Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vàng hấp dẫn trở lại nhờ các ngân hàng trung ương tăng mua

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vàng hấp dẫn trở lại nhờ các ngân hàng trung ương tăng mua

Khánh Lan

(KTSG Online) – Gần đây, các ngân hàng trung ương ở các nước từ Serbia, Ghana cho đến Thái Lan đã mua hoặc thông báo bổ sung vàng vào kho dự trữ giữa lúc viễn cảnh lạm phát tăng nhanh đang hiện hữu trước mắt. Sức mua vàng của các ngân hàng trung ương phục hồi, sau khi giảm về mức thấp nhất trong một thập niên hồi năm ngoái, hứa hẹn giúp vàng tỏa sáng khi một số nguồn nhu cầu vàng khác đang suy yếu.

Vàng hấp dẫn trở lại nhờ các ngân hàng trung ương tăng mua
Vàng được cất giữ trong một hầm chứa của Ngân hàng trung ương Anh tại London. Ảnh: Financial Times

Thái Lan bất ngờ mua 90 tấn vàng

Hồi đầu tháng 4 năm nay, Ngân hàng trung ương Hungary gây chấn động thị trường vàng khi thông báo đã mua 63 tấn vàng trong tháng 3 để tăng khối lượng vàng dự trữ lên gấp 3 lần, từ 31,5 tấn lên 94,5 tấn. Vào thời điểm đó, đây là khối lượng mua vàng lớn nhất của một ngân hàng trung ương trong những tháng đầu năm 2021.

Nhưng đến tháng 6, kỷ lục đó đã bị phá vỡ khi dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy trong tháng 4 và tháng 5, Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) đã mua tổng cộng 90 tấn vàng. Đây là hoạt động mua tích lũy vàng lớn nhất trong ngắn hạn kể từ khi Ngân hàng trung ương Ba Lan mua 100 tấn vàng trong nửa đầu năm 2019.

Thái Lan mua 43,5 tấn vàng trong tháng 4 và mua tiếp 46,5 tấn vàng trong tháng sau đó, nâng khối lượng vàng dự trữ của nước này lên 244 tấn, tăng 58,4%. Tháng trước, Tổng thống Serbia, Aleksandar Vucic cũng yêu cầu Ngân hàng quốc gia Seribia (NBS) tăng dữ trữ vàng từ mức 36,3 tấn lên 50 tấn.

Cũng trong tháng 6, Ngân hàng trung ương Ghana (BoG) thông báo sẽ mua 8,7 tấn vàng trong 5 năm tới để tăng gấp đôi khối lượng vàng dự trữ. Thống đốc BoG, Ernest Addison cho biết vàng sẽ được mua từ các mỏ vàng trong nước.Ghana là nước sản xuất vàng hàng đầu ở châu Phi.

Thị trường vàng chịu nhiều áp lực trong năm nay khi lợi tức trái phiếu tăng cao khiến kim loại quí không có lãi suất này trở nên kém hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư. Sau khi phục hồi khá mạnh trong tháng 4 và tháng 5, giá vàng trải qua tháng giảm giá nhất trong tháng trước khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đưa ra thông điệp báo hiệu sắp thắt chặt chính sách tiền tệ, giúp đồng đô la Mỹ tăng giá.

Lý do nào thúc đẩy các ngân hàng trung ương mua vàng?

Đà phục hồi của thương mại toàn cầu đang củng cố thặng dư tài khoản vãng lai của các nền kinh tế mới nổi, cho phép ngân hàng trung ương của họ mua nhiều vàng hơn. Giá dầu thô tăng mạnh cũng thúc đẩy các nước xuất khẩu dầu mỏ như Kazakhstan và Uzbekistan mua vàng, theo James Steel, nhà phân tích kim loại quý ở Ngân hàng HSBC. Steel cho rằng xu hướng sẽ tiếp tục vì giá dầu được dự báo sẽ còn tăng cao hơn nữa.

“Nếu một ngân hàng trung ương tìm cách đa dạng hóa kho dữ trữ ngoại hối, vàng là sự lựa chọn tốt nhất để thoát khỏi sự chi phối của đồng đô la Mỹ mà không cần mua thêm ngoại tệ khác”, nhà phân tích Steel nói. BoG cho biết việc tăng dự trữ vàng sẽ giúp nước này huy động các nguồn vay giá rẻ hơn để tăng tính thanh khoản ngoại hối trong ngắn hạn.

Theo NBS, “về dài hạn, vàng là tài sản quan trọng nhất giúp chống lạm phát và các dạng rủi ro tài chính khác”.
Dù không giải thích về việc mua thêm vàng nhưng có thể Thái Lan có những lý do tương tự như Hungary và Ba Lan khi họ mua vào vàng với khối lượng lớn.

Khi thông báo đã mua xong 63 tấn vàng, Ngân hàng trung ương Hungary (MNB) giải thích rằng vàng là tài sản an toàn và giúp tích lũy giá trị. MNB quyết định tăng khối lượng vàng dự trữ sau khi cân nhắc các mục tiêu chiến lược chính sách kinh tế và quốc gia trong dài hạn.

“Nhu cầu quản lý các rủi ro mới nảy sinh từ đại dịch Covid-19 cũng đóng một vai trò trong quyết định này”, theo MNB. Nói về lý do mua 100 tấn vàng trong nửa đầu năm 2019, Ngân hàng trung ương Ba Lan (NBP) cho biết vàng giúp phân tán rủi ro địa chính trị và là điểm tựa của niềm tin, đặc biệt là trong những kỳ căng thẳng và khủng hoảng đồng thời giúp tăng vùng đệm an ninh tài chính chiến lược của Ba Lan.

Suki Cooper, nhà phân tích kim loại quý ở Ngân hàng Standard Chartered, cho rằng các ngân hàng trung ương là một trong những động lực quan trọng cho sức mua vàng vật chật, giúp bù đắp cho dòng vốn đang chảy mạnh ra khỏi các quỹ hoán đổi danh mục vàng.

Cooper nói: “Các căng thẳng địa chính trị, nhu cầu đa dạng hóa tài sản của kho dự trữ ngoại hối và tình hình bất ổn của dịch bệnh Covid-19 tiếp tục thúc đẩy mối quan tâm dự trữ vàng”.

Trong một báo cáo gần đây, các nhà phân tích của ngân hàng Citigroup nhận định trong kịch bản lạc quan, nếu nền kinh tế toàn cầu bật dậy mạnh mẽ, sức mua vàng của các ngân hàng trung ương có thể đạt khoảng 1.000 tấn trong năm nay và năm tới.

Cụ thể, họ dự báo các ngân hàng trung ương sẽ mua 500 tấn vàng trong năm 2021 và thêm 540 tấn trong năm 2022. Các con số này vẫn kém sức mua đỉnh điểm hơn 600 tấn/năm trong năm 2018 và 2019 nhưng cải thiện đáng kể so với 326,3 tấn hồi năm ngoái.

Khoảng 1 trong 5 ngân hàng trung ương có ý định tăng dữ trự vàng vào năm sau, theo kết quả cuộc khảo sát của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) công bố hồi tháng trước.

Theo Bloomberg, Bullion Star

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới