Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ Vedan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ Vedan

Ông Yang Kun Hsiang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam báo cáo kết quả khắc phục môi trường tại cuộc họp sáng nay 11-5. Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – “Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam vẫn còn chứa một lượng nước thải khổng lồ chưa qua xử lý tại 21 hồ chứa hiếm khí trên diện tích 14 héc ta, điều này vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ gây bệnh tật lây lan cho người dân khu vực quanh Vedan là rất lớn”.

>> Tiếp tục giám sát và kiểm tra hoạt động của Vedan

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Nguyễn Xuân Cường đã đưa ra thông tin trên tại cuộc họp giải quyết những tồn tại liên quan đến vụ việc vi phạm của Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam (Vedan) do Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên chủ trì sáng nay 11-5.

Đồng tình với nhận định này, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cần lưu ý việc theo dõi Vedan xử lý dứt điểm nước thải chưa qua xử lý tại 21 hồ chứa này. Theo ông Nguyên, qua khảo sát thực tế vào ngày 10-5 vừa qua, nước trong các hồ chứa này vẫn bốc mùi thối như nước sông Thị Vải hồi bị ô nhiễm nặng nhất.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên yêu cầu Vedan phải khẩn trương lắp đặt toàn bộ hệ thống quan trắc tự động, thu gom và xử lý triệt để nước thải ngay trong năm 2009.

Vedan và 5 KCN cùng “giết” sông Thị Vải

Tại cuộc họp sáng nay (11-5), Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định: “Đối với việc gây ô nhiễm sông Thị Vải, tôi kết luận rằng, nguyên nhân là do nước thải xả ra từ các khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, Mỹ Xuân, Gò Dầu, Phú Mỹ và Công ty Vedan. Nhưng chủ yếu là Vedan”.

Theo bộ trưởng, trong chuyến khảo sát, trực tiếp gặp gỡ nhiều người dân hôm qua (10-5), nhiều người dân còn phản ánh tình trạng xả thải lén lút của nhiều cơ sở sản xuất ven sông. Và như vậy, nếu chỉ giải quyết Vedan mà không xử lý triệt đề các khu công nghiệp ven sông thì nguy cơ ô nhiễm cho sông Thị Vải vẫn còn rất lớn, hậu quả cuối cùng ô nhiễm chính là người dân hưởng trọn.

Cũng tại cuộc họp sáng 11-5, ông Yang Kun Hsiang, Tổng giám đốc Công ty Vedan cho rằng, ngay sau khi bị phát hiện gây ô nhiễm sông Thị Vải hồi tháng 9 năm ngoái, công ty đã ngưng sản xuất 4 nhà máy, ngoài ra còn giảm bình quân 70% công suất của các nhà máy khác để chờ lắp đặt hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh.

Theo ông Yang, cho đến nay, Vedan đã bỏ ra khoảng 31 triệu đô la Mỹ đề đầu tư xây dựng, lắp đặt thêm 2 hệ thống xử lý nước thải với tổng công suất gần 5.000 mét khối/ngày.

“Dự kiến toàn bộ việc lắp đặt hệ thống xử lý nước thải kể cả thiết bị giám sát tự động, đồng hồ đo lưu lượng thải sẽ hoàn tất vào cuối năm nay”, ông Yang cam kết tại cuộc họp.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường, những gì mà Vedan thực hiện cho đến giờ phút này chỉ là chuyện khắc phục bước đầu, các cơ quan chức năng của hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu cần phải tiếp tục theo dõi sát Vedan hơn nữa trong thời gian tới.

Ông Phan Văn Linh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, tính từ cuối tháng 10-2008 đến nay, tỉnh đã tiến hành kiểm tra, giám sát tại Vedan và thu thập tổng cộng 167 mẫu nước thải, đã có 163 mẫu nước có kết quả. “Kết quả chung cho thấy, nước thải tại các cửa thoát nước đều chưa đạt quy định theo tiêu chuẩn nhà nước về môi trường, các thông số chưa đạt phổ biến nhất là độ màu, COD, Coliform…”, ông Linh nói.

Như vậy, những gì mà đa số các cơ quan chức năng khẳng định gần đây rằng: mức độ ô nhiễm sông Thị Vải có chiều hướng giảm; có thể nói, chủ yếu là do Vedan đang trong giai đoạn hạn chế sản xuất để khắc phục ô nhiễm, và nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sông Thị Vải vẫn còn tiềm ẩn tại Vedan.

Đặc biệt, trong giai đoạn này, Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Đồng Nai nơi Vedan trú đóng đang trong giai đoạn tiếp tục thẩm định nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường gồm 9 đề án bảo vệ môi trường đối với các hoạt động sản xuất của Vedan.

Các hoạt động sản xuất này bao gồm: nâng công suất sản xuất bột ngọt từ 5.000 tấn/tháng lên 15.000 tấn/tháng; nâng công suất sản xuất tinh bột biến tính từ 2.000 tấn/tháng lên 4.000 tấn/tháng; nâng công suất sản xuất lysine từ 1.200 tấn/tháng lên 1.400 tấn/tháng; nâng công suất sản xuất xút axit từ 3.116 tấn/tháng lên 6.600 tấn/tháng…

“Theo tôi, tỉnh Đồng Nai nên hết sức lưu ý việc phê duyệt đề án đánh giá tác động môi trường đối với các hạng mục nâng công suất sản xuất của Vedan, đừng để phê duyệt xong rồi lại xảy ra chuyện như vừa qua”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra cảnh báo.

Bùng nhùng khái niệm “bồi thường” và “hỗ trợ”!

Phát biểu tại cuộc họp sáng 11-5, ông Trần Ngọc Thới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, cả Vedan và các cơ quan chức năng cần phân biệt rõ khái niệm “đền bù” thiệt hại cho người dân và “hỗ trợ” người bị thiệt hại. Vedan không thể chối bỏ trách nhiệm đền bù thiệt hại măc dù gây ô nhiễm sông Thị Vải không chỉ có Vedan.

“Theo quan điểm của tôi, phải có một cơ quan chức năng khách quan đứng ra phân giải để người dân được đền bù thiệt hại thỏa đáng”, ông Thới nói.

Theo ông Thới, cụ thể, những hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do nguồn nước đã bị Vedan gây ô nhiễm thì Vedan phải bồi thường. Còn “hỗ trợ” là dành cho những hộ dân chuyên sống trên sông Thị Vải, bị ảnh hưởng nguồn thu nhập do nguồn tôm, cá cạn kiệt.

Để giải quyết các tồn tại liên quan đến việc gây ô nhiễm của Vedan, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến kiến nghị, Kho bạc tỉnh Đồng Nai chuyển toàn bộ số tiền xử phạt và truy thu phí bảo vệ môi trường từ Vedan về Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam ngay trong quí 2-2009 để dùng xây dựng và thực hiện các đề án khắc phục hậu quả về môi trường, kinh tế và xã hội trên lưu vực sông Thị Vải.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới