Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vận tải hàng hóa đường hàng không và đường sắt căng thẳng trong đại dịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vận tải hàng hóa đường hàng không và đường sắt căng thẳng trong đại dịch

Khánh Lan

(KTSG Online) – Khi cuộc khủng hoảng vận tải biển kéo dài dai dẳng và chưa biết khi nào mới chấm dứt, dịch vụ vận tải hàng hóa bằng hàng không và đường sắt trở thành những sự lựa chọn thay thế nhưng cũng không thể đáp ứng nổi nhu cầu đang quá lớn.

Vận tải hàng hóa đường hàng không và đường sắt căng thẳng trong đại dịch
Một máy bay chở khách của hãng hàng không British Airways (Anh) chở thiết bị bảo hộ y tế từ Trung Quốc về Anh. Ảnh: JOC.com

Không có đủ máy bay để đáp ứng nhu cầu

Khi các chuỗi cung ứng đứt gãy, một trong những sự lựa chọn đầu tiên cho các chuyến vận chuyển hàng hóa quan trọng, được cam kết giao đúng hẹn là hàng không. Nhưng ngay cả khi chấp nhận chi phí đắt đỏ để thuê máy bay, tránh tình trạng tắc nghẽn ở kênh đào Suez (Ai Cập) hồi tháng 3, các doanh nghiệp cũng phải “lấy số và xếp hàng” vì tất cả máy bay đều đang bận rộn vận chuyển hàng.

Hồi đầu tháng 6, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho biết nhu cầu hàng hóa vận chuyển bằng hàng không trên toàn cầu trong tháng 4 tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019. IATA dự báo nhu cầu vận tải hàng hóa bằng hàng không trong năm 2021 sẽ tăng 13% so với năm ngoái và cao hơn 2,8% so với năm 2019.

Tuy nhiên, IATA nhận định công suất vận chuyển hàng hóa bằng hàng không toàn cầu sẽ thấp hơn 18% so với 2019 chủ yếu do nhu cầu đi lại quốc tế chưa phục hồi đầy đủ.

Nếu muốn sử dụng dịch vụ đặc biệt để được phục vụ nhanh chóng bằng đường hàng không, họ phải trả mức giá cước cao gấp 8 lần so với giá cước vận chuyển bằng đường biển. “Phần lớn công suất vận chuyển sẵn có của hàng không đều đã được đặt thuê”, Shawn Richard, Phó chủ tịch bộ phận vận tải hàng không toàn cầu ở Công ty SEKO Logistics, cho biết.

Công suất vận tải hàng hóa của hàng không chưa phục hồi đầy đủ dù cải thiện trong thời gian gần đây. Đại dịch Covid-19 buộc các hãng hàng không phải dừng vận hành phần lớn các đội máy bay của họ, vốn cung cấp 60% công suất vận chuyển hàng hóa toàn cầu trước đại dịch.

Các chuyên gia logistics cho biết công suất vận chuyển hàng không thắt chặt nhanh chóng khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp chuyển sang sử dụng máy bay để vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới, đẩy giá cước lên cao chót vót.

Vào cuối tháng 4, mức giá cước vận chuyển hàng hóa bằng hàng không đi từ Trung Quốc/Hồng Kông sang Mỹ tăng lên mức 8,56 đô la/kg, tăng 60% so với tháng 3, theo Công ty cung cấp dữ liệu giá cước hàng không TAC Index.

Nhu cầu vận chuyển hàng không đang duy trì ở mức cao ở khắp các lĩnh vực từ dược phẩm, thương mại điện tử cho đến hàng điện tử và thực phẩm. Một số hãng xe đang chuyển một số lô hàng linh kiện ô tô, thông thường vận chuyển bằng đường biển, sang đường hàng không để tránh tình trạng tắc nghẽn ở các cảng biển.

Nhu cầu vận tải hàng hóa bằng hàng không từ châu Á sang Mỹ trong tháng 4 tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, mức tăng này ở các tuyến bay từ Trung Quốc sang châu Âu là 18% so với tháng 4-2019, theo hãng môi giới giao nhận vận tải Flexport.

Điểm mấu chốt là số chuyến bay chở khách quốc tế vẫn còn hạn chế vì nhu cầu đi lại xuyên biên giới vẫn ảm đạm do các lo ngại về Covid-19. Các máy bay thân rộng chở khách đường dài sử dụng khoang bụng để chứa hàng hóa. Chúng đóng góp khoảng 50% công suất vận tải hàng không toàn cầu. Nhưng nhu cầu đi lại quốc tế bằng hàng không trong tháng 4-2021 vẫn thấp hơn 87,3% so với tháng 4-2019, theo dữ liệu mới nhất của IATA.

Dù có khoảng 1.100 máy bay vận tải hàng hóa chuyên dụng đang hoạt động, nhiều hơn 240 máy bay so với đầu năm 2020, con số này vẫn chưa đủ để bù đắp cho mức suy giảm 39% công suất vận tải hàng hóa của máy bay chở khách. Các chuyên gia cho rằng công suất vận tải hàng hóa của ngành hàng không sẽ chưa thể cải thiện đáng kể cho đến khi nhu cầu đi lại quốc tế phục hồi đầy đủ.

Nhu cầu vận chuyển hàng hòa bằng đường sắt đi từ các thành phố của Trung Quốc sang châu Âu tăng vọt trong thời kỳ dịch bệnh. Ảnh: Yicai Global

Vận tải đường sắt lên ngôi

Một số công ty logistics đang sử dụng mô hình vận tải đa phương thức và tàu kín (block train – đoàn tàu dùng toàn bộ các toa để chứa cùng một loại hàng và hàng hóa được vận chuyển từ một điểm đi đến một điểm đích mà không cần tập kết hay bốc dỡ hàng trên đường)

Hãng logistics U-Freight Group (Hồng Kông) cho biết dịch vụ vận tải đường sắt đa phương thức (kết hợp giữa tàu hỏa và xe tải) của hãng này giữa Trung Quốc và châu Âu cung cấp sự lựa chọn cạnh tranh hơn so với vận tải hàng không về mức giá cước và vận chuyển nhanh hơn đáng kể cho với đường biển. Số lượng hàng hóa được vận chuyển bởi dịch vụ này của U-Freight Group tăng mạnh kể từ khi tàu container Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez (Ai Cập) hồi tháng 3.

Trong khi đó, Công ty CEVA Logistics, đơn vị thành viên của hãng vận tải biển CMA CGM  (Pháp) đang thử nghiệm dịch vụ vận tải kết hợp tàu biển và tàu hỏa để vận chuyển hàng hóa từ Tây An, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) đến Immingham (Anh). Các container sẽ được vận chuyển từ Tây An đến Kaliningrad, Nga bằng tàu hỏa, sau đó, tiếp tục được đưa đến Immingham bằng đường biển trên tàu container.

Hôm 12-5, Công ty DHL Forwarding (Đức) cũng đã triển khai dịch vụ tương tự trên cùng tuyến vận tải để đạt mục tiêu tăng 17% khối lượng hàng hóa vận chuyển từ Trung Quốc đến Anh. CEVA Logistics cũng đang bổ sung dịch vụ vận tải hàng hóa tàu hỏa đi từ Tây An đến Duisburg, Đức và tiếp tục xây dựng các tuyến vận tải hàng hóa bằng tàu hỏa từ thành phố này đến các khu vực khác của Đức, Tây Ban Nha, Ý và Pháp.

Công ty logistics SF Holding (Trung Quốc) đang thuê máy bay chở linh kiện điện tử và hàng gia dụng từ Nhật Bản đến nhiều nơi ở Trung Quốc để chuyển lên các chuyến tàu hỏa đi đến châu Âu của Công ty vận tải đường sắt China Railway Express. Việc kết hợp dịch vụ hàng không và đường sắt giúp vận chuyển hàng hóa nhanh hơn với chi phí rẻ hơn.

Hàng hóa đi từ Nhật Bản đến châu Âu bằng đường biển thường mất khoảng 40 ngày. Nhưng nếu đưa hàng từ Nhật Bản đến Tây An, Trung Quốc bằng máy bay rồi chuyển lên tàu hỏa để đưa sang châu Âu thì chỉ mất từ 20-30 ngày với chi phí giảm một nửa so với với việc vận chuyển hoàn toàn bằng máy bay.

Công ty logistics Nippon Express (Nhật Bản) đang thuê tàu hỏa của China Railway Express để vận chuyển hàng gia dụng, linh kiện ô tô và các sản phẩm khác, được sản xuất bởi các công ty Nhật Bản và châu Âu ở Trung Quốc, đến các thành phố của châu Âu. Tính đến cuối tháng 3, công ty này đang cung cấp 25 tuyến vận tải hàng hóa bằng đường sắt đi từ các tỉnh của Trung Quốc đến châu Âu.

Tuy nhiên, công suất vận tải hàng hóa bằng đường sắt giữa Trung Quốc và châu Âu cũng đang bị áp đảo trước nhu cầu quá lớn. Marco Reichel, Giám đốc phát triển kinh doanh phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty Crane Worldwide Logistics, cho biết các chủ hàng ở miền nam Trung Quốc đang tìm cách chuyển hàng hóa sang đường sắt để vận chuyển đến châu Âu nhưng họ phải chờ nhiều tuần mới đặt chỗ được vì nhu cầu quá lớn.

Theo Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC), trong tháng 4, số chuyến tàu chở hàng đi qua các nước tham gia dự án Một vành đai, một con đường của Trung Quốc tăng lên 1.218, cao 24% so với cùng kỳ năm ngoái và số lượng hàng hóa tính theo đơn vị container 20 feet được vận chuyển trên các chuyến tàu này cũng tăng 33%. Tuy nhiên, vận tải đường sắt xuyên lục địa cũng có điểm hạn chế vì chủ yếu tập trung ở các tuyến Á-Âu.

Với tình hình hỗn loạn của các chuỗi cung ứng hiện nay, việc mua hàng hóa giá rẻ ở nước này để bán lại với giá cao ở nước khác hơn để kiếm lời không phải luôn khả thi. Ngành vận tải biển chủ yếu phụ thuộc vào các công ty môi giới về dịch vụ giao nhận để ký kết các thỏa thuận vận chuyển hàng. Do vậy, theo các chuyên gia, các giải pháp số hóa cung cấp một sự lựa chọn khác để hỗ trợ bên mua và bên bán hàng hóa trên thị trường quốc tế hiện nay.

Các nền tảng giao dịch số hóa giúp kết nối bên mua với các nhà cung cấp ở gần họ về vị trí địa lý hoặc đang bán hàng hóa với giá rẻ hơn đáng kể. Với chi phí giảm khi giá cước vận chuyển giảm nhờ tuyến đường ngắn hơn hoặc giá mua hàng hóa thấp hơn, các doanh nghiệp mua hàng có thể duy trì lợi nhuận. Đối với các doanh nghiệp nhỏ đang tìm kiếm khách hàng hoặc nhà cung cấp mới, các nền tảng thương mại điện tử như Alibaba hoặc Amazon có thể hỗ trợ họ duy trì hoạt động kinh doanh.

Theo The LoadStar, Nikkei Asian Review, FreightWaves, JOC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới