Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Vẫn trong kế hoạch”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Vẫn trong kế hoạch”

Tư Giang thực hiện

“Vẫn trong kế hoạch”
Ông Bùi Quang Vinh.

(TBKTSG) – Vốn đầu tư công dự kiến sẽ được giải ngân mạnh trong nửa cuối năm nay đang làm dấy lên lo ngại lạm phát trở lại. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trao đổi với TBKTSG xung quanh chủ đề này.

TBKTSG: Thưa ông, hiện đang xuất hiện nhiều lo ngại về nguồn vốn đầu tư công sẽ tăng đột biến lên 22.000 tỉ đồng mỗi tháng trong nửa cuối năm nay. Ông có thể nói gì về điều này?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Vốn đầu tư công năm nay chỉ có lượng nhất định là 200.000 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước (NSNN) và 45.000 tỉ đồng từ trái phiếu chính phủ (TPCP).

Vốn NSNN đã được Thủ tướng giao cho các bộ, ngành và địa phương ngay từ tháng 1-2012 và vốn trái phiếu được giao trong tháng 3, 4 theo cơ chế rất minh bạch. Chủ đầu tư là các bộ, ngành, địa phương phải mất thời gian để phân bổ vốn cho các công trình, sau đó các nhà thầu mới thi công được. Vì lẽ đó, vốn đầu tư NSNN và TPCP chưa giải ngân được nhiều trong nửa đầu năm nay và sẽ dồn vào nửa cuối năm. Đây là việc rất bình thường của nhiều năm nay.

Như vậy, nguồn vốn này sẽ vào khoảng 21.000 tỉ đồng mỗi tháng. Nhưng theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mỗi tháng sẽ có khoảng 22.000-23.000 tỉ đồng phải giải ngân nếu cộng thêm một số nguồn khác. Tôi khẳng định, nguồn vốn đó không phải là vốn tăng thêm mà vẫn hoàn toàn nằm trong kế hoạch năm nay.

TBKTSG: Nhưng cũng rất chính đáng khi người ta lo ngại vốn đầu tư công được giải ngân ào ạt như vậy có thể lại gây ra lạm phát. Hơn nữa, vẫn có chuyện ứng vốn năm 2013 cho năm nay?

– Tôi khẳng định tổng vốn đầu tư chỉ có ngần ấy, như Quốc hội thông qua hồi tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, Thủ tướng đã đồng ý ứng thêm 25.000 tỉ đồng từ nguồn vốn năm 2013 cho năm nay. Nguồn này bao gồm 10.000 tỉ đồng từ NSNN và 15.000 tỉ đồng từ TPCP, được thực hiện trên nguyên tắc chỉ phân bổ cho những công trình nào có thể hoàn thành dứt điểm trong năm nay và trong sáu tháng đầu năm 2013. Đây là lý do mà vốn đầu tư sẽ tăng lên khoảng 23.000 tỉ đồng như tôi đã nói ở trên.

Việc giải ngân vốn đã có. Việc vốn ứng của năm tới cũng được tính toán rất kỹ càng vì do lo ngại lạm phát trở lại. Số tiền 22.000-23.000 tỉ đồng mà giải ngân hết mỗi tháng là không nhỏ. Trong khi đó, như bên Ngân hàng Nhà nước đã nói, tăng trưởng tín dụng năm nay dự kiến khoảng 8-10%, dù thấp hơn mục tiêu 15-17% cho cả năm, cũng là số tiền rất lớn, lên đến vài chục ngàn tỉ đồng mỗi tháng. Nếu không cẩn thận, lạm phát sẽ quay trở lại.

TBKTSG: Nhưng đầu tư công được giải ngân chậm, cộng với tín dụng bị thắt chặt quá mức đã làm cho nền kinh tế rơi vào tình trạng suy giảm. Ông bình luận như thế nào về điều này?

– Trong nửa đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng theo Ngân hàng Nhà nước có dương chút ít vì tính cả mua TPCP. Còn theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng tín dụng vẫn âm 0,23%. Số nào thì cũng phản ánh tăng trưởng tín dụng rất thấp trong sáu tháng đầu năm.

Về đầu tư công, như tôi đã nói, sau khi các đơn vị tổ chức triển khai, phân bổ, từ đó các nhà thầu mới thi công. Cho nên, phải đến tháng 5, 6 thì mới có khối lượng để thanh toán. Như vậy, giải ngân trong nửa đầu năm ít là đúng thực tế. Từ tháng 6 trở đi, khi khối lượng thi công tăng, các đơn vị bắt đầu thanh toán và vốn giải ngân cũng sẽ tăng.

Như vậy, cả chính sách tài khóa và tiền tệ đã làm giảm tổng cầu xã hội, dẫn đến chỉ số CPI giảm trong nửa đầu năm nay. Đến nay, một trong những biện pháp thúc đẩy sản xuất, kích thích tăng trưởng là phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, vì sẽ giúp tăng tiêu thụ xi măng, sắt thép, nhân công… Đây là giải pháp cần phải thực hiện quyết liệt.

TBKTSG: Đầu tư công giải ngân thấp làm kinh tế tăng trưởng chậm, ngược lại nếu giải ngân nhanh lại tạo rủi ro lạm phát, như nhiều nhà kinh tế cảnh báo. Ông cảm thấy áp lực thế nào?

– Lâu nay vốn luôn là tác nhân quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng ở Việt Nam, nhưng chúng ta buộc phải giảm đầu tư công và dư nợ tín dụng để kiềm chế lạm phát, dẫn đến suy giảm tăng trưởng. Đây là mâu thuẫn. Nếu cứ tiếp tục thắt chặt sẽ không đạt được tốc độ tăng trưởng GDP như đã đặt ra, dẫn đến hệ lụy lớn về an sinh xã hội, thất nghiệp tăng. Mỗi năm Việt Nam phải tăng thêm được 1,2-1,3 triệu chỗ làm mới do dân số tăng lên. Trong khi đó, lượng lao động chuyển từ nông thôn sang lĩnh vực phi nông nghiệp lại rất lớn, chưa kể số lao động thất nghiệp do các doanh nghiệp bị giải thể, thu hẹp sản xuất. Như vậy, áp lực về xã hội rất lớn nên phải giữ hài hòa giữa ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng ở mức hợp lý, mới tạo công ăn việc làm, thúc đẩy sản xuất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới