Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vẫn nóng chuyện hóa đơn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vẫn nóng chuyện hóa đơn

Trần Phi

Cảnh mua hóa đơn tại Chi cục Thuế quận 3, TPHCM, sáng 4-1-2011. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Trước tình hình doanh nghiệp không kịp in hóa đơn đúng thời hạn 1-1-2011, ngày 14-12-2010, Bộ Tài chính đã có văn bản đồng ý để ngành thuế tiếp tục bán hóa đơn cho doanh nghiệp đến hết ngày 31-3-2011. Tuy nhiên, việc tự in hóa đơn đến nay vẫn khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. (Xem thêm bài Đến hạn, khó có hóa đơn, TBKTSG số ra ngày 2-12-2010 và bài Gia hạn in hóa đơn, TBKTSG số ra ngày 23-12-2010).

Những dòng xe ken đặc trước cổng các chi cục thuế, những hàng người chen lấn mua hóa đơn, những cái lắc đầu, thở dài ngao ngán của đại diện doanh nghiệp tại các nhà in đủ để thấy câu chuyện về hóa đơn sẽ vẫn còn dai dẳng, cho dù năm cũ đã khép lại.

Bà Trần Thị Phượng, phụ trách kế toán của Trung tâm Kinh doanh An Thịnh, chi nhánh của Tổng công ty Công nghiệp in bao bì Liksin, TPHCM, đang rất lo lắng. Chuyện là doanh nghiệp bà vừa đổi tên từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Theo những gì được tập huấn về Thông tư 153 và Công văn 15364 của Bộ Tài chính về việc tự in hóa đơn, doanh nghiệp bà thuộc diện được sử dụng tiếp số hóa đơn cũ, mà hiện nay còn tồn chừng 8.300 chiếc, cho đến hết.

Ấy thế mà, khi liên hệ với Cục Thuế TPHCM lần thứ nhất, bà Phượng nhận được câu trả lời của một lãnh đạo cơ quan này là không đồng ý. Quá bức xúc, bà tìm đến bà Trần Thị Lệ Nga, Trưởng phòng Tuyên truyền Cục Thuế TPHCM. Qua kênh thông tin này, bà Phượng được lãnh đạo Cục Thuế hứa sẽ cho phép tiếp tục sử dụng hết số hóa đơn cũ. Nhưng khi đến Phòng Ấn chỉ để làm thủ tục, bà Phượng lại nhận được cái lắc đầu của bộ phận này.

Phản ứng lại, bà được hướng dẫn làm đơn và sẽ có công văn trả lời. Thế nhưng, đến hẹn, công văn trả lời cũng chẳng thấy đâu. Đem câu chuyện này ra đối thoại với lãnh đạo Cục Thuế TPHCM, phải qua hai câu trả lời, lần bảo được, lần nói không, cuối cùng bà Phượng được hứa “sẽ ghi nhận và tìm cách tháo gỡ” cho doanh nghiệp.

Câu chuyện trên minh chứng cho điều mà doanh nghiệp thường than phiền là hễ đụng đến chuyện thuế, mọi thứ cứ rối tung lên, những lời giải thích lắm lúc trái ngược, chồng chéo, khiến doanh nghiệp mướt mồ hôi, không biết đâu là đúng, sai.

Theo quy định, tên doanh nghiệp trên hóa đơn phải viết đầy đủ như trong giấy phép kinh doanh, không được viết tắt. Vì thế, mỗi lần ghi hóa đơn cho khách hàng, doanh nghiệp bà Phượng phải ghi đầy đủ, từ công ty mẹ cho đến chi nhánh là “Tổng công ty Công nghiệp in bao bì Liksin trách nhiệm hữu hạn một thành viên – Trung tâm Kinh doanh An Thịnh”. Điều này khiến cả doanh nghiệp lẫn khách hàng đều mệt mỏi.

Theo quy định cũ (Thông tư 120 của Bộ Tài chính), doanh nghiệp được in dấu mộc lên hóa đơn, nhưng theo quy định mới (Thông tư 153 của Bộ Tài chính), doanh nghiệp phải đóng dấu trực tiếp lên hóa đơn, ngoại trừ một số doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề đặc thù như điện, nước, viễn thông, siêu thị.

Quy định trên khiến các hãng vận tải biển ở TPHCM gặp rất nhiều khó khăn. Theo đại diện một hãng tàu nước ngoài, lượng hóa đơn của các hãng tàu sử dụng lên tới 10.000 hóa đơn/tháng. Vì thế, nếu cứ phải đóng dấu trực tiếp lên hóa đơn, doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian.

Điều này cũng khiến các doanh nghiệp sử dụng nhiều hóa đơn như ngồi trên lửa. Chẳng hạn trường hợp của Công ty Thế Giới Di Động. Mỗi ngày doanh nghiệp này sử dụng đến 8.000 hóa đơn, mà con dấu thì chỉ có một, các cửa hàng lại cách xa nhau, nên doanh nghiệp sẽ rất mệt mỏi để thực hiện việc đóng dấu lên hóa đơn. Kiến nghị lên Tổng cục Thuế, câu trả lời vẫn là doanh nghiệp phải làm đúng quy định, nghĩa là phải đóng dấu trực tiếp.

Ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó cục trưởng Cục thuế TPHCM, cho rằng vấn đề hóa đơn quả đang là chuyện bức xúc của doanh nghiệp. Đây cũng là một áp lực lớn cho ngành thuế. Theo ông, số lượng nhà in có hạn, doanh nghiệp thì nhiều, chưa kể những doanh nghiệp ở các tỉnh khác đến, nên quá tải là điều không thể tránh khỏi. Nhiều doanh nghiệp nhỏ, số lượng hóa đơn sử dụng không nhiều, nên gặp khó khăn trong việc đặt in hóa đơn, vì nhà in chẳng mặn mà với những đơn hàng có số lượng ít. Giá cả mỗi cuốn lên tới tiền triệu, quá cao so với mức 50.000 đồng/cuốn mua của Bộ Tài chính.

Ông Hạnh cho biết 15 năm trước, khi về làm Phó cục trưởng Cục thuế, số lượng doanh nghiệp ở thành phố, cộng tất cả các thành phần, cũng vào khoảng 12.000 đơn vị. Mười lăm năm sau, tức thời điểm hiện nay, con số này đã lên đến hơn 150.000 doanh nghiệp. Ấy thế mà nhân lực của cơ quan thuế vẫn không đổi. Hai mươi bốn chi cục thuế với chưa đầy 4.000 người nhưng phải giải quyết khối lượng giao dịch tăng hơn 12 lần.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, năm 2010 thành phố có khoảng 30.000 doanh nghiệp mới thành lập. Con số doanh nghiệp thành lập trong năm 2011 được dự báo sẽ còn lớn hơn nữa. Những địa phương có số lượng doanh nghiệp đông như Tân Bình, Bình Thạnh và Gò Vấp với trên dưới 10.000 đơn vị đang khiến ngành thuế gặp áp lực rất lớn, nếu không đổi mới hoạt động.

Vất vả mua hóa đơn

Những ngày qua, người được nhắc đến nhiều nhất ở mỗi công ty, có lẽ là các nhân viên kế toán. Nói không ngoa, đây thực sự là những “người hùng” khi phải gánh vác một trọng trách nặng nề. Những nhân viên này phải “phục” ở cơ quan thuế để mua hóa đơn, đủ dùng cho đến lúc có hóa đơn đặt in.

Có mặt ở những địa điểm bán hóa đơn mới thấy những vất vả, khổ sở của nhân viên kế toán để mua được vài cuốn hóa đơn cho công ty. Có người giao việc đưa con đi học cho chồng, đến cơ quan thuế từ sáng sớm để giành bốc số thứ tự. Nhiều người ngồi một chỗ, không dám đi đâu, vì sợ khi cán bộ thuế gọi tên không có, lại mất lượt. Một nhân viên kế toán mới vào nghề thú thực đã bị sếp mắng xối xả đến phát khóc vì cho rằng bỏ việc đi chơi “chứ mua hóa đơn gì mà lâu thế”…

Theo lãnh đạo Cục Thuế TPHCM, lượng hóa đơn doanh nghiệp đặt mua quá lớn, trong khi lượng hóa đơn cơ quan thuế còn lại ít nên không đáp ứng đủ. Để có hóa đơn, cơ quan thuế phải đặt in thêm, trong khi các nhà in vẫn đang quá tải do đang vướng các hợp đồng in hóa đơn cho doanh nghiệp.

Nói thẳng ra, nguyên nhân của tình trạng ùn ứ trên là do cơ quan quản lý hướng dẫn một cách vội vã, gấp rút. Sau khi doanh nghiệp, thậm chí chính các cơ quan thuế ở địa phương phản ánh tình hình khó có hóa đơn sử dụng đúng ngày 1-1-2011 như quy định thì đến tận ngày 14-12-2010, Bộ Tài chính mới có công văn cho phép cục thuế địa phương tăng lượng hóa đơn bán cho doanh nghiệp (từ thời điểm ban hành công văn đến hết ngày 31-12-2010) đủ dùng hết quí 1-2011 trong lúc chờ hóa đơn đặt in. Quyết định này đồng nghĩa với việc gia hạn cho doanh nghiệp đặt in hóa đơn đến 31-3-2011 thay vì 1-1-2011 như Nghị định 51/2010/NĐ-CP. Với thời gian vỏn vẹn 15 ngày, với hàng chục ngàn doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu mua hóa đơn, và với những không gian, con người có hạn tại các cơ quan thuế, không có gì lạ khi xảy ra tình trạng chen lấn, dồn ứ.

Thêm nữa, khi có Nghị định 51 về việc doanh nghiệp tự in hóa đơn, các cơ quan thuế chỉ đặt in một lượng hóa đơn đủ dùng trong năm 2010 nhằm tránh lãng phí. Nay phải cung cấp một lượng hóa đơn đủ dùng đến 31-3-2011, nghĩa là thêm ba tháng nữa thì chuyện thiếu là tất nhiên. Việc không đánh giá đúng thực tế của cơ quan quản lý khi triển khai Nghị định 51 đã phần nào tạo ra những trở ngại không đáng có cho doanh nghiệp.

Minh Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới