Vẫn trình Chính phủ dự án sân bay Long Thành
Lê Anh
![]() |
Phối cảnh sân bay Long Thành - Ảnh: ACV cung cấp |
(TBKTSG Online) - Cho dù vẫn còn nhiều điểm chưa được làm rõ nhưng dự án xây dựng sân bay Long Thành vẫn được hội đồng thẩm định bỏ phiếu tán thành cho phép chủ đầu tư là Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam (ACV) trình Chính phủ dự án này để báo cáo Quốc hội vào tháng sau.
>> Di dời 3.321 hộ dân để xây sân bay Long Thành
>> Kiến nghị ngưng xây sân bay Long Thành
>> ACV muốn đẩy nhanh dự án sân bay Long Thành
Theo thông tin chính thức được đăng tải trên website của Cục Hàng không Việt Nam, việc thống nhất trình Chính phủ dự án đầu tư sân bay Long Thành được 13 trong 16 thành viên của hội đồng bỏ phiếu tán thành.
Tuy nhiên, hội đồng vẫn cho rằng dự án còn nhiều điểm mà chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vẫn chưa luận giải được.
Hội đồng thẩm định dự án sân bay Long Thành do Thủ tướng quyết định thành lập gồm 16 thành viên, trong đó Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Chủ tịch, thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, có chức năng giúp Chính phủ thẩm định báo cáo đầu tư dự án trước khi trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. |
Thứ nhất, báo cáo đầu tư chưa luận giải được những điều kiện, căn cứ để sân bay quốc tế Long Thành có thể trở thành cảng trung chuyển quốc tế.
Thứ hai, so với báo cáo giải trình cách đây hai tháng, lần này chủ đầu tư đã rút gọn quy sân bay Long Thành trong giai đoạn đầu xuống còn một đường cất hạ cánh và nhà ga với công suất 17 triệu khách mỗi năm. Thế nhưng, Hội đồng thẩm định chưa rõ lý do vì sao báo cáo lần này lại xác định quy mô giai đoạn một như vậy ?
Điểm băn khoăn thứ ba là về việc huy động vốn cho dự án.
Hội đồng thẩm định kiến nghị Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo ACV hoàn thiện những vấn đề còn quan ngại trước khi Bộ GTVT thừa ủy quyền của Chính phủ báo cáo Quốc hội.
Trước đó, trong cuộc họp với ACV vào đầu tháng 4, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu ACV cần đưa quy mô đầu tư giai đoạn 1 ở mức tối thiểu, theo phương án xây dựng một đường cất hạ cánh và nhà ga hành khách công suất khoảng 17 triệu hành khách/năm; đồng thời phải xác định rõ các hạng mục được xây dựng bằng vốn ngân sách, vốn ODA và vốn của doanh nghiệp.
Đối với nguồn vốn doanh nghiệp vay ODA, ông Thăng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất hai phương án đó là vay qua Chính phủ bảo lãnh, doanh nghiệp trả nợ hoặc đề nghị ODA trực tiếp cho doanh nghiệp vay và trả nợ.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, để có mặt bằng xây dựng sân bay Long Thành, sẽ có 3.321 trong tổng số 5.381 hộ dân bị giải toả trắng. Dự kiến, tổng dự toán bồi thường, giải phóng mặt bằng (tính theo thời giá năm 2013) lên tới khoảng 20.770 tỉ đồng.
Báo cáo trước đây của ACV đề xuất, xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 đến năm 2020 sẽ có 2 đường hạ cất cánh có thể tiếp nhận máy bay Airbus A380 hoặc tương đương. Vốn đầu tư cho giai đoạn 1 ước tính trên 7 tỉ đô la Mỹ.
Giai đoạn 2 đến năm 2030 sẽ có 3 đường hạ cất cánh song song và có khả năng đón 50 triệu hành khách/năm.
Giai đoạn 3 sau năm 2030 sẽ có 4 đường hạ cất cánh để đón 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hoá/năm.