Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vẫn phải chật vật đối phó

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vẫn phải chật vật đối phó

Sơn Nghĩa

Cúp điện, công nhân của một doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở quận Gò Vấp phải dời ra ngoài sân để làm việc. Ảnh: Uyên Viễn.

(TBKTSG) – Kỳ vọng nhiều nhưng thất vọng cũng không ít là tâm trạng của các doanh nghiệp, sau sáu tháng đầu năm 2010 “bươn chải” với công việc kinh doanh. Những tưởng cuộc khủng hoảng kinh tế đã đi qua, cơ hội đã mở ra cho doanh nghiệp sau cơn suy thoái, nhưng…

Họa… từ cúp điện

Bước qua dãy hành lang hẹp, tù mù vì mất điện, chúng tôi bước vào xưởng may ẩm ướt đã nửa tháng nay không hoạt động. Mùi ẩm mốc từ căn phòng khoảng 100 mét vuông dường như quá rộng rãi và chông chênh như tâm trạng ông Nguyễn Văn Thành, chủ một cơ sở may ở Tân Bình. Chỉ tay vào hàng máy may vẫn còn vương những cuộn chỉ đang may dở, ông Thành nói: “Tôi đang kêu người bán, vì cuối tháng này phải thanh toán nợ cho ngân hàng”.

Sau khi cầm cự, vượt qua khó khăn do cuộc khủng khoảng kinh tế trong năm 2009, đầu năm 2010, ông Thành đã vay mượn người thân, bạn bè đầu tư thêm máy móc, dây chuyền để tiếp tục đeo đuổi với nghề. Trang bị xong nhà xưởng vào tháng 3-2010, cơ sở may của ông tranh thủ nhận may gia công cho các công ty lớn trong nước trong khi tìm kiếm khách hàng.

Vừa nhận được đơn hàng đầu tiên từ nước ngoài vào giữa tháng 4, thực hiện chưa hết 30% đơn hàng, công ty đã bị hủy hợp đồng với lý do giao hàng không đúng hẹn. “Chúng tôi đã bị tước đoạt cơ hội tồn tại vì chuyện cúp điện”, ông Thành bức xúc nói.

Sau 10 lần thuê máy phát điện với chi phí dầu máy 30 triệu đồng/ngày, ông Thành đã tuyên bố giải thể cơ sở may. “Thuê máy điện chi phí quá cao, trong khi chúng tôi phải góp nhặt từng đồng để trả lãi cho ngân hàng. Đơn hàng lại bị cắt, tôi còn làm được gì hơn…?”. Ông Thành đặt câu hỏi, nhưng ông cũng biết, sẽ không ai trả lời thỏa đáng cho ông.

Doanh nghiệp nhỏ, với số vốn liếng ít ỏi có kết cục như cơ sở may của ông Thành không phải ít. Còn các doanh nghiệp lớn vẫn phải đương đầu với những khó khăn từ việc cúp điện trong thời gian qua. Vấn đề này, được ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn 3, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TPHCM, mô tả là “cực kỳ gian khổ” cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp may ở TPHCM không lường trước được việc cúp điện, nên đã ký kết nhiều hợp đồng xuất khẩu và hiện đang gặp khó khăn. Doanh nghiệp phải “chạy đôn chạy đáo”, tìm giải pháp tình thế, thuê máy phát điện, năn nỉ công nhân làm đêm, đàm phán lại với đối tác để giãn thời gian giao hàng.

Tình trạng này làm tăng chi phí vận hành doanh nghiệp và làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu. Tuần nào điện ổn định trong thiếu thốn (một tuần cúp điện một ngày), công nhân phải làm việc ngày Chủ nhật. “Công nhân làm việc trong ngày nghỉ thì chi phí tăng cao mà hiệu quả lại giảm. Nếu một tuần cúp điện từ 2-3 ngày, công nhân vừa phải làm thêm ngày Chủ nhật và tăng ca làm đêm”. Ông Hồng nói về giải pháp của các doanh nghiệp.

Cũng là “nạn nhân” của chuyện cúp điện, đại diện của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, cho biết doanh thu và lợi nhuận của công ty giảm dần qua từng tháng, tháng 4 đạt 533 tỉ đồng, ước tháng 5 là 402 tỉ đồng. Tương tự, lợi nhuận sau thuế tháng 4 là 51 tỉ đồng, sang tháng 5 chỉ còn 22,5 tỉ.

…Đến lãi suất cao, giá nguyên liệu tăng

Nguyên liệu, sản phẩm đầu vào tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước cũng làm nhiều doanh nghiệp lao đao. Cụ thể, trong ngành may, theo ông Hồng, nguyên liệu các loại vải, nút, sợi, giá bao bì, vận chuyển đều tăng trung bình 20%. Trong khi đó, giá cả tiêu dùng cũng tăng làm ảnh hưởng đến người làm công ăn lương và doanh nghiệp. Giá đầu vào tăng nhưng giá bán sản phẩm lại không thể tăng.

Sau khi ký hợp đồng, giá vải tăng cao, doanh nghiệp buộc phải đàm phán với đối tác để tăng giá. “Họ chỉ chịu chia sẻ giá vải tăng, còn những chi phí khác doanh nghiệp phải tự gánh”, ông Hồng nói. Do nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, nên giá thành tất cả các mặt hàng vào thời điểm này đã tăng hơn 10% so với năm ngoài. Dù có đàm phán với đối tác để yêu cầu tăng giá bán, doanh nghiệp chỉ tăng được 3-5% trên mỗi đơn hàng.

Tương tự trong ngành sản xuất kính, ông Đoàn Đình Quốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Kiếng Đình Quốc (DQ Corp), vừa điều chỉnh mức tăng trưởng dự kiến 40% trong năm 2010 xuống còn 25%. Chi phí nguyên liệu, giá dầu, lãi suất tăng trung bình 25% đã làm cho tình hình kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn.

“Không những lãi suất cao mà thủ tục vay vốn ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn. Chúng tôi hy vọng sáu tháng cuối năm, ngân hàng sẽ mở hơn cho doanh nghiệp”. Ông Quốc nói, cơ hội đầu tư mở rộng của doanh nghiệp qua đi, vì không tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng.

Một khó khăn khác mà doanh nghiệp phải đối mặt là buộc phải tăng giá bán các sản phẩm để bù đắp lại chi phí đầu vào tăng cao trong sáu tháng đầu năm. “Chi phí phải trả cho lãi suất cao đã làm tăng giá sản phẩm bán ra. Điều này đã ảnh hương đến sức mua của người tiêu dùng”. Ông Huy Nguyễn, Giám đốc điều hành của tập đoàn Kinh Đô, cho biết.

Do chi phí đầu vào tăng cao, Công ty Kinh Đô buộc phải tăng giá bán. Chiến lược giá của công ty là đưa ra nhiều mặt hàng ở những phân khúc thị trường khác nhau với mức giá phù hợp. Dù vậy, điều này cũng làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp so với những đối thủ khác và làm mất cơ hội mở rộng thị phần của công ty.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới