Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vấn nạn của ngành gỗ: “xuất thô, nhập tinh”!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vấn nạn của ngành gỗ: “xuất thô, nhập tinh”!

Thái Hằng

Vấn nạn của ngành gỗ:
Nhu cầu nhập khẩu gỗ có nguồn gốc hợp pháp của Việt Nam là cơ hội của các đối tác cung ứng. Ảnh: doanh nghiệp của Hội kỹ thuật gỗ nhiệt đới quốc tế (ATIBT) trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: Thái Hằng

(TBKTSG Online) – Theo Tổng cục Lâm nghiệp, một phần lớn gỗ rừng trồng hiện nay dùng chế biến dăm để xuất khẩu trong khi ngành chế biến và xuất khẩu đồ gỗ trong nước vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.

Bà Nguyễn Tường Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp, cho hay sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng và rừng tự nhiên của Việt Nam năm 2011 khoảng 6,3 triệu mét khối, trong đó gỗ khai thác rừng tự nhiên không đáng kể. Tuy nhiên, phần lớn lượng gỗ tươi đó được sử dụng để băm dăm và xuất khẩu.

Trong khi đó, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ trong nước phải nhập từ 4 đến 4,5 triệu mét khối gỗ nguyên liệu từ nước ngoài, kể cả những loại ván ép làm từ dăm gỗ như ván MDF, ván okal. Bà Vân nói tại buổi tọa đàm liên kết kinh doanh và giao lưu quốc tế, do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) tổ chức ngày 23-10 tại TPHCM. Bà cho hay, “xuất thô và nhập tinh” là vấn nạn của ngành lâm nghiệp và chế biến gỗ.

“Mục tiêu của ngành lâm nghiệp là thúc đẩy trồng những rừng cây gỗ lớn. Đến năm 2020 chúng tôi đặt ra mục tiêu sẽ có khoảng 20 triệu mét khối gỗ rừng trồng cho ngành chế biến gỗ”, bà Vân nói.

Bên lề tọa đàm, giám đốc bán hàng của một công ty chuyên cung ứng máy móc thiết bị của Đức cho các nhà máy sản xuất ván ép ở Việt Nam, cho biết nhu cầu các loại ván ép là rất lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đồ gỗ phải nhập khẩu các loại ván trên từ Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan… Ông cho hay mỗi năm lại có nhiều nhà máy ván ép ra đời ở Việt Nam, nhưng vẫn không sản xuất đủ cho nhu cầu.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, thị trường xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã có sự thay đổi mạnh mẽ, trước đây tập trung vào các thị trường trung chuyển như Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc để tái xuất khẩu qua nước thứ 3, nay đã xuất trực tiếp qua nhiều nước.

Tuy nhiên, sự thay đổi này lại đặt các mặt hàng đồ gỗ Việt Nam trước những yêu cầu khắt khe về nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm. Nguồn cung gỗ có “dán nhãn” hợp pháp trong nước không đủ, khiến các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước phải tìm đến những nguồn gỗ hợp pháp ở Bắc Mỹ, EU và châu Phi.

Năm 2011, Việt Nam đã bỏ ra trên 1,3 tỉ đô la Mỹ để nhập khẩu gỗ nguyên liệu, trong khi doanh thu từ xuất khẩu là 4,2 tỉ đô la Mỹ. Ước tính giá trị nhập khẩu gỗ nguyên liệu của năm 2012 lên đến 1,5 tỉ đô la Mỹ.

Chuẩn bị đàm phán với EU về nguồn gốc gỗ hợp pháp

Bà Nguyễn Tường Vân cho hay phái đoàn của Việt Nam chuẩn bị đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện, đảm bảo việc tuân thủ đạo luật tăng cường thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Buôn bán gỗ (FLEGT ) của EU lần thứ 3 tại Bỉ vào tháng 11-2012.

Sau tháng 3-2013, EU chỉ cho phép các lô sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT vào thị trường này.

Theo bà Vân, đàm phán sẽ tập trung vào các phụ lục của hiệp định, bao gồm các nội dung: danh mục hàng hóa; định nghĩa gỗ hợp pháp của Việt Nam; quy trình nhập cảng, giấy phép FLEGT của EU; hệ thống xác định tính hợp pháp của gỗ.

Từ khi khởi động đàm phán đến này, hai bên đã tiến hành một khối lượng công việc khá lớn gồm 2 phiên đàm phán cấp cao, 6 buổi trao đổi kỹ thuật cấp chuyên gia; 12 cuộc trực tuyến.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới