này.

Tại hội thảo chuyên đề về “Đẩy nhanh phát triển vận tải hành khách công cộng và giảm dần xe cá nhân” sáng 24-12 tại TPHCM, Sở GTVT đã đề xuất thu phí môi trường đối với các loại xe cá nhân như là một trong những giải pháp hạn chế sự bùng nổ của loại phương tiện này.

Ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải công nghiệp của Sở GTVT, đề xuất tại hội thảo mức thu phí môi trường là 10.000 đồng/tháng đối với xe gắn máy và 200.000 đồng/tháng đối với xe ô tô.

Ngay khi thông tin trên vừa được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thì nhiều người tự hỏi liệu các mức phí trên có đủ cao khiến nhiều người từ bỏ xe cá nhân để đi các loại phương tiện công cộng? Nên nhớ cái mức phí được gọi là “phí môi trường” được đề xuất cho xe gắn máy chỉ đủ để gửi xe một lần tại các khu giữ xe trong nhà của các khách sạn, 5 sao tại TPHCM. Còn mức phí cho xe ô tô thì chưa đủ để đổ xăng đầy bình cho các loại phương tiện này.

Ngay cả việc nói “phí môi trường” được xem là một giải pháp hạn chế sự bùng nổ các phương tiện xe cá nhân cũng không ổn, và đừng lẫn lộn giữa phí môi trường và giải pháp hạn chế việc bùng nổ các phương tiện xe cá nhân.

Việc thu phí môi trường đối với các chủ phương tiện xe cá nhân là cần thiết để thành phố có thêm khoản tiền (ít nhất là 800 tỉ đồng/năm) giúp giảm thiểu ô nhiễm mà đang trở nên ngày càng nghiêm trọng tại trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam này. Số tiền đó không thể giúp làm sạch môi trường thành phố nhưng cũng có thể giúp giảm thiểu ô nhiễm hay ít ra cũng có thể không làm cho môi trưòng thêm xấu hơn nếu được chi tiêu một cách minh bạch và hiệu quả.

Tuy nhiên, khoản tiền này cũng chẳng thấm vào đâu nếu dùng để “trợ giá xe buýt, đầu tư cho phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như metro, xe buýt và tàu điện ngầm.” Số tiền 800 tỉ đồng cũng là quá nhỏ để thành phố có thể đạt được nhiều mục tiêu cùng một lúc như đã nêu ra tại hội thảo, và chắc chắn nó cũng không thể giúp số lượng xe cá nhân tại TPHCM dừng lại ở con số khoảng 3,6 triệu xe gắn máy, 360.000 xe ô tô hiện nay theo như ước tính của Sở GTVT.

Cũng có thể hiểu là Sở GTVT có thể bị áp lực khi phải đảm bảo tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 25-30% vào năm 2010 và 50-60% vào năm 2020 theo như chiến lược phát triển giao thông vận tải đô thị được Chính phủ phê duyệt năm 2004, định hướng ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng. Nhưng không thể vì thế mà lại đưa ra những đề xuất bất hợp lý như thế, lẫn lộn giữa phí môi trường và giải pháp hạn chế xe máy, xe ô tô.

Có bao giờ Sở GTVT và các quan chức thành phố tự hỏi tại sao người dân vẫn thích dùng xe gắn máy hơn là đi xe buýt, ngay cả trong thời kỳ có quy định mỗi người dân chỉ được phép đứng tên đăng ký một xe gắn máy? Câu trả lời cũng đã quá rõ. Chắc chắn nhiều người dân thành phố này sẽ tự nguyện từ bỏ xe gắn máy để đi xe buýt nếu loại giao thông công cộng này mang lại cho họ nhiều thuận tiện hơn. Nên nhớ rằng, hiện nay nhiều người cũng rất sợ một số xe buýt chạy trên đường ngay cả khi họ đang ngồi trên xe gắn máy của họ và đi đúng làn đường dành cho xe gắn máy, và phải tránh xa loại “xe ưu tiên này” nếu muốn an toàn cho bản thân.

Không biết sắp tới Sở GTVT có thể làm gì để giảm bớt ngập lụt và ùn tắc giao thông tại thành phố này. Còn nhớ vào tháng 11 vừa qua, các báo đã đăng những thông tin khiến những ai đã ngán ngẩm với cảnh kẹt xe vì lô cốt cũng phải rùng mình: đến nay mới đào được hơn 27% số đường cần đào của dự án vệ sinh môi trường TPHCM và hai năm tới thành phố còn phải đào hơn 52 km đường nếu tính cả 12,6 km đường phải đào của dự án cải thiện môi trường nước tại thành phố này.

Ngay cả chuyện đào đường và làm vỉa hè còn ì ạch như “rùa lật ngược” thì liệu đến bao giờ thành phố này mới có thể giải quyết được những vấn đề liên quan đến việc bùng nổ phương tiện cá nhân? Thiết nghĩ thành phố cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả chứ đừng kiểu như thu “phí môi trường” thì những vấn đề bức xúc của người dân mới từ từ được giải quyết.  

MỘNG BÌNH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới