Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vận tải hàng không suy thoái

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vận tải hàng không suy thoái

(TBKTSG Online) – Kinh tế thế giới suy thoái khiến ngành vận tải hàng hóa bằng đường hàng không phải trải qua một thời kỳ đầy khó khăn dự kiến kéo dài không dưới ba năm.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (IATA), lượng hành khách đi máy bay trong năm nay sẽ giảm ít nhất 3% và lượng hàng hóa vận chuyển bằng hàng không sẽ giảm khoảng 5% do suy thoái kinh tế đã lan ra khắp thế giới. Mức giảm này cao hơn nhiều so với mức 1,8% năm 2008.

Doanh số ngành hàng không thế giới năm 2009, theo IATA, sẽ giảm 36 tỉ đô la Mỹ, còn khoảng 500 tỉ đô la. Đây là sự sút giảm doanh số lớn đầu tiên của ngành hàng không, kể từ vụ tấn công khủng bố 11-9-2001 ở Mỹ. Nếu giá dầu biến động quanh mức 60 đô la Mỹ/thùng thì ngành hàng không sẽ bị lỗ ít nhất 2,5 tỉ đô la trong năm nay; và khoản lỗ này sẽ tăng lên đến 5,2 tỉ đô la nếu giá dầu trở lại mức cao như năm ngoái; nhưng điều may mắn là hiện nay giá dầu đã xuống thấp, quanh mức 30-40 đô la/thùng.

Tác động của suy thoái kinh tế đối với ngành hàng không cũng khác nhau theo khu vực địa lý.

Theo IATA, sau khi lỗ khoảng 3,9 tỉ đô la trong năm ngoái, các hãng hàng không khu vực Bắc Mỹ sẽ có khoản lãi nhỏ 300 triệu đô la trong năm nay; ngược lại nhiều hãng bay châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương sẽ phải đối phó với nhiều khó khăn, thử thách và thiệt hại lớn hơn. Cộng chung lại, các hãng của hai khu vực này sẽ lỗ hơn 1,1 tỉ đô la, gần gấp đôi năm ngoái.

IATA dự báo, ngành vận tải hàng không thế giới chỉ có thể sẽ cất đầu trở lại từ năm 2011 với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 4%; riêng ngành vận tải hàng hóa bằng hàng không sẽ có thể hồi phục sớm hơn một chút và với mức tăng trưởng khoảng 6%.

“Tình hình khá bi quan. Năm 2009 này, nếu bạn có hàng cần gửi nhanh có thể bạn sẽ gặp khó khăn vì các hãng đang thi nhau cắt giảm cung tải. Nhưng cũng sẽ có trường hợp bất cứ khi nào cần bạn cũng có thể thuê nguyên cả một máy bay lớn chở hàng mà chỉ cần báo trước vài ba ngày”, một viên chức của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) thuộc Liên hiệp quốc, nhận xét.

Do nguồn hàng, đặc biệt là hàng từ châu Á xuất vào thị trường Mỹ, đã giảm rất nhiều trong bốn tháng cuối năm 2008 nên nhiều hãng vận tải hàng hóa đã lên kế hoạch giảm số chuyến bay, bỏ vài đường bay và cho nghỉ bay nhiều máy bay chở hàng. Hãng Kalitta Air của Mỹ dự định sẽ cho nghỉ bay 8 trong tổng số 20 chiếc máy bay 747 Freighter, đồng thời cho thôi việc 200 nhân viên. Hãng Cathay Pacific Cargo cho biết sẽ cho hai chiếc máy bay 747-400BCF tạm nghỉ trong một năm.

Ông Tony Tyler, Tổng giám đốc Cathay Pacific, cho biết hãng sẽ phải hoãn ngày nhận những chiếc máy bay đã đặt mua từ trước cuộc khủng hoảng. Theo kế hoạch, trong năm 2009 và 2010 Cathay Pacific sẽ nhận thêm 4 chiếc máy bay B747-400ERF, 21 chiếc B777-300 chở khách và 10 chiếc B747-8F chở hàng. Ngay đến hãng chuyển phát nhanh hàng đầu như FedEx cũng dời lại thời gian nhận 11 chiếc máy bay chở hàng đã đặt. Theo thỏa thuận mới đạt được với nhà sản xuất Boeing, năm 2010, FedEx sẽ nhận 4 chiếc B777F; năm 2011, nhận 4 chiếc thay vì 10 như kế hoạch ban đầu. Năm 2012 nhận thêm 5 chiếc và năm 2013, nhận nốt 2 chiếc.

Hiệp hội Các hãng hàng không châu Á-Thái Bình Dương (AAPA), trong đó có Vietnam Airlines, cho biết lượng hàng vận chuyển đã bắt đầu “suy sụp” từ tháng 9-2008, tồi tệ hơn kể từ tháng 10-2008 và đây là lần giảm nguồn hàng vận tải lớn nhất kể từ sau thời điểm tháng 10-2001. Trong mười tháng đầu năm 2008, tổng lượng hàng hóa vận tải bởi 17 hãng thành viên AAPA giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2007.

Nhìn hoạt động của một số các sân bay quốc tế lâu nay vẫn là cửa ngõ xuất nhập và trung chuyển hàng hóa, ai cũng thấy tác hại mà suy thoái kinh tế toàn cầu đang gây ra cho các hãng hàng không. Trong tháng 11-2008, Hong Kong Air Cargo Terminals chỉ xử lý được 203.000 tấn hàng, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2007. Sau 11 tháng, số hàng qua lại các nhà ga hàng hóa ở sân bay này là 2,37 triệu tấn, giảm 1,2%; trong đó lượng hàng xuất là 1,31 triệu tấn, giảm 20,7% và lượng hàng nhập là 600.000 tấn, giảm 4,1%.

“Rơi tự do” là cụm từ mà giới truyền thông dùng đến để mô tả thực tế đang diễn ra ở hai sân bay quốc tế lớn ở Bờ Tây nước Mỹ. Lượng hàng hóa xử lý tại sân bay quốc tế San Francisco đã giảm 19,8% trong tháng 10-2008 và tại sân bay quốc tế Los Angeles giảm 14,8%.

P. NGUYỄN DŨNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới